Đổi mới kiểm tra, đánh giá: Bất lợi cho học sinh, giáo viên cũng… ảnh hưởng tâm lý

Từ học kỳ 2 năm học 2024-2025, ma trận đề kiểm tra định kỳ các môn đánh giá bằng điểm số sẽ gồm 2 phần trắc nghiệm khách quan và tự luận. Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá đối với cấp THCS và THPT mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành sẽ khiến học sinh, giáo viên vất vả hơn…

 Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá khiến học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) phải tăng tố. Ảnh: NVCC

Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá khiến học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) phải tăng tố. Ảnh: NVCC

Áp lực hơn khi tăng tự luận

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, từ học kỳ 2 năm học này, ma trận đối với đề kiểm tra định kỳ các môn đánh giá bằng điểm số sẽ gồm 2 phần trắc nghiệm khách quan (chiếm 7 trên thang 10 điểm) và tự luận (chiếm 3 trên thang 10 điểm).

Trong đó, phần trắc nghiệm khách quan (7 điểm), học sinh phải giải quyết các dạng câu hỏi gồm: trắc nghiệm nhiều lựa chọn (3 điểm); trắc nghiệm chọn đáp án đúng/sai (2 điểm) và trả lời ngắn (2 điểm).

Đáng chú ý, phần trắc nghiệm khách quan ngoài câu hỏi lựa chọn nhiều đáp án còn có câu hỏi đúng/sai và trả lời ngắn. Riêng với dạng câu hỏi chọn đáp án đúng/sai, mỗi câu hỏi gồm 4 ý nhỏ, mỗi ý yêu cầu học sinh chọn đáp án "Đúng" hoặc "Sai". Với câu hỏi dạng trả lời ngắn, nếu môn học không sử dụng dạng câu hỏi này thì chuyển toàn bộ số điểm cho câu hỏi chọn đáp án đúng/sai.

Sự thay đổi này không khiến Trần Gia Linh (học sinh lớp 12, trường THPT Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định) quá lo lắng. Gia Linh cho biết, trong phần thi trắc nghiệm, nhiều học sinh cảm thấy lo nhất phần thi Đúng/Sai.

"Trong 1 câu có 4 ý. Nếu trả lời đúng cả 4 ý thì mới được 1 điểm. Nhưng nếu chỉ sai 1 ý thì bị trừ 0,5 điểm. Như vậy, việc học sinh bị mất hẳn 50% tổng số điểm cho mỗi câu là rất cao. Cách chấm điểm này gây bất lợi, thiệt thòi cho học sinh.

Em ủng hộ bài kiểm tra có câu tự luận. Bởi tự luận là đánh giá công bằng cho học sinh. Học sinh làm tự luận được đến đâu là được chấm điểm đến đấy, không giống như cách chấm điểm ở phần thi Đúng/Sai", Gia Linh cho biết.

Với không ít học sinh trước đây chỉ học và làm đề theo hình thức 100% trắc nghiệm thì việc đổi mới đề kiểm tra "giảm trắc nghiệm, tăng tự luận" khiến các em cảm thấy áp lực hơn. Khánh Ly (lớp 12, trường THPT May, Hà Nội) cho biết: Tăng tự luận khiến chúng em phải thay đổi cách học.

Do câu hỏi tự luận có thêm phần ứng dụng nên chúng em phải tăng thêm khối lượng kiến thức và kỹ năng. Điều này gây áp lực rất lớn cho chúng em - những học sinh lớp 12 đang rất vất vả, học ngày học đêm để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng sắp tới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thầy và trò cùng tăng tốc

Trước hướng dẫn đổi mới kiểm tra, đánh giá đối với cấp THCS và THPT mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, cô Trần Thị Thúy Mùi, Phó hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định, cho biết, giáo viên và học sinh của trường không cảm thấy bỡ ngỡ vì nhà trường vẫn cho học sinh học và làm đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm và tự luận.

Tuy nhiên, cô Thúy Mùi cho biết, năm học này lứa học sinh đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới nên giáo viên và học sinh gặp không ít khó khăn trong việc dạy và học.

"Giáo viên phải đối mặt với thách thức trong việc thiết kế bài giảng phù hợp với cấu trúc đề mới. Giáo viên phải nghiên cứu rất kỹ để tạo ra ngân hàng câu hỏi, đặc biệt với những câu hỏi liên hệ thực tế.

Có những câu hỏi thực tế về liên môn như Toán liên quan đến Lý thì thầy cô phải rất kỹ lưỡng, xem lại kiến thức của những môn liên quan để đảm bảo câu hỏi chuẩn, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình. Giáo viên phải nâng cao kỹ năng ra đề, thiết kế câu hỏi sao cho vừa kiểm tra được kiến thức vừa kích thích khả năng tư duy của học sinh", cô Thúy Mùi chia sẻ.

Điều khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo ngại là đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh lại diễn ra vào thời điểm giữa năm học, đáng lẽ cần công bố từ đầu năm học để học sinh ổn định phương pháp học tập, tránh bị động.

"Việc đổi mới đề kiểm tra, đánh giá khiến thay đổi cả cách dạy học, rèn kỹ năng làm bài của học sinh. Giáo viên phải điều chỉnh phương pháp dạy học, tập trung vào việc giúp học sinh hiểu sâu kiến thức, rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin hơn là cung cấp thông tin đơn thuần.

Việc thay đổi này gấp quá, đặc biệt gấp với học sinh lớp 12, khiến cả giáo viên và học sinh cùng phải tăng tốc. Việc thay đổi không có lộ trình từ trước ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của cả học sinh và giáo viên. Chúng tôi mong muốn được cung cấp hướng dẫn chi tiết và đủ thời gian chuẩn bị cho giáo viên và học sinh trước khi áp dụng các thay đổi lớn.

Đặc biệt, chúng tôi mong được tăng cường tổ chức các buổi tập huấn và tài liệu hỗ trợ để giáo viên và học sinh làm quen với cấu trúc đề thi mới. Học sinh lớp 12 không có nhiều thời gian để rèn kỹ năng làm bài theo cấu trúc đề thi mới sẽ ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, đánh giá, từ đó ảnh hưởng đến kết quả tốt nghiệp của các em.

Trước sự thay đổi này, các thầy cô và học sinh chỉ biết cố gắng, tăng tốc, nỗ lực hơn để đáp ứng được yêu cầu của việc đổi mới này", cô Nguyễn Thị Thúy Toàn, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Bình (Đông Triều, Quảng Ninh), chia sẻ.

Nhật Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/doi-moi-kiem-tra-danh-gia-bat-loi-cho-hoc-sinh-giao-vien-cung-anh-huong-tam-ly-20241227173506251.htm
Zalo