'Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba': Hé mở nhiều câu chuyện cảm động
'Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba' - cuốn sách vừa được phát hành bởi Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam là tiếng vọng sâu lắng, cánh cửa mới dẫn lối vào tâm hồn nữ bác sĩ - liệt sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm.

Tác phẩm "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" (NXB Hội Nhà văn) và “Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba” (NXB Phụ nữ Việt Nam)
Năm 2005, cuốn sách "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" (XNB Hội Nhà văn) lần đầu được giới thiệu tới công chúng, không chỉ được đông đảo độc giả Việt Nam mà rất nhiều bạn đọc quốc tế quan tâm, dành tình cảm trân quý. Những trang viết giản dị, chân thực của nữ bác sĩ trẻ trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt đã tạo nên hiện tượng đặc biệt - nơi "cá nhân và thời đại giao thoa trong ánh sáng lý tưởng". Cuốn nhật ký nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi một di cảo riêng tư để trở thành biểu tượng tinh thần cho cả một thế hệ đã sống, chiến đấu, yêu thương và hy sinh trong sự trong sáng và nhiệt huyết hiếm có.
Tiếp nối "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", 20 năm sau, tháng 6/2025, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã cho ra mắt công chúng cuốn sách Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba. Đây không chỉ là sự tiếp nối dòng chảy về nữ bác sĩ chiến trường - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm mà còn là tiếng vọng sâu lắng, mở thêm những cánh cửa mới dẫn vào tâm hồn người đã khuất nhưng đã/đang và vẫn còn sống mãi trong ký ức nhiều thế hệ.
TrongĐặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba, thời thơ ấu, thiếu niên và một phần thanh xuân tươi đẹp của Đặng Thùy Trâm được kể lại, cùng với những kỷ niệm bên gia đình, bè bạn, trong lòng thủ đô Hà Nội hòa bình, với trái tim hướng về miền Nam ruột thịt còn đang chịu cảnh bom rơi đạn nổ. Cuốn sách là cầu nối giúp chúng ta được tiếp cận, nhìn lại trọn vẹn câu chuyện đặc biệt về chân dung một Đặng Thùy Trâm với tuổi trẻ, tri thức và văn hóa của một người con gái Hà Nội tinh khôi, tràn đầy lý tưởng; một Đặng Thùy Trâm trong vòng tay thương yêu của gia đình và bè bạn, trước khi xung phong vào chiến trường...

Bìa cuốn sách "Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba"
Phần quan trọng trong cuốn sách lần này chính là di cảo chưa từng công bố của nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, bao gồm "cuốn nhật ký thứ ba" và một số thư từ với gia đình, bè bạn. Trong những trang nhật ký đó, lấp lánh hình ảnh một Đặng Thùy Trâm đầy tính nữ, với sức trẻ, với trái tim tràn ngập tình yêu dành cho đất nước, gia đình, người thân, bè bạn và cả tình yêu lứa đôi; một cô sinh viên trường Y lãng mạn, tinh tế và nồng nhiệt ấy, lúc hăng say học tập và rèn luyện trong một môi trường an toàn và nhiều thuận lợi, vẫn luôn nhiều trăn trở về lý tưởng, về lẽ sống làm người, về ước mơ cứu chữa bệnh nhân, về sứ mệnh của công dân khi đất nước đang bị chia cắt; là sự quả cảm đương đầu với thử thách và bất công, với một tinh thần Danko không do dự... Để rồi từ đó, quyết tâm dấn thân vào chiến trường miền Nam, cùng rất nhiều thanh niên miền Bắc, không ngại hy sinh gian khổ.
Điều từng gây nhiều tò mò tranh cãi là mối tình không thành của Đặng Thùy Trâm với M., một quân nhân miền Nam đa tài, ở trong cuốn sách này cũng được nhìn nhận lại, từ khía cạnh chân thật nhất, "đời" nhất.
Cuốn sách Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba được chia thành 2 phần chính:
Phần thứ nhất với tiêu đề "Lớp người lý tưởng", tập hợp những dòng ghi chép của cụ bà Doãn Ngọc Trâm, thân mẫu của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cùng 3 người em gái là các chị Kim Trâm, Hiền Trâm và Phương Trâm. Trong phần này, lần đầu công bố một số trang trong tập nhật ký mà Bác sĩ - Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm viết trong giai đoạn cuối cùng tại Trường Đại học Y Hà Nội từ tháng 10/1965 đến tháng 12/1966, là thời điểm chị đang chuẩn bị lên đường vào chiến trường miền Nam (đi B). Mặc dù những trang nhật kí còn lại không được công bố trọn vẹn nhưng chúng vẫn kết nối thành một dòng suy tưởng liền mạch, thể hiện rõ những nỗi day dứt, tình cảm mãnh liệt và lý tưởng sống mạnh mẽ của Đặng Thùy Trâm.

Trang 188 và 189 trong cuốn sách với nhiều hình ảnh, tư liệu quý về bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm
Phần thứ hai với tiêu đề "Cây cầu bắc qua dòng sông chia cắt", gồm loạt bài viết của 3 người em gái, chia sẻ hành trình dài và đầy xúc động trong quá trình lần tìm và đi nhận lại tư liệu gốc rồi đưa "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" đến tay công chúng. Những trang viết này không chỉ giàu tính tư liệu, mà còn góp phần khắc họa rõ hơn chân dung một nữ bác sĩ kiên cường, đầy lý tưởng và nhân hậu trong tâm thức bạn đọc hôm nay. Ngoài ra, phần này còn cung cấp một số thông tin cá nhân riêng tư, soi sáng hình ảnh liệt sĩ Đặng Thùy Trâm dưới nhiều góc độ...
Điều vô cùng quý giá ở của cuốn sách Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba chính là công trình sưu tầm lặng lẽ nhưng đầy cảm động của gia đình. Có những đoạn nhật kí đã ố vàng, chữ nhòe, phải phục dựng từng chữ; có bức thư chưa kịp gửi; có cả những trang chỉ còn dăm dòng, nhưng gia đình vẫn giữ lại vì với họ, từng con chữ đều là dấu tích của một đời sống.
Nhà nghiên cứu Hà Thanh Vân chia sẻ về cuốn sách Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba: "Không chỉ là một bản thảo đơn thuần, cuốn nhật ký thứ ba là một "tầng trầm tích" quý báu, từ đó có thể thấy chiều sâu suy tư và nhân cách của Đặng Thùy Trâm. Đồng thời, đây cũng là kết quả của nhiều năm sưu tầm, gìn giữ công phu của người thân trong gia đình, những "người kể chuyện thầm lặng" đã viết tiếp cuộc đời chị Đặng Thùy Trâm bằng tình yêu và ký ức. Có thể xem cuốn sách này là một đóng góp cho dòng văn học hồi cố, ký ức".