Chuyện về ngày toàn thắng 30/4/1975
Một ngày qua đi là một ngày lùi vào quá khứ. Con người ta hay nhìn về phía trước nhưng lại không quên ngoái lại đằng sau. Ở đó có những điều phải nhớ để sống thế nào cho xứng đáng... Tròn 50 năm chiến tranh đã đi qua, nhưng không ai quên được chiến tranh; nhất là đối với những người lính, những người có mặt trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn mùa Xuân năm 1975...
Trung tá, Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) Nguyễn Thiện Tỉnh là người duy nhất của Hà Nam cùng với 42 người khác trong cả nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Thiện Tỉnh quê ở xã Phù Vân, huyện Kim Bảng (nay thuộc thành phố Phủ Lý) tham gia lực lượng thanh niên xung phong hăng hái lên đường vào mặt trận chiến đấu. 9 năm sau, ông đeo hàm Trung úy, là Chính trị viên Phó Đại đội 6 bộ binh, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 cùng có mặt với đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thiện Tỉnh và vợ bên tập tài liệu ghi chép về đồng đội.
Cũng có mặt trong thời khắc lịch sử ấy, chỉ cách Dinh Độc Lập chừng chục cây số, ở Hóc Môn, ông Trần Đức Cơ cũng đã chứng kiến khí thế hào hùng của nhân dân trong ngày toàn thắng. Đại tá Trần Đức Cơ khi đó là lính trinh sát, Tiểu đoàn Trinh sát, Sư đoàn 302. Nhiệm vụ chủ yếu là nắm tình hình địch, thời tiết, khả năng chiến đấu của cả ta và địch để tham mưu cho cấp trên xây dựng những trận đánh. Khi cùng với nhiều đơn vị khác tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị ông dự kiến sẽ đánh vào Đài phát tín Quán Tre. Tuy nhiên, khi vào đến Hóc Môn, quân ta đã đánh chiếm được Củ Chi, Đồng Dù nên đơn vị của ông được lệnh dừng lại, lui quân ra đóng ở Đức Hòa (Long An), làm dự bị cho chiến dịch. Đại tá Trần Đức Cơ chia sẻ: Thật ra khi Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, tất cả đã nghĩ đến chiến thắng giải phóng miền Nam. Bởi, thắng lợi của quân và dân Tây Nguyên là một bước ngoặt chiến lược, buộc địch đi vào co cụm chiến lược. Đánh vào Sài Gòn là đánh vào dinh lũy cuối cùng của địch. Các sư đoàn của ta lúc đó rất sung sức, có kinh nghiệm và được trang bị mạnh hơn trước. Tất cả đều thể hiện quyết tâm chiến thắng, tranh thủ thời cơ từng ngày… 17h ngày 26/4/1975, cuộc tiến công của quân ta trên mặt trận phía đông và đông nam Sài Gòn bắt đầu…
Cảm xúc của những người lính tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử không giống nhau, nhưng ai cũng nghĩ đến gia đình trong ngày vui chiến thắng. Trung tá Nguyễn Thiện Tỉnh là người đã tận mắt chứng kiến ngày giải phóng Sài Gòn. Người dân xuống đường hò reo đón chào bộ đội cách mạng. Cờ đỏ sao vàng, cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam rợp các đường phố. Người dân Sài Gòn, những nam thanh nữ tú và cả các cháu thiếu niên nhi đồng vây quanh bộ đội, vây quanh những chiếc xe tăng, những khẩu pháo, nét mặt ai cũng hân hoan rạng rỡ. Ông Tỉnh xúc động: “21 năm chờ đợi mới có ngày chiến thắng đó, chúng tôi xúc động vô cùng khi đồng bào hát vang những bài ca chiến thắng”. Ngày 15/1/1976, ông Tỉnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ông nói: “Một ngày qua đi là một ngày lùi vào quá khứ. Con người ta hay nhìn về phía trước nhưng lại không quên ngoái lại đằng sau. Ở đó có những điều phải nhớ để sống thế nào cho xứng đáng... Tròn 50 năm, chiến tranh đã đi qua, nhưng không ai quên được chiến tranh; nhất là đối với những người lính, những người có mặt trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn mùa Xuân năm 1975...”.
Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thiện Tỉnh đã cho tôi một cảm nhận chân thực về khoảnh khắc thiêng liêng mà lịch sử đã trân trọng đặt nó ở vị trí là một trong những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử đấu tranh bảo vệ dân tộc lâu dài và gian khổ nhất. Trong cảm xúc của những anh hùng, họ chỉ đơn giản nghĩ rằng đó là kết quả của cả một quá trình chiến đấu mà quân và dân ta phải đổ biết bao xương máu; đó là sự đoàn kết một lòng mà dân tộc Việt Nam đã phát huy khi có giặc ngoại xâm.