Người dân Quảng Bình bất an với nguy cơ sạt lở sau bão lũ

Sau mưa lũ, nhiều điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở được phát hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương tìm kiếm phương án xử lý để đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Ông Hoàng Lý, Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, địa phương cùng các đơn vị liên quan đã sẵn sàng phương án di dời hàng chục hộ dân vùng nguy cơ sạt lở khi có mưa lũ kéo dài.

Vết nứt trên đồi xuất hiện sau đợt mưa lũ cuối tháng 10/2024.

Vết nứt trên đồi xuất hiện sau đợt mưa lũ cuối tháng 10/2024.

Trước đó, kiểm tra sau đợt mưa lũ cuối tháng 10/1024, đoàn kiểm tra phát hiện vết nứt lớn tại vùng đồi ở bản Tân Ly. Vết nứt rộng 20-25cm, có nơi gần 1m, dài hơn 300m. Khu vực có vết nứt ngay phía sau cụm dân cư đang sinh sống, cách nhà của hộ dân gần nhất khoảng 15m, có nguy cơ sạt lở gây thiệt hại cho người dân. Cùng với đó, tại quả đồi cách Nhà văn hóa bản Tân Ly khoảng 200m cũng có dấu hiệu sạt lở đất phía dưới chân đồi.

"Do khu vực xuất hiện vết nứt nằm trên quả đồi cao, rất gần với nhà dân, khối lượng đất đá nhiều nên nguy cơ xảy ra sạt lở đất rất cao. Nếu sạt lở đất xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ khu vực đang sinh sống của các hộ dân. Trong thời điểm mưa lũ, chính quyền cùng các đơn vị đã vận động và hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Xã báo cáo lên cấp trên tìm phương án xử lý và sẵn sàng di dời dân khi có nguy cơ", Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy cho biết.

Địa phương di dời người dân vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Địa phương di dời người dân vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Người dân sinh sống ở khu vực đồi Phòng Không thuộc thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa cũng chưa hết nỗi lo sạt lở. Khu vực này hiện là nơi sinh sống của 37 hộ dân nhưng có đến 3 vị trí sạt trượt trên đồi.

Trong mưa lũ, thực hiện phương châm "4 tại chỗ", chính quyền xã Đức Hóa chủ động phương án di dời các hộ dân khi có nguy cơ sạt lở cao. Cụ thể trong đợt mưa lũ cuối tháng 10, xã Đức Hóa vận động sơ tán 66 hộ/213 khẩu tại khu vực đồi Phòng Không đến nơi an toàn.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiểm tra khu vực sạt lở tại đồi Phòng Không.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiểm tra khu vực sạt lở tại đồi Phòng Không.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu chính quyền địa phương, các ngành liên quan nhanh chóng khảo sát, kịp thời có phương án, biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn đời sống cho người dân. Huyện Tuyên Hóa cần nghiên cứu, triển khai phương án bố trí tái định cư ổn định lâu dài.

Còn tại huyện miền núi Minh Hóa, khu vực đồi Cây Sường thuộc thị trấn Quy Đạt cũng có nguy cơ sạt lở gây thiệt hại cho hàng chục hộ dân ở phía chân đồi. Cụ thể, sau đợt mưa lũ tháng 10/2020, người dân phát hiện các đường lún nứt, cung sạt trượt khu vực đồi Cây Sường phía sau khu dân cư.

Nguy cơ sạt lở đồi Cây Sường uy hiếp hàng chục hộ dân.

Nguy cơ sạt lở đồi Cây Sường uy hiếp hàng chục hộ dân.

Huyện Minh Hóa triển khai đầu tư công trình kè chống sạt lở (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 17,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do địa hình, địa chất khu vực vùng đồi núi này phức tạp, một số vị trí đã hình thành điểm trượt và cung trượt, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu không giải quyết triệt để. UBND huyện Minh Hóa kiến nghị cấp trên điều chỉnh quy mô dự án với tổng mức đầu tư lên 50 tỷ đồng để bảo đảm thực hiện hiệu quả.

UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất ở khu vực đồi Cây Sường. Trong thời gian chờ thực hiện dự án, chính quyền địa phương chủ động biện pháp di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ để bảo đảm an toàn tính mạng người dân.

"Chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết. Khi có mưa lớn kéo dài sẽ khẩn trương tổ chức di dời các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn", ông Đinh Minh Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Quy Đạt cho biết.

Nhiều điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở khác cũng ảnh hưởng xấu đến đời sống Nhân dân.

Nhiều điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở khác cũng ảnh hưởng xấu đến đời sống Nhân dân.

Cùng với đó, theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, địa phương này hiện có hơn 160 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, bờ biển. Ngoài ra, có 35 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, cần nâng cấp, sửa chữa.

Đan Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-quang-binh-bat-an-voi-nguy-co-sat-lo-sau-bao-lu-169241111135524882.htm
Zalo