'Nằm lòng' chủ đề quan trọng phần Hình học và Đại số chinh phục kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Toán
Cô giáo Vũ Thị Lan, giáo viên môn Toán, Trường THPT Đống Đa, Hà Nội chia sẻ 'bức tranh' tổng thể về môn Toán ôn thi tốt nghiệp THPT cho các sĩ tử lớp 12. Trong đó gợi ý các chủ đề quan trọng, chuyên đề trọng tâm phần Hình học và Đại số.
Khác nhau giữa đề thi chương trình cũ và chương trình mới
Cô giáo Vũ Thị Lan, giáo viên môn Toán, Trường THPT Đống Đa cho biết, đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2006, thí sinh đã quen thuộc với các dạng đề 50 câu trắc nghiệm khách quan. Trong đó có khá ít các câu hỏi vận dụng thực tế, chủ yếu kiến thức nằm ở phần hàm số, hàm số mũ, ứng dụng đạo hàm...

Cô giáo Vũ Thị Lan, giáo viên môn Toán, Trường THPT Đống Đa
So sánh với bài thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có thể thấy chương trình mới tăng cường vận dụng cao, vận dụng thực tế; các câu hỏi vận dụng thực tế nhiều hơn, đa dạng về tình huống đời sống, gắn với các lĩnh vực khác, tích hợp với vật lí, sinh học, tài chính cá nhân...
Dạng đề chương trình mới có 22 câu bao gồm:
Phần 1: 12 câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn cho 04 phương án chọn 01 đáp án đúng;
Phần 2: 04 câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng Đúng/Sai. Mỗi câu hỏi có 04 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai.
Phần 3: 06 câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình.
So sánh về xu hướng vận dụng kiến thức giữa 2 chương trình, cô giáo Vũ Thị Lan cho biết:

Chú trọng 5 dạng kiến thức
Cô giáo Vũ Thị Lan gợi ý, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh cần chú trọng ôn tập những dạng kiến thức Toán như:
Thứ nhất, nắm chắc kiến thức cốt lõi trong sách giáo khoa, giải các bài toán trọng tâm. Các em cần nắm chắc kiến thức cơ bản, vì chương trình mới hướng đến “học ít mà hiểu sâu, vận dụng được”.
Thứ hai, các em cũng cần tập trung vào các dạng câu hỏi vận dụng, gắn với thực tiễn nếu có mục tiêu điểm tốt. Đây là những câu hỏi quyết định để phân hóa điểm 8, 9, 10. Hãy biết cách nhận diện dạng toán, có phương pháp giải nhanh và chính xác. Cố gắng mỗi ngày làm ít nhất 5-10 câu vận dụng cao, ghi chú lại các phương pháp giải nhanh. Đặc biệt lưu ý các câu hỏi liên quan đến thực tiễn, ứng dụng thực tế trong đề minh họa 2025.
Thứ ba, luyện đề thường xuyên. Đầu tiên, các em phải làm quen kỹ với đề tham khảo mới nhất để hiểu rõ cấu trúc, phân bố các dạng câu hỏi, tránh học lan man, không hiệu quả. Mỗi tuần các em có thể làm 3-4 đề; ghi chú lỗi sai và phân tích vì sao mình mắc lỗi để nhìn lại, tránh lặp lại sai lầm.
Thứ tư, sử dụng sách tham khảo uy tín hoặc đề thi thử từ trường, các cụm trường, các Sở GD-ĐT; tham gia nhóm học tập trực tiếp và online để cập nhật thêm nhiều cách giải hay và hiệu quả. Chủ động hỏi đáp và trao đổi với thầy cô, bạn bè để tích lũy kiến thức...
Thứ năm, tham khảo thêm các bộ sách giáo khoa khác để có nhiều cách nhìn cùng một vấn đề.
Chương trình mới yêu cầu học sinh học hiểu bản chất, biết vận dụng. Vì vậy, việc ôn tập cần chuyển từ luyện kỹ thuật giải sang rèn năng lực tư duy, vận dụng thực tiễn.

Học sinh cần "nằm lòng" các chủ đề quan trọng phần Hình học và Đại số chinh phục kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Toán
Một số điểm cần chú ý trong phần Hình học và Đại số
Cô giáo Lan gợi mở thí sinh cần nắm chắc những chuyên đề trọng tâm, cụ thể học sinh tập trung ôn thật chắc các chủ đề quan trọng nhất như:
- Hàm số và ứng dụng: sự biến thiên, đồ thị hàm số, cực trị, tiệm cận, giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của hàm số
- Ứng dụng của đạo hàm và khảo sát hàm số để giải quyết một số vấn đề liên quan đến thực tiễn...
- Mũ và logarit: phương trình, bất phương trình mũ – logarit, rút gọn, biến đổi biểu thức...
- Nguyên hàm – tích phân: đặc biệt chú ý các dạng tích phân cơ bản, ứng dụng tích phân trong hình học, tính diện tích hình phẳng, thể tích vật thể tròn xoay, ứng dụng tích phân vào các bài toán thực tiễn
- Thống kê: các khái niệm như khoảng biến thiên, khoảng tứ phân vị, mod, giá trị trung bình, phương sai, độ lệch chuẩn và ý nghĩa.
- Xác suất – Thống kê: xác suất cổ điển, đặc biệt là phần kiến thức mới được đưa vào chương trình toán 12 là các bài toán liên quan tới xác suất có điều kiện, xác suất toàn phần và công thức Bayes. Năm nay các em nên tập trung học kĩ phần xác suất, phần này mới học tưởng là khó, nhưng nếu tập trung nghiên cứu kĩ sẽ chinh phục được.
- Hình học không gian Oxyz: Vecto trong không gian, biểu thức tọa độ, phương trình mặt phẳng, đường thẳng, mặt cầu.
Đề thi rất nhiều toán thực tế, cả phần đúng sai lẫn phần điền đáp số. Muốn chinh phục được các bài toán thực tế thì phải nắm chắc kiến thức trọng tâm, kiến thức nền tảng và làm nhiều các dạng toán thực tế trong quá trình ôn luyện.
Chinh phục bài thi môn Toán theo đúng năng lực của mình
Để chinh phục bài thi môn toán đúng với năng lực của mình, học sinh cần Bình tĩnh, đọc kĩ đề, ưu tiên làm chắc câu dễ trước bên cạnh đó tận dụng kỹ năng loại trừ – ước lượng – thử đáp án.
Theo cô Lan, với bài trắc nghiệm, không nhất thiết giải hoàn toàn. Có thể thực hiện ước lượng kết quả; thử đáp án vào đề; Loại trừ những phương án sai rõ ràng.
Đối với những câu chưa chắc chắn, học sinh cần đánh dấu để quay lại (nếu còn thời gian. Các em tránh sa đà quá lâu vào một câu, sẽ ảnh hưởng tâm lý và thời gian cho các câu sau. Nếu không kịp làm hết, hãy chọn ngẫu nhiên đáp án thay vì để trống.

"Muốn chinh phục được các bài toán thực tế thì phải nắm chắc kiến thức trọng tâm, kiến thức nền tảng và làm nhiều các dạng toán thực tế trong quá trình ôn luyện", cô giáo Vũ Thị Lan chia sẻ
Hãy tận dụng khả năng vẽ hình – minh họa – lập bảng, với các bài hình học khó, có thể vẽ hình chính xác để dự đoán kết quả.
Luôn luôn bình tĩnh khi gặp câu khó. Sau đó đọc lại đề, bóc tách từng dữ kiện. Các em nên đặt ra câu hỏi trong đầu rằng "Đề đang hỏi cái gì? Liên quan kiến thức nào?". Đồng thời hãy viết ra điều mình biết – phân tích từng bước nhỏ, nếu vẫn không ra, hãy chuyển sang câu khác – giữ tinh thần tỉnh táo.
Tập phân bổ thời gian hợp lý cho ba phần trong cấu trúc đề trong những lúc luyện đề để vào phòng thi ta ước lượng được thời gian cho mỗi phần mình cần ra sao.
Luyện tập dùng máy tính Casio một cách thành thạo, nhớ phím chức năng để tiết kiệm thời gian.
Sau khi làm xong hãy kiểm tra cẩn thận và tối ưu điểm số bằng cách soát lại các câu dễ – trung bình để tránh lỗi sai đáng tiếc.
Trong quá trình ôn tập giai đoạn gấp rút này, cô giáo Vũ Thị Lan chia sẻ, đầu tiên, các em hãy đặt mục tiêu cụ thể, như muốn đạt bao nhiêu điểm, và lưu ý mục tiêu như thế nào thì cũng phải tập trung vào kiến thức cơ bản trước, sau đó nâng cao dần. Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp các em định hướng quá trình học.
Tạo ra một môi trường học tập thuận lợi: Hãy đảm bảo rằng bạn có một môi trường học tập yên tĩnh, không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn hoặc các yếu tố khác. Cung cấp cho bản thân một không gian riêng để tập trung vào ôn tập.
Chia sẻ và tìm sự hỗ trợ khi cần thiết: Nếu cảm thấy căng thẳng hoặc lo âu, các em nên chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc thầy cô để nhận được sự động viên và hỗ trợ. Điều này giúp giảm bớt áp lực và tăng cường sự tự tin.
Tham gia các kỳ thi thử một cách hợp lý: Thi thử giúp các em làm quen với áp lực thời gian và hình thức thi. Tuy nhiên, không nên tham gia quá nhiều kỳ thi thử để tránh tạo thêm căng thẳng và ảnh hưởng đến tâm lý.
Cô giáo Vũ Thị Lan, giáo viên môn Toán, Trường THPT Đống Đa vừa giành giải Nhất, tại hội nghị đánh giá kết quả hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố cấp trung học phổ thông năm học 2024-2025 đầu tháng 4 vừa qua.