Đôi điều về sưu tập sử thi Tây Nguyên

Tây Nguyên là nơi phát sinh và lưu truyền một loại hình văn hóa vô cùng độc đáo - văn hóa sử thi Tây Nguyên. Sử thi ở đây tồn tại độc lập như một thể loại văn học. Nó càng thêm đặc biệt vì đang 'sống' trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên.

Tây Nguyên là nơi phát sinh và lưu truyền nhiều loại hình văn hóa độc đáo

Tây Nguyên là nơi phát sinh và lưu truyền nhiều loại hình văn hóa độc đáo

Giới nghiên cứu folklore nhiều lần khẳng định, Tây Nguyên chính là vùng văn hóa sử thi. Từ góc nhìn liên văn hóa - đặt sử thi bên cạnh các loại hình văn hóa tiêu biểu khác trong không gian văn hóa Tây Nguyên như âm nhạc cồng chiêng, nghệ thuật điêu khắc gỗ, tín ngưỡng vòng đời... sẽ rõ sự phân định vùng văn hóa sử thi cho Tây Nguyên của giới nghiên cứu folklore hoàn toàn xác đáng, cả lý luận lẫn thực tiễn. Tây Nguyên là nơi phát sinh và lưu truyền một loại hình văn hóa vô cùng độc đáo - văn hóa sử thi Tây Nguyên. Sử thi ở đây tồn tại độc lập như một thể loại văn học. Nó càng thêm đặc biệt vì đang “sống” trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên.

Nhà folklore Tây Nguyên Krajan Plin cho rằng, với số lượng sử thi đã công bố (khoảng 100 sử thi - số liệu của Viện Nghiên cứu Văn hóa), cộng thêm những sử thi đã được sưu tầm nhưng chưa công bố và những sử thi đang tiếp tục sưu tầm đã đủ cơ sở để khẳng định không một nơi nào trên đất nước ta lại có nhiều sử thi như ở Tây Nguyên.

Từ công việc sưu tầm sử thi của mình, nhà folklore Tây Nguyên Krajan Plin nhận thấy, vì là một thể loại văn học dân gian, được lưu truyền bằng cách truyền miệng, nên khi sưu tầm cần lưu ý tránh lối tư duy học thuật, lấy tư duy của người đương đại để diễn giải cách nghĩ của người xưa. “Nếu không thận trọng, với lối tư duy học thuật, rất dễ suy diễn chủ quan, dẫn đến việc diễn giải các tình tiết trong sử thi bị lệch lạc. Bên cạnh đó, người sưu tầm cũng phải có sự am hiểu nhất định về đặc trưng thể loại (ngôn ngữ sử thi), gốc tích của câu chuyện, nhất là biết đủ về các luật tục, cùng lối diễn xướng bằng văn vần và văn xuôi, những câu đối thoại đậm tính hình tượng của các nhân vật trong sử thi thì mới chuyển tải sát đúng với bản ngữ, giữ được ở mức tối đa lối diễn tả ví von, ngôn ngữ giàu tính ngoa dụ, phóng đại”, nhà folklore Tây Nguyên Krajan Plin chia sẻ.

Theo nhà folklore Tây Nguyên Krajan Plin, sử thi thường được chia thành nhiều khúc, chương, đoạn. Mỗi chương, đoạn, khúc mô tả một sự kiện, hoặc một chuỗi sự kiện, một nhân vật, hoặc nhiều nhân vật liên quan đến sự kiện. Nhiều khúc, đoạn, chương như vậy xâu chuỗi lại thành một sử thi hoàn chỉnh. Do vậy, người sưu tầm nên tự trang bị vốn ngôn ngữ bản địa để thông nắm diễn tiến của câu chuyện, sự chuyển tiếp giữa các chương, đoạn, khúc, cũng như những sự kiện mà nhân vật sử thi tham gia, hoặc bị chi phối bởi những nhân vật khác, sự kiện khác. “Một lưu ý nữa đối với người sưu tầm đó là sự biến âm trong cách gọi tên nhân vật. Ngoài ra, nhân vật cùng tên không có nghĩa là cùng xuất hiện trong một sử thi”, nhà folklore Tây Nguyên Krajan Plin nhấn mạnh.

Trong cuốn sách của mình “Những mảng màu văn hóa Tây Nguyên”, GS.TS Ngô Đức Thịnh thừa nhận, công việc phiên âm, phiên dịch sử thi Tây Nguyên ra tiếng Việt rất khó khăn. Bản phiên âm tiếng nói của người bản địa Tây Nguyên, bên cạnh nguyên tắc giữ đúng lối diễn xướng sử thi, còn phải đảm bảo lối tư duy của người xưa, rồi mới tìm cách chuyển ngữ sang tiếng Việt. Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, tiếp cận sử thi Tây Nguyên, không nên dừng lại ở việc tiếp cận dưới góc độ văn học, phải ở góc độ văn hóa. Như vậy, chúng ta mới cảm nhận được các nội dung xã hội, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật mà sử thi Tây Nguyên đã bao chứa.

TRỊNH CHU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-dieu-ve-suu-tap-su-thi-tay-nguyen-382555.html
Zalo