Trận đánh 'xuất quỷ nhập thần' trên điểm cao Loong Chẹng
Tôi vinh dự được gặp Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Minh Giám, nguyên chiến sĩ Đại đội Đặc công 24, Trung đoàn 866 (Sư đoàn 31, Quân đoàn 3) tại Hội thảo khoa học về Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào do Bộ Quốc phòng vừa tổ chức tại Hà Nội.
Dù đã chuẩn bị bước sang tuổi “đại thọ”, song, người chiến sĩ Đặc công năm xưa vẫn rất khỏe khoắn, tinh anh. Tranh thủ bên lề hội thảo, ông kể cho tôi nghe về những năm tháng hào hùng bên đất bạn Lào, nhất là trận tập kích “xuất quỷ nhập thần” trên điểm cao Loong Chẹng trong Chiến dịch “Z”…
Theo lời kể của Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Minh Giám, năm 1972, trong Chiến dịch “Z” (Chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng), Đại đội Đặc công 24, Trung đoàn 866 (Sư đoàn 31, Quân đoàn 3) của ông được giao trọng trách luồn sâu, tiêu diệt Điểm cao 1433, một cứ điểm phòng thủ mạnh trong cụm cứ điểm phòng thủ liên hoàn bảo vệ căn cứ Loong Chẹng - Tổng hành dinh của quân đặc biệt Vàng Pao và Sở chỉ huy Quân khu 2 của địch.
Điểm cao 1433 nằm cách trung tâm Loong Chẹng 4km về phía Đông Nam. Đây là ngọn núi đá có vách dựng đứng, có chỗ tới 87 độ. Lên đỉnh núi chỉ có một lối mòn nhỏ với 6 đoạn cầu thang bắc nối các vách đá. Trên đỉnh, địch bố trí một đại đội thiện chiến của quân Vàng Pao, quen đánh rừng núi, thông thuộc địa hình, được trinh sát trực thăng hỗ trợ, tiếp tế vũ khí, lương thực. Đề phòng ta tiếp cận tấn công, địch gài lựu đạn, mìn claymore, mìn sáng ở các đoạn cầu thang, trên lối mòn. Ban ngày, chúng cảnh giới đầu cầu thang trên cùng; ban đêm, cứ 10 - 15 phút lại ném một quả lựu đạn xuống vùng chân thang.
Anh hùng Phạm Minh Giám nhớ lại: “Từ tháng 10-1971, chúng tôi đã bắt đầu trinh sát, nghiên cứu cách đánh. Lực lượng tham gia trận đánh gồm 6 người thuộc Đại đội Đặc công 24, chia làm 2 tổ, mỗi tổ 3 đồng chí. Mỗi chiến đấu viên được trang bị 16 thủ pháo, 4 lựu đạn, AK báng gấp, 3 băng đạn (quấn vải, tránh gây tiếng động), chân trần.
Khoảng 18 giờ ngày 8-1-1972, chúng tôi tiếp cận mục tiêu, bắt đầu trận đánh. Ngay trước khi nổ súng, một đồng chí ho nhiều, phải ở lại, lực lượng chiến đấu chỉ còn 5 người. Sau khi tháo gỡ mìn, lựu đạn ở lối đi, cầu thang và lợi dụng tiếng nổ quả lựu đạn cầm canh của địch để leo lên đỉnh, chúng tôi bị lộ, địch bắn xối xả vào khu vực cầu thang, chỉ có 3 người, trong đó có tôi lên được đỉnh. Trên đỉnh, lợi dụng ánh pháo sáng, chớp đạn, hai đồng chí đi cùng tôi đánh thủ pháo các hầm bên phải, còn tôi lao thẳng vào khu trung tâm, vừa chạy vừa quăng thủ pháo xuống các công sự địch trên đường.
Để nghi binh, tôi hô xung phong, hò hét vòng trái, vòng phải… Đánh hết mục tiêu, tôi vòng lại xem anh em thì thấy đồng chí Đá, Chiến đi cùng đã hy sinh. Vẫn thấy địch chạy ở các công sự phía dưới, tôi dùng những quả thủ pháo còn lại rồi lấy lựu đạn M.67 và súng đại liên của địch tiếp tục chiến đấu. Khi tiếng súng ngừng, tôi kiểm tra trận địa, xác nhận địch hoàn toàn bị tiêu diệt. Lúc này, thấy máu chảy xuống mặt, tôi mới biết mình bị thương ở khu vực đầu.
Theo hiệp đồng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi bắn báo hiệu nhưng bắn sai quy ước nên đơn vị không lên hỗ trợ. Sau hơn 4 giờ đồng hồ, tôi lần mò tụt xuống dưới chân núi. May mắn, đồng đội vẫn chờ trong lo lắng, ngỡ ngàng. Chúng tôi ôm nhau òa khóc, mặc cho mùi khét khói súng, máu đầy mặt, đầy quần áo…”.
Sau giây phút vỡ òa cảm xúc đó, nghĩ đến những đồng đội còn nằm trên đỉnh núi, ông Phạm Minh Giám báo đơn vị nhanh chóng tổ chức đưa 2 chiến sĩ đã hy sinh xuống và đích thân cùng anh em chôn cất các anh. Để rồi 45 năm sau, ông đã có hành trình cùng gia đình các anh và đồng đội cũ quay lại tìm hài cốt các anh đưa về quê nhà an táng đầy xúc động…