Từ độc quyền đến đa dạng: Xã hội hóa SGK thúc đẩy đổi mới giáo dục Việt Nam

Xã hội hóa SGK không chỉ là một bước tiến trong công tác đổi mới giáo dục, mà còn là biểu hiện rõ nét của một nền giáo dục hướng đến người học.

Giáo dục và đào tạo từ lâu đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là quốc sách hàng đầu, là một trong những mũi đột phá chiến lược nhằm thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (ngày 4/11/2013) đã đề ra mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chuyển từ việc trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết này là đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Đặc biệt, việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa được coi là bước đi đột phá, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chất lượng, sự đa dạng trong tài liệu giảng dạy. Lần đầu tiên, sách giáo khoa ở Việt Nam được xuất bản theo cơ chế xã hội hóa, mở ra cơ hội cho nhiều nhà xuất bản tham gia.

Chia sẻ từ cơ sở giáo dục, Nhà giáo Phạm Phương Liên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đã nhấn mạnh rằng việc xã hội hóa sách giáo khoa không chỉ là một bước tiến trong công tác đổi mới giáo dục, mà còn là biểu hiện rõ nét của một nền giáo dục dân chủ, hướng đến người học.

Xã hội hóa sách giáo khoa – bước chuyển từ độc quyền sang đa nguyên sáng tạo

 Nhà giáo Phạm Phương Liên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Nhà giáo Phạm Phương Liên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Nhà giáo Phạm Phương Liên cho rằng, trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, xã hội hóa sách giáo khoa là một sự thay đổi sâu rộng, phản ánh đúng xu thế phát triển của nền giáo dục hiện đại. Việc xã hội hóa sách giáo khoa – tức là cho phép nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia biên soạn, xuất bản sách giáo khoa thay vì chỉ có một đơn vị độc quyền, không chỉ là yêu cầu của thời đại, mà còn là biểu hiện của một nền giáo dục khai phóng, dân chủ, hướng đến người học.

Cô Liên cũng nhấn mạnh rằng, xã hội hóa sách giáo khoa không chỉ thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh mà còn mở ra cơ hội cho việc đổi mới liên tục trong công tác biên soạn và phát hành sách giáo khoa, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu dạy và học của xã hội.

Theo cô Liên, có năm lý do cơ bản để lý giải tại sao xã hội hóa sách giáo khoa là một bước đi đúng đắn và cần thiết:

Thứ nhất, tăng tính cạnh tranh để nâng cao chất lượng.

Khi nhiều đơn vị cùng tham gia biên soạn sách giáo khoa, một cơ chế cạnh tranh tự nhiên sẽ hình thành. Không còn chỗ cho sự trì trệ hay an toàn, mỗi nhóm biên soạn buộc phải không ngừng đổi mới về nội dung, cập nhật phương pháp sư phạm, nâng cấp hình thức trình bày để thu hút sự tin tưởng của nhà trường, giáo viên và học sinh. Trong môi trường này, những bộ sách tốt thực sự sẽ được khẳng định không bằng quyền lực hành chính, mà bằng giá trị học thuật và tính phù hợp sư phạm. Chính sự cạnh tranh này sẽ tạo động lực để nâng cao chất lượng sách giáo khoa một cách bền vững.

Thứ hai, tạo sự đa dạng trong lựa chọn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người học.

Không có một bộ sách giáo khoa nào có thể phù hợp với mọi vùng miền, mọi nhóm đối tượng học sinh trên cả nước. Việc xã hội hóa sách giáo khoa mang lại sự đa dạng trong lựa chọn, giúp giáo viên, nhà trường và phụ huynh có thể tìm được bộ sách phù hợp với trình độ học sinh, điều kiện giảng dạy và đặc điểm văn hóa – xã hội của từng địa phương. Sự linh hoạt trong lựa chọn sách giáo khoa là yếu tố quan trọng để cá nhân hóa việc dạy và học, điều mà nền giáo dục hiện đại luôn hướng tới.

Thứ ba, giảm độc quyền, chống lại sự bảo thủ và lạc hậu trong giáo dục.

Độc quyền xuất bản sách giáo khoa tiềm ẩn nhiều hệ quả tiêu cực: nội dung sách chậm đổi mới, thiếu phản biện học thuật, thậm chí có thể lặp lại những sai sót qua năm tháng mà không có cơ chế tự điều chỉnh hiệu quả. Việc cho phép nhiều chủ thể tham gia biên soạn sẽ phá vỡ thế độc quyền này, thúc đẩy sự minh bạch và cạnh tranh học thuật lành mạnh. Đó cũng là cách để hệ thống giáo dục tránh rơi vào trạng thái đóng kín, bảo thủ và lệch chuẩn.

Thứ tư, khuyến khích đổi mới và sáng tạo trong giáo dục.

Xã hội hóa sách giáo khoa còn mở ra cơ hội cho các nhóm tác giả độc lập, các viện nghiên cứu, và các cơ sở giáo dục tham gia biên soạn sách giáo khoa, mang đến những phương pháp tiếp cận hiện đại, thực tiễn và nhân văn hơn. Việc đa dạng hóa chủ thể sáng tạo không chỉ làm phong phú nội dung sách giáo khoa mà còn thúc đẩy tư duy giáo dục mở, khuyến khích thử nghiệm các hình thức trình bày, tích hợp công nghệ, khai thác đa giác quan trong học tập. Khi giáo dục được đặt vào môi trường nuôi dưỡng sáng tạo, bản thân học sinh cũng sẽ trưởng thành trong một không gian giàu năng lượng đổi mới.

Thứ năm, tăng cường vai trò phản biện và giám sát của toàn xã hội.

Khi nhiều bộ sách giáo khoa cùng tồn tại, xã hội – bao gồm phụ huynh, giáo viên và học giả – sẽ có cơ hội so sánh, phản biện và đóng góp ý kiến công khai. Chính sự phản biện này là yếu tố giúp cải thiện chất lượng sách giáo khoa một cách khách quan, tránh tình trạng “đánh trống ghi tên”, hình thức, hoặc thậm chí sai sót mà không ai chịu trách nhiệm. Xã hội hóa sách giáo khoa vì thế không chỉ là mở cửa cho sáng tạo, mà còn là cơ chế bảo vệ chất lượng giáo dục thông qua sự giám sát của cộng đồng tri thức và người học.

 Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Cũng theo chia sẻ của Nhà giáo Phạm Phương Liên, việc Trường Tiểu học Tô Hiến Thành lựa chọn bộ sách giáo khoa xã hội hóa Cánh Diều là một quyết định có tính toán cẩn trọng. Quyết định này xuất phát từ mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học và tạo ra sự linh hoạt phù hợp với đặc điểm học sinh của nhà trường.

Cô Liên khẳng định rằng, bộ sách Cánh Diều đã mang lại những hiệu quả tích cực rõ nét trong thực tiễn giảng dạy. Một trong những ưu điểm nổi bật của bộ sách là tính kế thừa hợp lý, giúp việc chuyển tiếp từ chương trình giáo dục cũ sang chương trình mới diễn ra suôn sẻ.

Thầy giáo Phạm Tùng Lộc, một giáo viên giàu kinh nghiệm của nhà trường cho biết: “So với các bộ sách khác, Cánh Diều có nhiều điểm gần gũi với chương trình giáo dục phổ thông trước đây, nên giáo viên không gặp nhiều trở ngại khi làm quen, đồng thời cũng giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong những năm đầu thực hiện chương trình mới, khi cả giáo viên và học sinh đều đang trong giai đoạn làm quen với sự thay đổi.”

Không chỉ vậy, bộ sách còn thể hiện rõ quan điểm giáo dục mở, coi trọng sự phát triển toàn diện, tích hợp kiến thức với kỹ năng sống và khuyến khích học sinh tư duy độc lập và sáng tạo. Ngôn ngữ sách trong sáng, dễ hiểu, hình ảnh minh họa sinh động và nội dung gắn với đời sống thực tiễn đã tạo nên sự hứng thú và chủ động trong học tập, đặc biệt đối với học sinh tiểu học, lứa tuổi còn nhiều tò mò và ham khám phá.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên của Trường Tiểu học Tô Hiến Thành cũng đánh giá cao tính linh hoạt của bộ sách. Cấu trúc bài học của Cánh Diều cho phép giáo viên triển khai các phương pháp dạy học tích cực như dạy học theo dự án, dạy học khám phá, ứng dụng công nghệ thông tin mà không bị gò bó hay áp đặt. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng bài giảng mà còn tạo điều kiện để giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp.

Cô Liên cũng chia sẻ rằng, trong quá trình thực hiện chương trình, nhà trường luôn nhận được sự đồng hành sát sao từ phía Nhà xuất bản và nhóm tác giả, đặc biệt trong công tác tập huấn, hỗ trợ chuyên môn và giải đáp khó khăn. Đây là điều hết sức quan trọng đối với giáo viên trong giai đoạn chuyển đổi này.

Từ những hiệu quả đã được kiểm chứng, Nhà giáo Phạm Phương Liên khẳng định rằng lựa chọn bộ sách xã hội hóa Cánh Diều không chỉ là một lựa chọn kỹ thuật, mà là lựa chọn một cách tiếp cận giáo dục giàu nhân văn, đề cao tính chủ động, linh hoạt và thích ứng. Đây là hướng đi phù hợp với triết lý giáo dục hiện đại, nơi học sinh là trung tâm, giáo viên là người dẫn dắt sáng tạo, và nhà trường là nơi kiến tạo môi trường học tập hạnh phúc. Trong hành trình đổi mới ấy, Cánh Diều đã và đang là một cánh tay nối dài, cùng nhà trường nâng bước cho thế hệ học sinh trưởng thành vững vàng, tự tin và nhân ái.

Nhìn lại thành quả bước đầu của xã hội hóa sách giáo khoa

 Ảnh minh họa: Ngân Chi

Ảnh minh họa: Ngân Chi

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong giai đoạn 2018–2024, công tác xã hội hóa sách giáo khoa đã thu hút 2.656 tác giả, gấp 3 lần so với thời kỳ Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Đáng chú ý, lần đầu tiên giáo viên phổ thông từ các vùng miền được mời tham gia trực tiếp vào quá trình biên soạn, bên cạnh đội ngũ chuyên gia, giảng viên đại học và các nhà nghiên cứu.

Chất lượng sách giáo khoa cũng được bảo đảm thông qua quy trình thẩm định nghiêm ngặt, với sự tham gia của 1.404 thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định, đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, trường phổ thông trên toàn quốc. Việc dạy thực nghiệm các bản mẫu sách giáo khoa được tổ chức bài bản, diện phủ rộng khắp cả nước, giúp điều chỉnh nội dung sách giáo khoa sát thực tế giảng dạy từng địa phương.

Đặc biệt, quá trình lấy ý kiến góp ý được triển khai quy mô lớn, với 245.700 lượt giáo viên và 3.120 lượt giảng viên tham gia, trải rộng trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy sự dân chủ, công khai trong quá trình hoàn thiện sách giáo khoa, đồng thời khẳng định vai trò chủ động của đội ngũ giáo viên trong công cuộc đổi mới giáo dục.

Chủ trương xã hội hóa cũng cho phép sự đa dạng trong lựa chọn sách: hiện nay, mỗi môn học có từ 1 đến 10 bộ sách giáo khoa khác nhau – như môn Mỹ thuật lớp 10–12 có ít nhất 1 bộ sách giáo khoa, trong khi môn Tiếng Anh tiểu học có tới 10 bộ – phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và tổ chức giảng dạy khác nhau giữa các vùng miền.

Việc lựa chọn sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện theo đúng quy trình quy định tại Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT, bảo đảm dân chủ, minh bạch, phát huy vai trò chủ động của giáo viên. sách giáo khoa cũng được phát hành với nhiều hình thức, phân phối rộng rãi, và theo ghi nhận của Bộ, không có địa phương nào thiếu sách giáo khoa hoặc phát hành chậm trong các năm học vừa qua. [1]

Chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là một bước đi đúng đắn, mở ra cơ hội cho sự đổi mới và sáng tạo trong giáo dục. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ mới, đầy khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan. Để đảm bảo thành công, cần nâng cao nhận thức về công tác biên soạn sách giáo khoa không chỉ trong ngành Giáo dục, mà còn trong toàn xã hội, từ đó tạo ra một nền giáo dục linh hoạt, chất lượng và đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

[1]:https://giaoducthoidai.vn/danh-gia-trien-khai-xa-hoi-hoa-bien-soan-sach-giao-khoa-giai-doan-2018-2024-post711876.html

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tu-doc-quyen-den-da-dang-xa-hoi-hoa-sgk-thuc-day-doi-moi-giao-duc-viet-nam-post250759.gd
Zalo