Đọc 'Nguyệt chính xuân' lắng khúc tâm tình cùng nhà thơ Đài Nguyên Vu (1939 - 2017)
Trong những cây bút thơ Bình Thuận xuất hiện trên thi đàn miền Nam trước năm 1975, Đài Nguyên Vu (tên thật Tôn Thất Trâm) đã chọn cho mình một giọng điệu riêng biệt.
Khác với giọng thơ hào sảng, tài hoa, đầy khẩu khí của Nguyễn Bắc Sơn; thơ Đài Nguyên Vu hội tụ cái tinh tế, hàm súc của Đường thi, một chút vi diệu của triết học Phật giáo, lại thấp thoáng thần thái vô vi xuất thế của Lão Trang. Dường như hồn thơ ấy khi bước vào văn chương thì đã sớm bén duyên với các thi phẩm của Lý Bạch, Vương Duy, Đỗ Phủ... cùng những Đạo đức kinh của Lão Tử, Nam hoa kinh của Trang Tử. Vì thế, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi anh đặt tên cho tập thơ đầu tay cũng là tập thơ riêng duy nhất của mình là “Nguyệt chính xuân”.
So với anh và các anh Nguyễn Bắc Sơn, Từ Thế Mộng, Lê Nguyên Ngữ, Nguyễn Như Mây, Huỳnh Hữu Võ… tôi chỉ là một đứa em nhỏ, thuộc lớp hậu bối. Do đó, tôi rất vinh dự khi được anh Trâm giao việc biên tập, trình bày “đứa con tinh thần” của anh. Tôi còn nhớ bản thảo tập thơ do anh Dương Hoàng Hữu từ Tuy Phong trực tiếp mang vào Phan Thiết, trao tận tay tôi tại Sở Văn hóa Thông tin cùng những lời gởi gắm đầy tin cậy. Qua đây, tôi hiểu thêm sự trân trọng và tình cảm hết sức đặc biệt của anh em văn nghệ Tuy Phong dành riêng cho anh.
Đây có thể xem là tác phẩm tiêu biểu, chắt lọc những bài thơ anh sáng tác trong gần 45 năm. Cảm nhận khó quên đối với tôi về tập thơ này là phong vị Đường thi thấm đẫm trong cấu tứ, hình tượng của từng bài thơ. Vì thế, đọc thơ anh, thỉnh thoảng phải dừng lại, ngẩng nhìn lên, bởi vì dường như ở đâu đó trong trí nhớ vừa thoáng qua những bóng dáng, những tình ý rất quen mà ta đã từng gặp trong “Mái Tây”, “Hồng Lâu Mộng”... - những danh tác của văn học cổ điển Trung Quốc. Có người nói thơ anh không dễ cảm thụ, bởi vì liên quan đến nhiều điển tích, điển cố của văn học cổ Trung Quốc - đòi hỏi người đọc phải có kiến thức phông nền nhất định. Điều này, một mặt là thế mạnh riêng có của anh nhưng mặt khác lại là điểm không thuận lợi cho sức lan tỏa của tác phẩm.
Khuôn khổ bài viết không cho phép trích dẫn ra hết những bài thơ hay trong tập của anh. Dưới đây chỉ xin nêu lên một vài câu thơ, đoạn thơ mà người viết tâm đắc trong tập “Nguyệt chính xuân”:
“... Mẹ già trông thấp lại
Như trẻ mới mười hai
Nửa như ở chùa Phật
Nửa ở động Thiên Thai...”
(Mẹ)
“... Sầu sáng tự nhiên rung ngọn bấc
Ít nhiều rượu đã đắm men say
Cho em về mộng năm canh để
Ngàn kiếp không quên một kiếp này...”
(Y-a-Trang)
“... Một bước giao thiên
Khối tình đã mãn
Đời hạ Xuân Thu
Lưng chiều bóng ác
Xanh biếc đau lòng
Giai nhân vóc hạc
Rừng tía trong mây
Mạch đào trong nguyệt
Có chim tử phụng
Trăng sáng mưa bông ...”
(Giao thiên)
Đọc bài thơ “Giao thiên” trên đây của anh, người đọc có cảm giác như lạc vào một thế giới khác. Đây là cảnh giới thoát khỏi mọi sự ràng buộc trần tục, để tâm hồn “tiêu dao” tự tại giữa điệp trùng thi ảnh được đan dệt bởi rừng mây, bóng nguyệt, tiếng chim, và thấp thoáng bóng giai nhân vóc hạc, mỏng mảnh như sương khói mơ hồ.
Qua thơ anh, tôi biết anh rất thần tượng ngòi bút phê bình văn chương lừng danh đời Minh (Trung Quốc) - Kim Thánh Thán (1590-1648), đồng thời anh cũng đặc biệt trân trọng tài năng của dịch giả Nhượng Tống - Hoàng Phạm Trân (1906 -1949) qua các dịch phẩm bất hủ như: Tài tử thư; Ly tao; Nam Hoa kinh; Mái Tây; Hồng Lâu Mộng...
Với tất cả lòng ngưỡng mộ chân thành, anh đã phác thảo chân dung dịch giả tài hoa Nhượng Tống bằng mấy nét đơn sơ mà sống động như một bức tranh thủy mặc:
Ta với đời ngày một cách phai
Chân đi giày cỏ áo da nai
Đêm đêm máy nhiệm thường han hỏi
Sườn sượt năm canh tiếng thở dài.
(Nhượng Tống)
Tôi đặc biệt ấn tượng với những bài thơ anh viết về thân mẫu của mình, hầu như bài nào cũng đều có những câu thơ khắc sâu vào tâm trí người đọc:
Mẹ nằm trong một phòng vuông
Bốn bề bằng cót in tuồng lầu thơ
Đổi bao nhiêu cũng chối từ
Nằm bên chân mẹ vui như Niết Bàn.
(Mẹ)
Thơ Đài Nguyên Vu chặt chẽ trong kết cấu, công phu, chắt lọc trong hình tượng, ý thơ hàm súc mà bay bổng, thể hiện một thái độ lao động nghệ thuật nghiêm cẩn. Tôi nhớ Viên Mai (1716 - 1797) - nhà lý luận phê bình thơ cổ điển Trung Quốc từng nói đại ý: “Thơ nên đạm không nên nồng, nhưng phải là cái đạm sau khi đã nồng”. Nhiều bài thơ trong “Nguyệt chính xuân” của Đài Nguyên Vu đã mang lại cho người đọc cảm nhận như thế.
Do khoảng cách về địa lý, Phan Thiết - Tuy Phong cách nhau gần 100 cây số nên anh và tôi ít có dịp gần nhau để hàn huyên, tâm sự. Tuy nhiên, mỗi khi gặp mặt ở Văn phòng Hội hoặc các kỳ Đại hội văn học nghệ thuật (VHNT) của tỉnh, tôi và anh đều có những chia sẻ chuyên sâu về thơ và những tác phẩm cần đọc, nên đọc để không ngừng mở mang kiến văn, bồi dưỡng cho nghề nghiệp văn chương một cách bền vững, lâu dài.
Hôm nhận tin anh đột ngột qua đời, do các anh Chi hội VHNT Tuy Phong chuyển đến, khiến tôi khá bất ngờ. Vẫn biết, anh đã vào ngưỡng “thất thập…” nhưng trí tuệ còn minh mẫn, sức sáng tạo vẫn dồi dào và trước đó, chưa có dấu hiện gì đáng ngại về sức khỏe. Vậy mà… thoáng chốc, anh đã lìa xa cõi tạm 7 năm có lẻ.
Nhớ anh, tôi đọc lại tập thơ “Nguyệt chính xuân” (xuất bản năm 2003) - thấy hiện lên gương mặt trầm tư cùng với nụ cười đôn hậu, thân thương của anh ngày nào. Không nghi ngờ gì nữa, chắc chắn những bài thơ hay của anh sẽ còn sống mãi và tiếp tục thăng hoa trong trí nhớ của những tri âm tri kỷ, những đồng nghiệp đang bước tiếp trên con đường nhọc nhằn của sáng tạo thi ca mà sinh thời anh đã chọn.