Phụ nữ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

Mạnh dạn, tự tin thực hiện khát vọng khởi nghiệp, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh đã lựa chọn nguồn tài nguyên bản địa để tạo ra những sản phẩm có giá trị thương mại cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Đậm đà heo gác bếp

Nói đến văn hóa ẩm thực của dân tộc Gié - Triêng xã Dục Nông, không thể không nhắc đến thịt heo gác bếp của chị Y Chon (39 tuổi), ở thôn Đăk Răng. Với hương vị thơm ngon, món ăn này đã trở thành đặc sản mà bất kỳ ai khi tới nơi đây đều muốn một lần thưởng thức và cảm nhận.

Món thịt heo gác bếp đã gắn liền với đời sống của đồng bào Gié - Triêng xã Dục Nông từ rất lâu. Khi chưa có điện và tủ lạnh, để bảo quản thịt lâu dài, người dân đã treo thịt lên gác bếp, nơi có nhiệt độ cao và khói giúp thịt không bị hỏng, giữ được hương vị tự nhiên. Qua thời gian, cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng thịt heo gác bếp vẫn được bà con lưu giữ như một món ăn truyền thống với hương vị đậm đà, khó quên.

Chính vì thế, chị Y Chon đã nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ thịt heo gác bếp truyền thống này. Năm 2017, chị Y Chon đã vận động chị em, phụ nữ ở các thôn trên địa bàn xã nuôi heo đen, heo sọc dưa để cung cấp lượng thịt phục vụ cho việc sản xuất món đặc sản của quê hương.

Chị Y Chon (bên phải) giới thiệu thịt heo gác bếp tại một hội chợ.

Chị Y Chon (bên phải) giới thiệu thịt heo gác bếp tại một hội chợ.

“Heo sau khi mổ, được rửa sạch và chỉ lấy phần nạc thăn, đùi, vai. Gia vị tẩm ướp sẽ quyết định hương vị thịt heo gác bếp, vì vậy cần chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo. Hỗn hợp các nguyên liệu như gừng, ớt, tiêu, bột ngọt, muối phải được ướp đều vào thịt ngay sau khi cắt miếng. Ướp xong, thịt được gác trên bếp khoảng 3 - 4 ngày. Miếng nào chín thì đưa vào máy ép chân không để bảo quản thịt lâu hơn. Khoảng 3kg thịt heo sống sẽ cho ra 1kg thịt heo gác bếp”, chị Y Chon chia sẻ.

Các sản phẩm của chị Y Chon được hút chân không, có tem nhãn, hạn sử dụng, có mã QR để truy xuất nguồn gốc nên được khách hàng tin dùng. Nhờ đó, ngoài đơn hàng trong tỉnh, sản phẩm còn được nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk đặt mua. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của chị Y Chon cung cấp ra thị trường khoảng 30kg thịt heo gác bếp, với giá bán 500 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, thời điểm Tết, nhu cầu khách hàng tăng cao, doanh số bán hàng cũng tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường.

Để phát triển sản phẩm, năm 2019, chị Y Chon thành lập Hợp tác xã (HTX) Dục Nông, với 9 thành viên. Năm 2020, sản phẩm thịt heo gác bếp của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ngoài thịt heo gác bếp, HTX còn sản xuất thêm các sản phẩm như rượu cần men lá, măng khô, muối tiêu sả chanh. Trong 3 năm gần đây, HTX đã liên kết, tạo việc làm cho hơn 40 phụ nữ trên địa bàn xã.

Đưa hương vị rượu bay xa

Cũng tận dụng nguồn tài nguyên bản địa cùng với sự kiên trì, học hỏi, chị Y Lang (42 tuổi), dân tộc Ba Na, ở thôn Kon Tu Dốp 2, xã Đăk Tô, đã thành công với sản phẩm rượu cần nếp than và rượu nếp than vắt. Mặc dù nghề nấu rượu của gia đình đã có từ thời ông bà chị, song trước đây, các sản phẩm của gia đình chỉ trao đổi qua lại với bà con trong thôn. Năm 2018, chị Y Lang mới bắt tay vào sản xuất rượu với số lượng lớn và bán trên thị trường, với mong muốn giới thiệu sản phẩm truyền thống của dân tộc mình tới mọi người.

Sản phẩm rượu cần nếp than và rượu nếp than vắt của chị Y Lang được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Sản phẩm rượu cần nếp than và rượu nếp than vắt của chị Y Lang được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Theo chị Y Lang, quy trình ủ một ghè rượu ngon không hề đơn giản. Mỗi mẻ rượu phải có men lá trộn cùng nếp than nấu chín ủ trong ghè khoảng 30 - 35 ngày. Mang hương vị đặc trưng, sản phẩm của chị được nhiều khách hàng tìm mua. Mỗi tháng, chị cung cấp ra thị trường khoảng 30 ghè rượu cần loại 2,5 lít và 6 lít.

"Với rượu nếp than vắt, các công đoạn làm sẽ khác hơn so với rượu cần. Thay vì ủ trong từng ghè riêng, tôi lại ủ nếp than nấu chín trộn với men lá trong một thùng lớn. Khi rượu đạt độ chuẩn, tôi dùng máy vắt để tách rượu, rồi đong vào các chai nhỏ. Làm như vậy sẽ giữ nguyên được hương vị thơm ngon, đậm đà của rượu", chị Y Lang cho biết.

Nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sản phẩm rượu nếp than vắt của chị Y Lang đã chinh phục thị trường. Mỗi năm, chị bán hơn 400 chai 1 lít, chủ yếu khách hàng trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Hiện nay, sản phẩm rượu nếp than vắt đã đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Năm 2024, trong Cuộc thi “Phụ nữ Kon Tum khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa và chuyển đổi xanh” do Hội LHPN tỉnh Kon Tum (cũ) tổ chức, chị Y Lang đã xuất sắc đoạt giải Ba với ý tưởng “Trồng và chế biến rượu nếp than vắt”.

Những năm qua, các hoạt động khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa ở Quảng Ngãi được “tiếp sức” bởi Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030. Thông qua việc hỗ trợ mô hình, đào tạo kỹ năng, kết nối thị trường mà chị em, phụ nữ dân tộc thiểu số đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự tin khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội. Trong đó, chị Y Chon và Y Lang là những phụ nữ tiêu biểu.

Bài, ảnh: NAY SĂT

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/phu-nu-khoi-nghiep-tu-tai-nguyen-ban-dia-54548.htm
Zalo