Văn hóa Đồng Nai 50 năm tự hào

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, Đồng Nai không chỉ khẳng định vai trò là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn vươn mình trở thành vùng đất giàu bản sắc văn hóa.

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn, phục vụ nhân dân tại Lễ Công bố bảo vật quốc gia năm 2025. Ảnh: L.Na

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn, phục vụ nhân dân tại Lễ Công bố bảo vật quốc gia năm 2025. Ảnh: L.Na

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thăng trầm nhưng sức mạnh nội sinh chứa đựng vị thế, bản sắc riêng của vùng đất hơn 325 năm hình thành và phát triển đã trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực mạnh mẽ cho văn hóa Đồng Nai phát triển và hội nhập.

Xây dựng nền tảng văn hóa từ giá trị truyền thống

Giám đốc Sở VHTTDL Lê Thị Ngọc Loan cho biết, Nghị quyết Hội nghị Trung ương V (khóa VIII) khẳng định văn hóa là mục tiêu, động lực tinh thần của xã hội và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là trọng tâm, đã tạo điều kiện cho ngành có những bước phát triển mới, đạt nhiều thành tựu. Nổi bật như Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu và hoạt động hiệu quả; các hoạt động thư viện, điện ảnh, thông tin lưu động, bảo tàng, di tích… đều có những bước phát triển.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững, nhiều chương trình lớn được triển khai nhằm nâng cao nhận thức về vai trò văn hóa đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền, địa phương đã đưa việc phát huy giá trị văn hóa, con người thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong toàn xã hội.

Nổi bật là công tác bảo tồn, trùng tu các di sản văn hóa được thực hiện mạnh mẽ. Những di tích gắn với lịch sử hào hùng như: Thành cổ Biên Hòa, Văn miếu Trấn Biên, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ… thường xuyên được trùng tu, tôn tạo. Các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Sayangva của người Chơro, Lễ giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh, Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ được duy trì, mà còn phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng, thổi bùng lên ngọn lửa tự hào dân tộc trong lòng thế hệ hôm nay.

Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho hay, từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, thành phố đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi trên lĩnh vực văn hóa. Nổi bật là công tác chỉnh trang đô thị, đường sá, giao thông được quan tâm, đầu tư đồng bộ; hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở được cải tạo, nâng cấp và tổ chức đa dạng các hoạt động…, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần.

“Song hành cùng bảo tồn là giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Các trường học tích cực lồng ghép chương trình giáo dục địa phương, tổ chức tham quan di tích lịch sử, hoạt động trải nghiệm văn hóa… Nhờ vậy, tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” được lan tỏa bền vững trong từng mái nhà, từng thế hệ người Biên Hòa - Đồng Nai” - ông Thanh chia sẻ.

Hiện toàn tỉnh có 100% huyện, thành phố có trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao cấp huyện; hơn 92% ấp, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao và 14 nhà văn hóa dân tộc thiểu số, trở thành mạng lưới rộng khắp phục vụ đời sống tinh thần của người dân.

Công nghiệp văn hóa - động lực mới cho phát triển bền vững

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đồng Nai xác định phát triển công nghiệp văn hóa là hướng đi tất yếu để văn hóa không chỉ dừng lại ở giá trị tinh thần, mà còn đóng vai trò động lực phát triển kinh tế. Trong đó, nhiều sự kiện văn hóa lớn đã được tổ chức như: Lễ hội Khinh khí cầu và Festival Gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai, các chương trình quảng bá sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), các lễ hội văn hóa, chương trình nghệ thuật được tổ chức quy mô, góp phần thương hiệu “văn hóa Đồng Nai” vươn xa.

Học sinh trên địa bàn thành phố Biên Hòa tham quan Văn miếu Trấn Biên, xếp hình cùng triển lãm Đồng Nai 50 năm mùa hoa. Ảnh: Ái Vân

Học sinh trên địa bàn thành phố Biên Hòa tham quan Văn miếu Trấn Biên, xếp hình cùng triển lãm Đồng Nai 50 năm mùa hoa. Ảnh: Ái Vân

Không chỉ vậy, ngành văn hóa đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào bảo tồn, phát huy và quảng bá di sản văn hóa, tạo nhiều dấu ấn mới như: xây dựng tour tham quan thực tế ảo 360 di tích Văn miếu Trấn Biên, Mộ cự thạch Hàng Gòn, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh; xây dựng bản đồ GIS các di chỉ khảo cổ học, số hóa tài liệu quý hiếm… đang mở rộng khả năng tiếp cận di sản, đặc biệt với thế hệ trẻ yêu thích công nghệ.

50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không phải chặng đường quá dài trong lịch sử, nhưng đối với Đồng Nai, đó là hành trình chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ con người phương Nam trong thời đại mới. Từ việc gìn giữ những giá trị cốt lõi, Đồng Nai hôm nay đang chủ động hội nhập, chọn lọc và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm bản sắc địa phương.

Cũng theo Giám đốc Sở VHTTDL Lê Thị Ngọc Loan, mặc dù còn không ít thách thức phía trước nhưng với nền tảng đã được xây dựng, trong thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch về phát triển văn hóa. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa con người Đồng Nai, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202504/van-hoa-dong-nai-50-nam-tu-hao-e7a3645/
Zalo