DOGE có thể đáng sợ hơn

Dù vai trò của Elon Musk trong chính quyền của Tổng thống Trump đang dần mờ nhạt, 'đứa con tinh thần' DOGE của ông vẫn đang trên đà cải tổ sâu rộng bộ máy hành chính liên bang.

Chỉ trong chưa đầy 4 tháng, DOGE đã cắm rễ vào gần như mọi ngóc ngách của chính phủ Mỹ: từ nhân sự nắm giữ các vị trí then chốt, các dự án hiện đại hóa phần mềm cũ kỹ tồn tại hàng thập kỷ, đến nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về dữ liệu cá nhân nhạy cảm nhằm tăng tốc kiểm soát nhập cư và phát hiện gian lận trong các khoản chi công.

Phần lớn những nhân sự này có thể sẽ tiếp tục tại vị trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, một số chỉ là nhân viên đặc biệt, có giới hạn làm việc 130 ngày như chính Musk, số khác ký hợp đồng đến hết năm tài khóa (30/9). Tuy nhiên, nhiều người đã được bổ nhiệm vào các vị trí được xem là dài hạn hoặc gần như vĩnh viễn.

“Một lực lượng lớn người của Elon đã vào vị trí, và họ không hề có dấu hiệu rút lui. Tình trạng hỗn loạn sẽ còn tiếp diễn và không có gì thay đổi cả”, một nhân viên của Cơ quan Dịch vụ Công cộng liên bang (GSA) chia sẻ với CNN.

Ít tiếng súng hơn

Chỉ trong 100 ngày đầu tiên của chính quyền Trump, DOGE đã tạo ra một cơn địa chấn tại Mỹ: ít nhất 121.000 nhân viên liên bang bị sa thải hoặc nằm trong danh sách cắt giảm, hàng nghìn người khác chấp nhận gói nghỉ hưu sớm.

Những người từng làm việc trong các chương trình này mô tả về nó với sự rối loạn và xáo trộn lớn, nhiều người buộc phải trở lại văn phòng hoặc chuyển công tác để giữ được việc làm. Nhiều khoản viện trợ và chương trình bị cắt đột ngột rồi lại được khôi phục sau khi bị kiện ra tòa.

DOGE hoạt động như một thực thể lai tạp, len lỏi khắp các bộ ngành bất chấp các tranh cãi pháp lý và chính trị về phạm vi quyền hạn của nó. Ông Bradley Humphreys, một luật sư cao cấp tại Bộ Tư pháp, từng thừa nhận trước tòa: “Nhiệm vụ của DOGE lan tỏa ở nhiều nơi, đến mức chúng tôi cũng khó mà định nghĩa rõ ràng”.

Trên thực tế, một số lãnh đạo như Ngoại trưởng Marco Rubio hay Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã bắt đầu phản ứng trước việc DOGE lấn quyền, và Musk chính là một “lá chắn” cho đội ngũ DOGE trước áp lực từ các bộ trưởng hoặc phản ứng chính trị dữ dội như vậy.

Không có Musk, DOGE có thể lại vận hành suôn sẻ hơn khi không còn là tâm điểm chỉ trích như trước.

“Cú sốc ban đầu mà ông ấy tạo ra là cần thiết, nhưng đến một điểm nhất định, hiệu quả của chiến lược đó bắt đầu giảm dần”, một quan chức cấp cao thân cận với DOGE chia sẻ. “Giờ không còn là vấn đề quyền lực hay tiếp cận nữa, mà là hành động. Và việc giảm ánh đèn sân khấu có khi lại là điều tốt”.

Dân biểu đảng Cộng hòa Rich McCormick - người từng hứng chịu nhiều chỉ trích từ cử tri vì các động thái gây tranh cãi của Musk - cho rằng DOGE vẫn sẽ tiếp tục sứ mệnh như cũ, chỉ khác một điểm: “Nó sẽ bớt rùm beng hơn”.

Ngay từ đầu, DOGE là sản phẩm trí tuệ của Elon Musk - người trực tiếp vạch chiến lược và đặt ra mục tiêu hành động. Ông thường xuyên làm việc trong một phòng họp lớn tại Tòa nhà Hành chính Eisenhower gần Nhà Trắng, thỉnh thoảng mới xuất hiện tại văn phòng không cửa sổ trong khu Tây của Nhà Trắng.

Có khi ông ngủ lại văn phòng, thậm chí có lần nghỉ qua đêm tại Phòng Lincoln trong Nhà Trắng theo đề nghị của ông Trump. Lịch trình, nơi ở và hoạt động của Musk luôn được bảo mật nghiêm ngặt như thông tin an ninh quốc gia.

 Musk thường xuyên làm việc tại Tòa nhà Hành chính Eisenhower gần Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

Musk thường xuyên làm việc tại Tòa nhà Hành chính Eisenhower gần Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

Musk chú tâm vào mọi vấn đề, từ những vấn đề nghiêm trọng đến chi tiết vụn vặt, có khi xuất phát từ các báo cáo kiểm toán dài hàng trăm trang, cũng có lúc chỉ vì một tài khoản trên mạng xã hội X thu hút sự chú ý của ông.

Đúng như phong cách Thung lũng Silicon, đội ngũ DOGE hoạt động theo phương châm “hành động nhanh, phá vỡ mọi rào cản”, không quan tâm nhiều đến quy chuẩn chức danh hay hợp đồng lao động kiểu cũ. Họ đảm nhiệm hàng loạt vị trí từ cố vấn cấp cao, chánh văn phòng, giám đốc công nghệ đến cố vấn pháp lý, thậm chí cùng lúc làm việc cho nhiều cơ quan khác nhau với thẻ ra vào và email riêng biệt.

Khi công ty xe điện Tesla của Musk lâm vào khủng hoảng, phong cách làm việc khắc nghiệt và thiếu hợp tác của ông khiến ông dần bị cô lập trong nội bộ Nhà Trắng. DOGE cũng mất dần vị thế khi ông Trump chuyển trọng tâm sang các ưu tiên kinh tế.

Trong cuộc họp với nhà đầu tư hồi tháng 4, Musk xác nhận ông sẽ rút khỏi DOGE để tập trung cho Tesla, nhưng vẫn dự định dành 1-2 ngày mỗi tuần cho công việc chính phủ. Và vai trò cố vấn của ông với Tổng thống Trump, dù là chính thức hay không, vẫn chưa rõ ràng.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt khẳng định: “Sứ mệnh của DOGE - cắt giảm lãng phí, gian lận và lạm dụng - chắc chắn sẽ tiếp tục. Các nhân sự DOGE đang làm việc tại các cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp với nội các Tổng thống Trump để cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ”.

Các đồng minh trong Quốc hội của Musk cũng tuyên bố việc ông rút lui sẽ không ảnh hưởng đến tương lai DOGE. Dân biểu Cộng hòa Aaron Bean, người đồng lãnh đạo nhóm nghị sĩ ủng hộ DOGE tại Hạ viện, ví Musk như "tên lửa đẩy": “Ông ấy đã khởi động DOGE và đưa nó vào quỹ đạo. Giờ là lúc tên lửa tách ra để nhiệm vụ tiếp tục. Tôi tin rằng ông ấy vẫn có ảnh hưởng lớn với Tổng thống”.

Bám rễ tại mọi ngóc ngách

Đến nay, chính quyền Trump vẫn mập mờ về quy mô cũng như phạm vi hoạt động của nhóm DOGE sau khi Elon Musk rút lui. Một quan chức trong chính quyền, yêu cầu giấu tên, chỉ tiết lộ rằng: “DOGE ở khắp mọi nơi”. Dù không công khai con số cụ thể, quan chức này khẳng định lực lượng của DOGE là “đáng kể”.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3, Elon Musk cho biết với Fox Business rằng DOGE có khoảng 100 nhân sự và ông hy vọng con số này sẽ tăng lên 200. Một số thành viên của DOGE đã được bố trí vào các vị trí truyền thống trong các cơ quan chính phủ và dự kiến sẽ còn nhiều hơn nữa.

Nhiều lãnh đạo xuất thân từ Tesla, SpaceX, The Boring Company, xAI và mạng xã hội X, hoặc có mối quan hệ thân cận với Musk, đang kiểm soát một loạt bộ phận trọng yếu, dù ít được biết đến, trong bộ máy hành pháp tại Washington.

Trong vài tháng gần đây, họ cũng đã chiếm lĩnh các hệ thống nền tảng của các chương trình an sinh, thuế và hỗ trợ tài chính liên bang. Quá trình này đi kèm với việc xác định, loại bỏ hoặc buộc thôi việc hàng loạt quan chức cao cấp tại Cơ quan An sinh Xã hội (SSA), Cơ quan Thuế vụ (IRS), Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM), Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA) và Trung tâm Medicare & Medicaid (CMS).

 Người dân tập trung biểu tình trong khuôn khổ chiến dịch toàn quốc "Đừng động vào An sinh Xã hội!" bên ngoài trụ sở Cơ quan An sinh Xã hội Hoa Kỳ tại Brooklyn, thành phố New York, Mỹ, ngày 15/4. Ảnh: Reuters.

Người dân tập trung biểu tình trong khuôn khổ chiến dịch toàn quốc "Đừng động vào An sinh Xã hội!" bên ngoài trụ sở Cơ quan An sinh Xã hội Hoa Kỳ tại Brooklyn, thành phố New York, Mỹ, ngày 15/4. Ảnh: Reuters.

Sau khi tiếp quản, các quan chức mới đã nhanh chóng cấp quyền truy cập vào các hệ thống dữ liệu bảo mật cao cho các kỹ sư DOGE. Việc các nhân sự thân Musk dẫn đầu đợt tinh giản nhân sự quy mô lớn đã gây ra làn sóng bất an sâu sắc trong khối công chức liên bang. Đợt cắt giảm và cho nghỉ hưu sớm hiện nay chỉ là giai đoạn đầu, với quy mô sa thải lớn hơn đang được chuẩn bị.

Tại SSA, DOGE đã bổ nhiệm các nhân sự chủ chốt như ông Scott Coulter, cựu giám đốc quỹ đầu tư, làm Giám đốc Công nghệ Thông tin, và ông Antonio Gracias, bạn thân của Musk, tham gia quản lý.

DOGE đang triển khai 3 dự án lớn tại SSA bao gồm: “Bạn còn sống chứ?” (xác minh tình trạng sống/chết của người nhận trợ cấp), “Làm sạch dữ liệu tử vong” (cập nhật hồ sơ người đã mất), và “Phát hiện gian lận” (phát hiện bất thường trong thông tin tài chính). Tuy nhiên, các dự án này bị tòa án liên bang tạm dừng do lo ngại về quyền riêng tư. Chính quyền Trump đã kiến nghị Tòa án Tối cao dỡ bỏ lệnh cấm để tiếp tục “hiện đại hóa hệ thống”.

Chiến dịch về kẻ phản diện Elon Musk và Bộ Hiệu quả “giả tạo”

Với nhiều nghị sĩ Dân chủ, DOGE là công cụ ngụy trang cho việc sa thải nhân sự hàng loạt và hủy bỏ các chương trình thiết yếu. Ngay từ những ngày đầu của chính quyền Trump, các nghị sĩ Dân chủ đã nhanh chóng dồn mũi dùi vào Elon Musk - người bị xem là nhân vật quyền lực thứ hai trong Nhà Trắng sau ông Trump.

Hạ nghị sĩ trẻ Maxwell Frost cũng gây tranh cãi khi liên tục gọi Musk là “Tổng thống Musk” trong phiên điều trần tại Ủy ban Giám sát Hạ viện vào tháng 2 vừa qua.

Không dừng lại ở đó, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đã cùng giới thiệu một dự luật mang tên “Ngăn chặn hành vi đánh cắp” (Stop the Steal), nhằm nhằm ngăn chặn DOGE dưới quyền Musk tiếp cận trái phép hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính.

Trong khi các nghị sĩ Cộng hòa đối mặt với phản ứng dữ dội từ cử tri vì không lên tiếng bảo vệ quyền lợi người dân trước DOGE, Đảng Dân chủ tận dụng thời cơ để tổ chức thêm các buổi đối thoại cử tri, kể cả ở những địa bàn do đảng Cộng hòa kiểm soát. Chiến lược truyền thông của họ đã phần nào phát huy hiệu quả trong cuộc bầu cử ghế Tòa án Tối cao bang Wisconsin ngày 1/4, nơi Musk trở thành "gương mặt đại diện" cho các chính sách bị lên án.

 Hình ảnh Elon Musk trở thành tâm điểm trong chiến lược truyền thông giúp đảng Dân chủ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tòa án Tối cao bang Wisconsin ngày 1/4. Ảnh: Reuters.

Hình ảnh Elon Musk trở thành tâm điểm trong chiến lược truyền thông giúp đảng Dân chủ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tòa án Tối cao bang Wisconsin ngày 1/4. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, với việc Elon Musk sắp rời khỏi vai trò chính thức trong chính phủ, một số lãnh đạo Đảng Dân chủ đang dần điều chỉnh chiến lược. Họ bắt đầu dịch chuyển trọng tâm khỏi cá nhân Musk và hướng đến bản chất thực sự của các chính sách được DOGE thực thi.

Sydney Register, người phát ngôn của tổ chức Progressive Change Institute, thừa nhận: “Chúng tôi thực sự đã cố gắng làm cho Musk trở thành kẻ thù. Thông điệp ‘Musk đang đánh cắp của bạn’ hoạt động rất tốt. Nhưng chúng tôi cũng cần phản ánh sự tàn phá thực tế mà những nỗ lực cải tổ giả hiệu của ông ấy đang gây ra cho đời sống người dân”.

Theo Register, dù sức ảnh hưởng trực diện của Musk đang giảm, ông vẫn là một “phản diện” chính và tầm ảnh hưởng sẽ không biến mất sớm.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/doge-co-the-dang-so-hon-post1553877.html
Zalo