Anh thúc đẩy khuôn khổ quan hệ mới với EU hậu Brexit
Thủ đô London (Vương Quốc Anh) ngày 19/5 trở thành tâm điểm của sự kiện chính trị quan trọng, khi Thủ tướng Keir Starmer chủ trì hội nghị thượng đỉnh Anh - Liên minh châu Âu, đánh dấu bước ngoặt trong nỗ lực thiết lập lại mối quan hệ giữa hai bên sau thời điểm Brexit.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong không khí khẩn trương, với các cuộc đàm phán kéo dài đến tận đêm giữa đội ngũ của Anh, do Bộ trưởng Quan hệ châu Âu Nick Thomas-Symonds dẫn đầu, và các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa.
Mục tiêu của Anh là đạt được một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, tập trung vào việc giảm rào cản thương mại, tăng cường hợp tác quốc phòng và giải quyết các vấn đề tồn đọng từ Brexit. Thủ tướng Starmer, người từng ủng hộ ở lại EU, nhấn mạnh một thỏa thuận mới sẽ “tốt cho công việc, tốt cho hóa đơn và tốt cho biên giới” của người dân Anh.
Thúc đẩy kinh tế và an ninh trong thời kỳ bất ổn
Brexit từng làm rạn nứt mối quan hệ giữa Anh và EU, kéo theo giai đoạn hỗn loạn chính trị ở xứ sở sương mù với 5 thủ tướng liên tiếp thay nhau lãnh đạo trước khi ông Keir Starmer lên nắm quyền vào tháng 7/2024. Dù các cuộc thăm dò gần đây cho thấy phần lớn người Anh hối tiếc về Brexit, ý tưởng tái gia nhập EU vẫn không được ủng hộ rộng rãi.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Starmer chọn cách tiếp cận thực dụng, tập trung vào các lợi ích kinh tế và an ninh mà không ảnh hưởng tới các nguyên tắc lõi như tách biệt về thị trường và thuế quan.

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen. Ảnh: PA Media
Về thương mại, Anh hướng đến việc giảm thủ tục hành chính và kiểm tra biên giới, vốn đang làm chậm xuất khẩu thực phẩm và nông sản. Một nghiên cứu từ công ty tư vấn kinh tế Frontier Economics dự đoán, việc xóa bỏ các rào cản này có thể thúc đẩy xuất khẩu của Anh sang EU thêm 25 tỷ bảng Anh mỗi năm, và giúp GDP của nước này tăng thêm 2,2%.
Ngược lại, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh (NIESR) cảnh báo nếu không đạt được thỏa thuận, xuất khẩu của Anh có thể giảm 2,7% vào năm 2027, gây thiệt hại 30 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế. Những con số này nhấn mạnh tầm quan trọng của EU như đối tác thương mại lớn nhất của Anh, với kim ngạch xuất khẩu đạt 358 tỷ bảng Anh trong năm 2024, vượt xa Mỹ (71,1 tỷ bảng) và Trung Quốc (khoảng 25 tỷ bảng), theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS)
Trong lĩnh vực quốc phòng, Anh đang tìm cách tham gia vào quỹ quốc phòng trị giá hơn 126 tỷ bảng của EU, nhằm mở ra cơ hội cho các công ty quốc phòng của nước này trong việc tham gia chương trình tái vũ trang châu Âu. Một hiệp ước quốc phòng và an ninh giữa Anh và EU được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho các cuộc đàm phán thường xuyên hơn, đồng thời tăng cao khả năng Anh tham gia các phái bộ quân sự của EU.
Dù London đã có quan hệ quốc phòng chặt chẽ với 23 nước EU trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hiệp ước trên vẫn mang ý nghĩa biểu tượng, đánh dấu sự xích lại gần nhau giữa hai bên sau những năm căng thẳng.
Những thách thức và phản ứng chính trị
Dù tiềm năng của các thỏa thuận là rõ ràng, Thủ tướng Starmer vẫn phải đối mặt với không ít thách thức trong nước. Lãnh đạo đảng Cải cách Vương quốc Anh Nigel Farage và lãnh đạo đảng Bảo thủ Kemi Badenoch gọi hội nghị thượng đỉnh là “sự đầu hàng”, và cáo buộc ông Starmer phản bội tinh thần Brexit. Đặc biệt, các đề xuất về chương trình di chuyển thanh niên, trong đó cho phép người trẻ 18-30 tuổi học tập và làm việc giữa Anh và EU, bị ông Farage và bà Badenoch chỉ trích là “tự do di chuyển qua cửa sau”.
Thủ tướng Starmer nhấn mạnh rằng bất kỳ chương trình nào cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ, song sự ủng hộ ngày càng tăng của công chúng trong nước đối với đảng Cải cách Vương quốc Anh, vốn có lập trường chống nhập cư và hoài nghi vai trò của EU, khiến nhà lãnh đạo Công đảng Anh phải thận trọng.
Quyền đánh bắt cá, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất thời Brexit, cũng là tâm điểm đàm phán. Để đổi lấy việc nới lỏng kiểm tra thực phẩm nhập khẩu từ Anh, EU yêu cầu Chính phủ London phải giữ vùng biển mở cho ngư dân châu Âu. Vấn đề này tạo ra bài toán khó đối với Thủ tướng Starmer trong việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và áp lực chính trị, nhất là khi đảng Bảo thủ cảnh báo nhượng bộ trong lĩnh vực này sẽ là “sự phản bội” đối với ngư dân Anh.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng của hội nghị. Anand Menon - Giám đốc tổ chức UK in a Changing Europe, cho rằng cả Anh và EU đều có động lực mạnh mẽ để đạt được thỏa thuận trong bối cảnh quốc tế bất ổn. Cựu quan chức thương mại Anh Allie Renison cũng nhận định, bất kỳ động thái nào giảm căng thẳng thương mại với EU đều có ý nghĩa, đặc biệt khi sự gián đoạn thương mại hậu Brexit đã quá rõ ràng. Việc Anh sẵn sàng chấp nhận một số quy tắc EU, như giám sát tiêu chuẩn thực phẩm, được xem là bước đi “phá vỡ điều cấm kỵ” nhưng cần thiết để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp nhỏ trong nước.
Hội nghị thượng đỉnh Anh - EU dù không hứa hẹn giải quyết mọi vấn đề tồn đọng từ Brexit, nhưng nó đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hàn gắn mối quan hệ giữa hai bên. Với sự kết hợp giữa thực dụng và tham vọng, Thủ tướng Keir Starmer đang đặt cược rằng những lợi ích kinh tế và an ninh từ việc xích lại gần EU sẽ vượt qua những chỉ trích trong nước, mở ra một hướng phát triển mới cho nước Anh.