Đổi mới giáo dục từ sáng tạo đồ dùng dạy học
Sáng tạo đồ dùng dạy học để phục vụ công tác giảng dạy là giải pháp mà nhiều trường mầm non ở huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đang thực hiện. Không chỉ phát huy được năng lực của đội ngũ giáo viên, hoạt động này còn góp phần đáp ứng yêu cầu về đổi mới giáo dục toàn diện.

Giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Sữa (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) biến vỏ thùng sơn thành đồ dùng dạy học môn Âm nhạc. Ảnh: T.D
Vỏ chai nhựa, bìa cứng, hộp xốp, đá cuội, tre nứa… qua đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của các cô giáo Trường Mẫu giáo Hoa Sữa (xã Ia Kly) đã trở thành những món đồ chơi ngộ nghĩnh, độc đáo.
Cô Nguyễn Thị Thúy Loan-Giáo viên lớp 3-4 tuổi-chia sẻ: “Bên cạnh sử dụng số đồ dùng có sẵn được trang bị, chúng tôi đã tự làm được nhiều loại đồ dùng, đồ chơi khác như: mô hình, vật mẫu, tranh ảnh, gùi, cồng chiêng…
Nhờ đó, giờ học trở nên hấp dẫn đối với trẻ. Phong trào tự làm đồ chơi, đồ dùng dạy học là cách thể hiện trách nhiệm của mỗi giáo viên trong thực hiện đổi mới giáo dục”.
Học thông qua hoạt động chơi là quá trình mà trẻ được khám phá và học hỏi về thế giới xung quanh mình. Khi chơi, trẻ không chỉ vui vẻ mà còn phát triển các kỹ năng cơ bản như: tư duy, ngôn ngữ, sáng tạo, giải quyết vấn đề và giao tiếp.
Vì vậy, các cô giáo luôn tự làm đồ dùng, đồ chơi mang tính sáng tạo cao để phục vụ cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Khám phá bộ trống được làm từ vỏ thùng sơn, bé Siu Phong (4 tuổi) cười nói: “Con rất thích những đồ dùng mà các cô giáo làm”.
Theo cô Dương Thị Mai Lan-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Sữa: Việc tái chế và sử dụng vật liệu thiên nhiên hoặc phế thải làm đồ dùng học tập đã góp phần giảm lượng rác thải nhựa thải ra môi trường. Ngoài ra, đồ dùng tự làm cũng sẽ giúp trẻ phát triển tư duy phản biện và nhận thức về việc bảo vệ môi trường.
“Sáng tạo đồ dùng dạy học khẳng định tính sáng tạo, kiên trì và lòng yêu nghề của đội ngũ giáo viên. Hàng năm, nhà trường đều phát động phong trào tự làm đồ chơi, đồ dùng dạy học để mỗi giáo viên ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện đổi mới giáo dục, mang đến cho trẻ nhiều hơn các loại đồ chơi; đồng thời tạo cho chính mình những đồ dùng dạy học phù hợp và giá trị theo nội dung, chương trình giáo dục chung”-cô Lan cho hay.

Cô Lê Thị Kim Oanh-Giáo viên Trường Mẫu giáo Sao Sáng (thị trấn Chư Prông) sáng tạo đồ dùng phục vụ dạy học. Ảnh: T.D
Tương tự, tại Trường Mẫu giáo Sao Sáng (thị trấn Chư Prông), việc sử dụng đồ dùng dạy học do giáo viên tự thiết kế đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp trẻ thêm yêu trường, mến lớp.
Cô Lê Thị Kim Oanh-Giáo viên lớp 5-6 tuổi-bày tỏ: “Nhiều loại vật liệu bị loại bỏ sau khi sử dụng, song trên thực tế lại có thể tái chế thành những đồ dùng, đồ chơi đẹp, ấn tượng để phục vụ công tác giảng dạy và hoạt động vui chơi của trẻ. Qua đó, các giờ học trở nên đa dạng, mới lạ, hấp dẫn, gần gũi hơn với trẻ, giúp trẻ phát triển được các tố chất vận động”.
Với thùng giấy, ống nước cũ cùng keo nến, vải bóng, giáo viên Trường Mẫu giáo Sao Sáng đã sáng tạo nên 1 chiếc ti vi với hình ảnh các nhân vật trong những truyện như: Nhổ củ cải; Giọt nước tí xíu; Cáo, thỏ và gà trống… Đồ dùng này được đưa vào các giờ học làm quen với môn Văn học, đem lại sự thích thú và giúp phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo cho trẻ.
Hay với các nguyên liệu từ vỏ thông, chai nhựa, cùi bắp, vỏ sò, nắp chai... các cô đã tạo nên bộ tranh về các con vật ngộ nghĩnh. Ngoài việc trang trí cho lớp học thêm sinh động, các con vật tự tạo này còn được sử dụng trong các giờ học Toán, hoạt động tạo hình, hoạt động góc…
Cô Đinh Thị Hương Thủy-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Trước đây, đồ dùng dạy học chưa được phong phú, chưa phát huy được tính chủ động tích cực, sáng tạo của trẻ. Nhận thức được điều đó, tập thể sư phạm nhà trường đã tận dụng những nguyên liệu sẵn có để làm các bộ đồ dùng dạy học, đồ chơi.
Mỗi bộ đồ dùng dạy học, đồ chơi sáng tạo đều mang một ý nghĩa khác nhau, có thể áp dụng vào các hoạt động dạy học và vui chơi ở trường; góp phần hỗ trợ tốt nhất trong công tác giáo dục, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Học sinh Trường Mẫu giáo Sao Sáng (thị trấn Chư Prông) thích thú với các đồ dùng tái chế. Ảnh: T.D
Trao đổi với P.V, bà Phạm Thị Thu Hằng-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Prông-cho biết: Những năm qua, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh phong trào tự làm đồ chơi, đồ dùng dạy học; khuyến khích các trường tự tổ chức những cuộc thi về đồ chơi, đồ dùng dạy học làm bằng vật liệu có sẵn của địa phương.
Hầu hết đồ chơi, đồ dùng dạy học tự làm của giáo viên đều thể hiện sự sáng tạo, tính ứng dụng trong thực tế và có ý nghĩa lớn đối với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
“Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thi “Đồ dùng dạy học-Đồ chơi tự tạo” bậc học mầm non nhằm thực hiện có hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”.
Qua hội thi, các tập thể, cá nhân đã phát huy năng lực của mình, có sản phẩm chất lượng, sáng tạo và tính ứng dụng cao trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, kích thích sự tham gia một cách hứng thú của trẻ vào các hoạt động học tập, vui chơi.
Tự làm đồ dùng, đồ chơi trở thành một hoạt động sư phạm thường xuyên, góp phần tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại địa phương”-bà Hằng nhấn mạnh.