Trường học quê lúa giành 3 giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An

Năm đầu tiên Nghệ An tổ chức thi chọn học sinh giỏi tỉnh lớp 9 theo chương trình mới, Trường THCS Bạch Liêu (huyện Yên Thành) đã giành 3 giải Nhất.

Trường THCS Bạch Liêu (huyện Yên Thành, Nghệ An) có 3 giải Nhất tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9 lần đầu tiên được tổ chức theo chương trình mới. Ảnh: Hồ Lài

Trường THCS Bạch Liêu (huyện Yên Thành, Nghệ An) có 3 giải Nhất tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9 lần đầu tiên được tổ chức theo chương trình mới. Ảnh: Hồ Lài

Năm nay là năm đầu tiên Nghệ An tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh lớp 9 theo chương trình GDPT 2018. Lần ra quân của kỳ thi nhiều đổi mới này, Trường THCS Bạch Liêu (huyện Yên Thành) đã giành 42 giải, trong đó có 3 giải Nhất, 17 giải Nhì, 10 giải Ba và 12 giải Khuyến khích.

Hai giải Nhất môn Khoa học tự nhiên

Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An dành cho lớp 9 năm nay lần đầu tiên sự góp mặt của nhiều môn mới. Trường THCS Bạch Liêu (huyện Yên Thành, Nghệ An) ghi dấu ấn với 2 thí sinh đạt giải Nhất môn Khoa học Tự nhiên 1 (Vật lý) và Khoa học Tự nhiên 2 (Hóa học).

Em Nguyễn Trọng Phi Hoàng đạt giải Nhất môn Khoa học Tự nhiên 1 (Vật lý) với 19,13 điểm. Đây là kết quả vượt mong đợi nhưng đầy xứng đáng với nam sinh đã theo đuổi môn Vật lý từ năm lớp 7 vì “thích môn học có tính ứng dụng cao”.

Đề thi môn KHTN 1 ở kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An lần này có cấu trúc gồm 2 phần: trắc nghiệm kiến thức chung (6 điểm) và tự luận (14 điểm) môn Vật lý. Phi Hoàng cho biết em làm phần trắc nghiệm trong thời gian hơn 30 phút và giành được trọn 6 điểm. Còn phần tự luận gồm 5 câu hỏi và điều mới lạ là câu nào cũng có phần gắn với ứng dụng, liên hệ thực tiễn. Khó nhất là câu tính vận tốc nước chảy từ vòi hoa sen – em mất nhiều thời gian nhất để tính toán. Tuy nhiên, dạng đề này em đã từng gặp trước đó nên không bị bất ngờ.

 Cô Phan Thị Duyên và em Nguyễn Trọng Phi Hoàng đạt giải Nhất môn Khoa học Tự nhiên 1 (Vật lý) với 19,13 điểm.

Cô Phan Thị Duyên và em Nguyễn Trọng Phi Hoàng đạt giải Nhất môn Khoa học Tự nhiên 1 (Vật lý) với 19,13 điểm.

“Với môn KHTN 1, ngoài môn chính Vật lý, thì em cũng phải ôn tập thêm kiến thức các môn Sinh học, Hóa học. Để ôn tập hợp lý, em xây dựng thời gian biểu tương ứng với thời khóa biểu bồi dưỡng ở trường. Khi thầy cô ôn kiến thức chung thì về nhà em cũng sẽ luyện đề trắc nghiệm tổng hợp. Còn phần lớn thời gian vẫn dành cho môn Vật lý. Quá trình ôn tập kỹ lưỡng nên khi bước vào kỳ thi em cũng yên tâm và tự tin vào kiến thức của mình”, Phi Hoàng cho hay.

Cô Phan Thị Duyên – giáo viên bồi dưỡng môn Vật lý cho biết đặc biệt ấn tượng với Phi Hoàng ở thái độ tích cực học tập. Em Hoàng có ý thức tự học rất tốt. Ngoài các buổi ôn tập ở trường, em rất chăm chỉ làm bài tập về nhà. Bất cứ đề nào cô gửi, em đều hoàn thành đầy đủ, nhanh chóng. “Nhược điểm” duy nhất là chữ xấu và trình bày còn cẩu thả. Trong quá trình ôn tập em cũng đã nỗ lực để cải thiện, tránh mất điểm trình bày khi đi thi.

Cũng theo cô Duyên, dù tham gia môn mới, nhưng các em trong đội tuyển KHTN 1 của trường năm nay đều có tinh thần học tập cao. Vì vậy sau khi thi xong, cô tự tin trong số học sinh của mình sẽ có giải Nhất. Kết quả điểm số gần tuyệt đối của Phi Hoàng đã trả lời cho công sức rèn luyện của cô trò.

Trong khi đó, em Bùi Danh Hoàng cho biết bản thân đã có một bài thi “làm hết khả năng” đối với môn KHTN 2. “Đề thi khá dài, sau khi nhận đề, em bắt đầu ngồi làm, tính toán một mạch đến câu hỏi cuối cùng thì đã gần hết thời gian 150 phút. Em chỉ còn ít phút để khảo lại một lượt bài làm thì hết giờ”.

 Cô Vũ Thị Nga và em Bùi Danh Hoàng - giải Nhất môn Khoa học tự nhiên 2. Ảnh: Hồ Lài

Cô Vũ Thị Nga và em Bùi Danh Hoàng - giải Nhất môn Khoa học tự nhiên 2. Ảnh: Hồ Lài

Bùi Danh Hoàng cho hay, phần trắc nghiệm chung kiến thức tích hợp Lý – Hóa – Sinh có mức độ cơ bản và vận dụng vừa, em chỉ mất khoảng 15 phút để hoàn thành. Nhưng phần tự luận môn Hóa học đề có nhiều câu bài tập, yêu cầu nắm vững kiến thức, tính toán chính xác, làm đến đâu chắc chắn đến đấy, nếu không sẽ không kịp thời gian. Đề không có những câu hỏi đánh đố nhưng lại có tính liên hệ thực tiễn cao. Vậy nên em cũng rất hào hứng để làm bài. Sau khi thi xong, em phát hiện mình sai 1 câu trắc nghiệm và giải quyết lệch đáp án của một ý trong 1 câu hỏi tự luận. Tuy nhiên em đã làm tốt nhất có thể và không có gì hối tiếc.

Nam sinh chia sẻ thêm, “em tự chấm được tương đối kết quả của mình, nhưng nghĩ rằng sẽ có nhiều bạn ở các trường khác cũng làm được bài và đạt điểm cao. Đến khi được thầy cô báo tin đạt 18,75 điểm và là 1 trong 4 giải Nhất của tỉnh, em rất bất ngờ và xúc động”.

Cô Vũ Thị Nga là giáo viên bồi dưỡng chính môn Hóa học chia sẻ, Bùi Danh Hoàng có sự say mê, yêu thích Hóa học, đầy nghiêm túc, cầu thị trong học tập chứ không “tùy hứng”. Trong suốt thời gian ôn thi, em đều giữ phong độ ổn định, đạt kết quả nổi trội trong đội tuyển. Trước đó, em cũng có tham gia thi học sinh giỏi huyện môn Toán, nhưng quyết định tập trung cho môn Hóa học để dự thi tỉnh. Em cũng biết vận dụng điểm mạnh ở môn Toán vào các môn khoa học tự nhiên.

Động lực đổi mới dạy học

Ngoài 2 giải Nhất môn Khoa học Tự nhiên, Trường THCS Bạch Liêu còn có 1 giải Nhất môn Toán của em Phan Tất Tuấn, học sinh lớp 9A với 18 điểm. Hoàn cảnh gia đình nam sinh có nhiều vất vả, mẹ làm nghề tự do, bố đi xuất khẩu lao động. Vì vậy, cậu học trò sớm có ý thức tự học, tự rèn luyện. “Khi mới đậu vào Trường THCS Bạch Liêu - trường trọng điểm của huyện - em biết mình không phải là học sinh xuất sắc nhất. Được thầy cô bồi dưỡng, truyền cảm hứng, em luôn ý thức mình cần cố gắng, nỗ lực mỗi ngày để phát triển”, Tuấn chia sẻ.

 Thầy Trịnh Bá Huyền - chủ nhiệm lớp 9A Trường THCS Bạch Liêu - cũng là lớp có 3 em đạt giải Nhất thi học sinh giỏi tỉnh. Ảnh: Hồ Lài

Thầy Trịnh Bá Huyền - chủ nhiệm lớp 9A Trường THCS Bạch Liêu - cũng là lớp có 3 em đạt giải Nhất thi học sinh giỏi tỉnh. Ảnh: Hồ Lài

Kết quả, Tuấn liên tiếp giành giải Nhất thi học sinh giỏi huyện môn Toán năm lớp 8 và lớp 9. Bên cạnh đó, em còn đạt 1 giải Nhất, 1 giải Nhì môn Vật lý. Khi tập trung đội tuyển dự thi tỉnh, em quyết định chọn môn Toán, là đam mê từ đầu của mình để tập trung thời gian ôn tập. Lựa chọn và quyết tâm đó của em đã đem về quả ngọt là 1 trong giải Nhất môn Toán của toàn tỉnh Nghệ An.

Thầy Trịnh Bá Huyền – giáo viên chủ nhiệm, đồng thời phụ trách bồi dưỡng đội tuyển môn Toán chia sẻ, từ năm lớp 6, thầy đã nhìn thấy ở cậu học trò Phan Tất Tuấn sự đam mê, tư duy Toán học và phương pháp giải bài rất thông minh. Đây cũng là cậu học trò rất chắc chắn, làm bài ổn định. Trong các bài kiểm tra vòng loại, Tuấn đều đạt mức điểm từ 16 – 18 điểm và nằm tốp đầu của đội tuyển.

Nói về kỳ thi năm nay, thầy giáo Trịnh Bá Huyền chia sẻ, dù môn Toán không phải là môn mới, nhưng cách ra đề năm nay khác rất nhiều về cấu trúc, dạng thức câu hỏi. Trước đây, đề ra chú ý đến cách giải toán để cho ra kết quả, còn năm nay, các câu hỏi yêu cầu phải vận dụng những kiến thức đã học để giải bài toán thực tế.

 Theo giáo viên, dù là năm đầu tiên tổ chức thi học sinh giỏi đối với các môn mới, nhưng đề có tính vận dụng cao, phân hóa được học sinh giỏi. Ảnh: Hồ Lài

Theo giáo viên, dù là năm đầu tiên tổ chức thi học sinh giỏi đối với các môn mới, nhưng đề có tính vận dụng cao, phân hóa được học sinh giỏi. Ảnh: Hồ Lài

Đây là kỳ thi đầu tiên của chương trình mới, nguồn tài liệu, nguồn đề tham khảo không nhiều, mà chủ yếu là giáo viên của tổ Toán cả trường cùng họp chuyên môn, nghiên cứu, xây dựng ma trận đề thi cho học sinh. Giáo viên cũng phải thường xuyên cập nhật thông tin từ nhiều nguồn như tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, Tạp chí Toán Tuổi thơ, Tạp chí Pi để tìm kiếm thêm tư liệu. Nhưng với kỳ thi này, học sinh đã có cơ hội thử sức, phát triển năng lực tư duy.

Cùng chia sẻ, cô Phan Thị Duyên cho biết, đối với các môn khoa học tự nhiên trong suốt 3 năm học trước, các trường cũng như giáo viên chưa xác định được cách thức tổ chức kỳ thi ra sao, các môn thi theo truyền thống hay tích hợp. Đến đầu năm lớp 9, khi có thông báo chính thức của Sở GD&ĐT thì Phòng GD&ĐT mới tổ chức thi học sinh giỏi huyện và chọn đội tuyển thi tỉnh.

 Ngôi trường quê lúa Yên Thành, Nghệ An có mùa thi học sinh giỏi tỉnh thành công với 42 giải, trong đó có 3 giải Nhất. Ảnh: Hồ Lài

Ngôi trường quê lúa Yên Thành, Nghệ An có mùa thi học sinh giỏi tỉnh thành công với 42 giải, trong đó có 3 giải Nhất. Ảnh: Hồ Lài

Tuy nhiên, nhà trường cũng có sự chuẩn bị, đón trước kế hoạch ôn tập theo chương trình mới, thay đổi cách kiểm tra đánh giá học sinh, nên khi có phương án thi chính thức đã nhanh chóng bắt kịp. Riêng tổ bộ môn KHTN đã cùng nhau xây dựng ma trận đề thi theo cấu trúc của Sở GD&ĐT hướng dẫn để cho học sinh ôn tập, thi thử. Nói thêm về đề thi năm nay, cô Vũ Thị Nga nhận định, khác với các năm trước, đề thi học sinh giỏi tập trung vào nội dung kiến thức thì năm nay, đề hướng vào phát huy năng lực học sinh. Với đề thi này, vừa đáp ứng chương trình GDPT mới, vừa có tính phân hóa rõ, đánh giá được năng lực học sinh giỏi. Qua đó cũng tạo động lực cho giáo viên và học sinh chuẩn bị cho các kỳ thi năm tới.

Thầy giáo Nguyễn Phúc Lộc - Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Liêu nhận định, Kỳ thi học sinh giỏi đầu tiên được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018 với nhiều đổi mới có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các giáo viên, nhà trường thể hiện năng lực, sự chủ động, sáng tạo trong dạy học. Nhà trường đã yêu cầu các tổ chuyên môn phải nghiên cứu, bám sát theo hướng dẫn của Phòng, của Sở GD&ĐT, đổi mới cách kiểm tra, đánh giá. Đồng thời có chính sách khuyến khích, động viên để tạo động lực cho giáo viên, học sinh cùng cố gắng. Kết quả kỳ thi lần này đã phát huy chất lượng giáo dục của nhà trường, thúc đẩy phong trào thi đua dạy học trong giáo viên, học sinh.

Hồ Lài

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-que-lua-gianh-3-giai-nhat-ky-thi-hoc-sinh-gioi-tinh-nghe-an-post713833.html
Zalo