Sơ kết giai đoạn II Đề án 'Tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em mầm non người DTTS'

Ngày 20-12, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết giai đoạn II (2021-2025) Đề án 'Tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS)'.

 Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai Bùi Khoa Nghi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Dung

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai Bùi Khoa Nghi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Dung

Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người DTTS dựa trên các thông tư, hướng dẫn thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS của Bộ GD-ĐT; xây dựng bộ tiêu chí làm cơ sở cho việc đánh giá môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS; chương trình GDMN được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

Sở cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn về giáo dục phát triển ngôn ngữ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non vùng DTTS; chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thiết thực và hiệu quả.

Quy mô trường, lớp bậc học mầm non vùng DTTS được duy trì, phát triển. Toàn tỉnh hiện có 265 trường với 894 điểm trường lẻ (trong đó có 540 điểm trường vùng khó khăn). Huy động 84.469 trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp, trong đó trẻ mầm non người DTTS đạt tỷ lệ 50,3%.

Mô hình bán trú được mở rộng đến các điểm trường vùng DTTS. Có 3.111 phòng học; 2.043 bộ đồ dùng dạy học; đồ chơi ngoài trời được đầu tư bổ sung hàng năm đáp ứng được yêu cầu tối thiểu hoạt động giáo dục. Toàn tỉnh có 160/265 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 60,37%;…

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Dung

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Dung

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe một số tham luận như: Tăng cường học liệu, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi đáp ứng nâng chất lượng tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS; xây dựng và khai thác môi trường giáo dục tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ em người DTTS; công tác nâng cao năng lực đội ngũ, khuyến khích giáo viên học tiếng mẹ đẻ của trẻ và công tác truyền thông, huy động các nguồn lực xã hội hóa nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS.

Cùng với đó là các tham luận: Tình hình cơ sở mạng lưới trường, lớp, huy động trẻ mầm non ra lớp; trang thiết bị và đồ dùng, tài liệu, học liệu GDMN vùng DTTS-thực trạng, đề xuất, kiến nghị; mô hình thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng trong trường mầm non nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ người đồng bào DTTS;…

Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận về thực trạng quản lý, chỉ đạo, triển khai công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người DTTS; đồng thời đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án trong giai đoạn tiếp theo.

TRẦN DUNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/so-ket-giai-doan-ii-de-an-tang-cuong-tieng-viet-tren-co-so-tieng-me-de-cho-tre-em-mam-non-nguoi-dtts-post304980.html
Zalo