Độc lạ chàng trai dùng búa 'phù phép' vết nứt thành tranh trên kính

Thay vì dùng cọ để vẽ tranh, anh Nguyễn Đình Thăng (29 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) lại sử dụng búa để 'vẽ' ra tranh trên kính độc đáo bằng cách tạo những vết nứt.

Xuất thân từ sinh viên Nhạc viện TP.HCM, nhưng với niềm đam mê hội họa, chàng trai Nguyễn Đình Thăng đã nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo ra những bức tranh chân dung trên mặt kính. Điều đặc biệt là thay vì dùng cọ vẽ, anh Thăng lại dùng búa tự thiết kế để gõ tranh trên kính.

"Năm 2022, vô tình mình nhìn thấy clip của họa sĩ người Thụy Sĩ, anh là Simon Beger đã tạo những bức chân dung người nổi tiếng trên những tấm kính. Anh ấy đã dùng một chiếc búa nhỏ, gõ lên bề mặt tấm kính cũ tạo những vết nứt tinh xảo. Từ đó mình đã tìm tòi, học hỏi để theo đuổi bộ môn này. Sau nhiều thất bại khi thử nghiệm trên nhiều loại kính, giờ đây mình đã có thể làm chủ và bước đầu thành công với loại hình nghệ thuật này" - Thăng chia sẻ.

Theo anh Thăng, loại kính để phù hợp cho bộ môn này là kính dán an toàn. Đây là kính dán từ 2 lớp kính trở lên bằng lớp keo chuyên dụng. Lớp lót này được gọi là PVB dạng film. Khi thao tác gõ tranh trên kính sẽ không gây vỡ vụn. Kích thước lý tưởng của một tấm kính để làm tranh là ngang 80 cm và dài 100 cm.

Để gõ tranh, Thăng sử dụng chiếc búa tự thiết kế đã được anh mài nhọn phần đầu. Theo anh, mỗi chiếc búa có đầu nhọn, đầu tù... sẽ cho ra hiệu ứng kính vỡ khác nhau.

Loại tranh trên kính mà Thăng đang làm chủ yếu là tranh chân dung, trong tranh sẽ lược giản các chi tiết không cần thiết và giữ lại ngũ quan. "Vẽ chân dung trên kính không chỉ đòi việc tái hiện hình dáng của nhân vật, mà phải làm sao để truyền tải linh hồn của nhân vật. Để thể hiện cái thần của tranh, mình tập trung miêu tả qua đôi mắt" - chàng trai nói.

"Kỹ thuật gõ tranh trên kính đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác. Mỗi cú gõ phải được điều chỉnh lực một cách phù hợp để tạo ra những vết nứt mong muốn. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến toàn bộ công sức trước đó trở nên vô nghĩa" - Thăng chia sẻ.

Vì là tranh khổ lớn, cộng với độ sáng tối và hiệu ứng kính vỡ, nên khi nhìn ở khoảng cách không quá gần sẽ cho ra một bức chân dung độc đáo. Quá trình làm tác phẩm, Thăng phải thường xuyên kiểm tra bằng camera điện thoại để có có góc nhìn bao quát, kịp thời chiều chỉnh.

Thời gian đầu khi mới học làm tranh, anh cũng trải qua nhiều lần thất bại do chưa kiểm soát được lực búa làm những vết nứt không đi đúng hướng.

Trong quá trình gõ tranh trên kính, Thăng phải đeo kính bảo hộ nhằm bảo vệ mắt khỏi những mảnh vỡ.

Anh mất từ 2 đến 7 ngày để hoàn thành tác phẩm.

Sau khi làm xong, Thăng dùng máy hút những vụn kính vỡ. "Tranh kính này nên được treo cao và chắc chắn, tránh chạm tay vào mặt tranh để đảm bảo an toàn" - Thăng lưu ý.

Thăng mong muốn được sáng tạo nhiều hơn những bức tranh gõ búa trên kính. Ngoài thể loại tranh gõ búa trên mặt kính, Thăng còn vẽ tranh chân dung nguệch ngoạc, với những nét vẽ tưởng chừng như vô nghĩa nhưng tổng thể sẽ tạo ra một bức tranh sinh động.

Một số bức tranh kính mà Thăng thực hiện:

 Chân dung nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven

Chân dung nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven

 Tranh chân dung nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.

Tranh chân dung nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.

 Cô gái Việt Nam - tranh sáng tác không theo mẫu ảnh.

Cô gái Việt Nam - tranh sáng tác không theo mẫu ảnh.

NGUYỆT NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/doc-la-chang-trai-dung-bua-phu-phep-vet-nut-thanh-tranh-tren-kinh-post810893.html
Zalo