Truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin về chiến công đầu tiên của tiêm kích J-10CE
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 18/5 đưa tin tiêm kích J-10CE – mẫu máy bay do nước này phát triển – đã lập chiến công đầu tiên trong thực chiến, ám chỉ cuộc đụng độ giữa Pakistan và Ấn Độ.

Truyền hình trung ương Trung Quốc lần đầu đưa tin về việc tiêm kích J-10CE lập chiến công đầu tiên trong thực chiến. Ảnh: Hoàn Cầu.
Theo CCTV, J-10CE đã bắn hạ nhiều máy bay đối phương trong một cuộc không chiến, mà không chịu tổn thất nào. Dù không nêu rõ thời gian hay bối cảnh chi tiết, thông tin này được cho là liên quan đến cuộc đụng độ giữa Pakistan và Ấn Độ vào đầu tháng này.
Phía Pakistan tuyên bố sử dụng tiêm kích J-10CE để bắn rơi 3 chiến đấu cơ Rafale do Ấn Độ mua của Pháp. Tình báo Mỹ và Pháp đều nhận định Pakistan đã bắn hạ chiến đấu cơ Rafale.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Học Phong nói trên CCTV, rằng J-10CE là tiêm kích một động cơ, một chỗ ngồi, đa năng và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Máy bay được trang bị hệ thống tác chiến tích hợp, cho phép tấn công đa mục tiêu ngoài tầm nhìn và đánh chính xác mục tiêu mặt đất ngay cả trong môi trường điện từ phức tạp.
Điểm mạnh của J-10CE bao gồm khả năng cơ động tốt ở tầm trung và thấp, cất hạ cánh ngắn và có thể tiếp nhiên liệu trên không để mở rộng tầm hoạt động. Máy bay còn sở hữu hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, tích hợp radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), giúp phát hiện và khóa mục tiêu ở khoảng cách xa, đồng thời chống nhiễu hiệu quả. Ông Trương cho rằng điều này cho phép J-10CE “phát hiện trước, theo dõi trước và khai hỏa trước” đối phương – yếu tố then chốt trong môi trường không chiến hiện đại.
Dù không phải là máy bay tàng hình, J-10CE cũng được thiết kế để giảm diện tích phản xạ radar (RCS), nhờ lớp phủ đặc biệt trên buồng lái, cửa hút gió kiểu mới và ăng-ten radar đặt nghiêng, giúp tăng khả sống sót trên chiến trường.
CCTV khẳng định, J-10CE không chỉ vượt trội về công nghệ mà còn là biểu tượng của quyết tâm tự lực, tự cường trong phát triển công nghệ quân sự của Trung Quốc. Việc phát triển dòng J-10 được bắt đầu từ thập niên 1980 – thời điểm nền công nghiệp hàng không Trung Quốc còn non yếu và thiếu thốn kinh phí. Khi đó, nhiều ý kiến cho rằng nên mua máy bay nước ngoài thay vì đầu tư phát triển trong nước. Tuy nhiên, giới kỹ sư Trung Quốc đã quyết tâm “không chờ đợi, không trông cậy vào nước ngoài” và bắt tay vào chế tạo một dòng tiêm kích nội địa.
Thành quả là J-10 – với tỉ lệ công nghệ mới vượt 60% (trong khi thông lệ quốc tế dưới 30%) – đã trở thành dấu mốc lớn của công nghiệp hàng không Trung Quốc, với quá trình thử nghiệm đạt độ an toàn gần như tuyệt đối: không có thiệt hại về người. J-10 bắt đầu đưa vào biên chế năm 2006 và hiện đã trở thành xương sống của không quân Trung Quốc. Pakistan hiện là quốc gia nước ngoài duy nhất sở hữu dòng máy bay chiến đấu này.