Đôi điều về tập thơ 'Tỉ rà tối mâứ' của nhà thơ Hà Ngọc Thắng
Trong những tập thơ song ngữ Tày - Việt do nhà thơ Hà Ngọc Thắng sáng tác, tôi đặc biệt tâm đắc với tập thơ 'Tỉ rà tối mâứ' (Miền quê đổi mới) của ông. Tập thơ chính là tình cảm sâu sắc đối với Đảng quang vinh, mùa xuân tươi đẹp, quê hương và sự đổi mới, bản sắc quê hương, biên giới và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Tập thơ “Tỉ rà tối mâứ” của nhà thơ Hà Ngọc Thắng được xuất bản năm 2019. Tập thơ gồm những bài thơ viết bằng tiếng Tày, tiếng Việt và tập hợp những bài họa thơ nhà thơ của những thi hữu xa gần.
Nói về chủ đề Đảng, nếu người đọc quan tâm đến sáng tác của nhà thơ Tày Hà Ngọc Thắng sẽ thấy sự xuyên suốt trong các tập thơ đã xuất bản của ông chính là sự hăm hở tuyệt đối của tâm hồn tin Đảng, yêu Đảng và làm theo Đảng của nhà thơ. Trong tập thơ “Tỉ rà tối mâứ”, có thể nói bài thơ nào trong tập thơ, người đọc đều nhận thấy bóng dáng của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Hình ảnh của Đảng và Bác Hồ lúc rõ ràng lúc thường trực trong hồn thơ của nhà thơ. Trong bài thơ “Thị xạ Cao Bằng đảy păn mình roọng Thành phố” (Thị xã Cao Bằng được đặt tên gọi thành phố): “Thị xạ Cao Bằng/Đảy păn mình roọng thành phố/Rườn lảng vưởn bjoóc chăn vìoi/Coóc phố tâừ cụng chằng chằng khai rự, vùi lắng táy/Tởi slổng vìoi đây tỉ rà/Mì Đảng Bác hấm dà...” (Thị xã Cao Bằng/Được đặt tên gọi thành phố/Nhà cửa vườn hoa thật đẹp/Góc phố nào cũng chằng chằng mua bán vui biết mấy/Đời sống tươi đẹp quê hương/Có Đảng, Bác che chở). Hoặc trong bài thơ "Bái thơ Phác Lùng Dinh” (Bài thơ gửi anh Dinh), công đức của Đảng của Bác lồng lộng như trăng, trời, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh đổ ách thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc, lập nên chế độ dân chủ nhân dân: “... Vửa đú phất khôm hoằn chiêng chất/Cà này slung slưởng toẹn hoằn xuân/Đin nước độc lập vùi lăng táy/Kha tàng Đảng Bác bặng đao bân”. (... Thuở trước đắng cay rằm tháng Bảy, Tết Nguyên đán/Bây giờ sung sướng chuyện ngày xuân/Đất nước độc lập vui biết mấy/Con đường Đảng, Bác như trời sao).
Về chủ đề mùa xuân, mùa xuân đối với nhà thơ thật ngọt ngào, êm dịu và đầy sức sống. Mùa xuân của nhà thơ thường gắn với Đảng, với nhịp sống sinh sôi giữa con người và thiên nhiên cây cỏ, sự hòa quyện tuyệt đối giữa thiên nhiên, cuộc sống và ánh sáng của Đảng trong bài “Xuân mà” (Xuân về): “Xuân thâng/Rẻng rẻng lồm/Mận tào phông phú phí/Mọi gần chăn hôn hỉ...” (Xuân đến/Rẻng rẻng gió/Mận đào nở phú phí/Ai ai cũng sướng vui...). Hoặc những câu thơ vừa tươi tắn vừa thơm ngát của cỏ hoa mùa xuân, nắng gió mùa xuân, con người mùa xuân, tình yêu mùa xuân cũng như khát vọng mùa xuân: “... Slao nàng báo nó pây hội xuân/Gòn noọng lít lít bân chang hả/Noọng ới! dá sảy tức chá/Chứ mừa tắm thúc lài/Gẳm dồm hai chài ngâừ thả/Hẹn căn mừa nả/Cáng mác tào hom tỏa báo slao...” (Vâử gòn noọng slao) (Gái non, trai non đi hội xuân/Còn em lít lít bay lưng trời/Em ơi! Xin đừng quên/Nhớ về dệt thổ cẩm/Đêm ngắm trăng anh mong ngóng/Hẹn nhau về sau/Cành đào nồng nàn hương đôi lứa...) (Vâử còn em gái).

Bìa tập thơ “Tỉ rà tối mâứ”.
Về chủ đề quê hương và sự đổi mới, những vần thơ của nhà thơ chính là những lời ca ca ngợi quê hương đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trước hết là niềm tự hào quê hương non nước của nhà thơ: “Công viên địa chất đẹp lắm thay/Sơn thủy hữu tình mảnh đất này/Phja Oắc màn sương màu trắng xóa/Chim kêu vượn hót suốt đêm này/Rừng Trần Hưng Đạo mãi vang xa/Ba tư chiến sỹ một mái nhà/Trận đánh đầu tiên ta thắng lớn/Di tích còn đây đẹp như hoa” (Non nước Cao Bằng). Cao Bằng luôn đẹp và thơ mộng, càng trở nên xinh đẹp và thơ mộng khi quê hương vững bước trên con đường đổi mới: “Bản Giốc ngày nay đâu phải dốc/Con đường phẳng phiu rộng thênh thang/Thác tung trắng xóa tình non nước/Đón khách gần ca tới tham quan” (Bản Giốc ngày nay). Hoặc những câu thơ tươi non, thơm ngát lòng người cảm nhận: “Nà Ky vửa nẩy tối mâứ lai/Tàng mương pây píot tẳm Vò Lài/Kha tàng quảng xác pây chăn ngải/Hả hoằn pan háng toẹn rự khai/Khẩu bắp lộp lộp khiêu tổng nà/Sli lượn noọng chài nghịa nắc na/Trường slon, trạm xá xây mắn chát/Nà Ky slý mủa sưởng lai a” (Bản Nà Ky Hoằn nẩy) (Nà Ky bây giờ đổi mới nhiều/Đường mương đi lọt đến Vỏ Lài/Con đường rộng lớn đi thật dễ/Năm ngày phiên chợ vui mua bán/Ngô lúa lộp lộp xanh cánh đồng/Sli lượn chàng trai nghĩa sâu xa/Trường học, trạm xá xây vững chãi/Nà Ky bốn mùa thật sung sướng) (Nà Ky ngày nay).
Về chủ đề bản sắc văn hóa quê hương, nhà thơ là người luôn quan tâm đến việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc. Những nét văn hóa truyền thống của dân tộc như lời nói, chữ viết, phong tục… chính là sức mạnh để mỗi người tự hào và vươn lên: “... Mản lài rủng phức khiêu đeng đáo/Bản sắc dân tộc cúa đin hây/Pan háng Nà Giàng bjoóc mản lài/Dòng dỉ chằng chằng khéc rự khai...” (Mản bjoóc Lủng Nọi) (Thổ cẩm rực rỡ xanh đỏ tím/Bản sắc dân tộc của đất này/Phiên chợ Nà Giàng hoa thổ cẩm/Dòng dỉ chằng chằng khách mua bán... (Thổ cẩm Lũng Nọi).
Phúc Sen là một địa phương của Cao Bằng nổi tiếng với nghề truyền thống. Con dao, cái búa, sắc chàm, sự cần cù, chịu khó, sáng tạo ở nơi đây cũng đi vào trong thơ của nhà thơ Hà Ngọc Thắng, vẻ đẹp đằm thắm, thuần khiết, ý chí, nghị lực, sự sáng tạo của con người nơi đây thật là đẹp: “Nức tiểng đin rà xạ Phúc Sen/Nghể nông pang xảu họa nghề rèn/Tềnh phia mạy mác chay khiêu ứt/Tổng tâử bắp nà nhộn slúc đeng/Lủa bai cuốc sản khai mọi tỉ/Bủa liềm slíu vảo khec rự quen...” (Nghể gọn dảng). (Nức tiếng đất này xã Phúc Sen/Nghề nông mạnh mẽ với nghề rèn/Trên núi cây quả trồng xanh mướt/Đồng dưới ngô ruộng nhộn chín đỏ/Xẻng cuốc bán xa bốn phương trời/Búa liềm đục bào khách mua quen...) (Nghề rèn).
Về chủ đề biên giới và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Cao Bằng là địa đầu của Tổ quốc, biên giới có yên thì Tổ quốc mới yên. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp chung của mỗi người dân Việt Nam, trong đó nổi bật hơn cả là những chiến sĩ biên phòng ngày đêm làm nhiệm vụ: “Quê em đồi núi chập chùng/Nương ngô mơn mởn bập bùng lửa reo/Gặp anh chiến sĩ trên đèo/Vai sao xanh biếc suối reo rì rào/Gian nan vất vả biết bao/Nhưng anh vẫn thấy tự hào vinh quang/Buốt sương lạnh giá non ngàn/Vững chắc tay súng bản làng bình yên/Bảo vệ cột mốc đường biên/Ngày xuân nhộn sắc vặc viền quê em” (Anh chiến sĩ biên phòng).
Ngoài chủ đề về Đảng, mùa xuân, quê hương và sự đổi mới, bản sắc quê hương, biên giới và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhà thơ Hà Ngọc Thắng còn sáng tác theo các chủ đề khác như: người giáo viên nhân dân, người thầy thuốc nhân dân... Dù viết theo chủ đề nào thì những tác phẩm của ông đều mang dư vị thật thà, chất phác, không cầu kỳ trong sáng tác và một tâm hồn hăm hở yêu đời, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây là điều hết sức đáng quý của nhà thơ Hà Ngọc Thắng. Người đọc gần xa mến mộ ông bởi những bài thơ chất chứa tinh thần lạc quan yêu đời, yêu quê hương, đất nước, con người.