Độc đáo lễ hội rước bánh trôi dâng Hai Bà Trưng tại đền Hát Môn

Đã thành phong tục, đến ngày 6/3 âm lịch, nhân dân xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ lại long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Ngày giỗ Hai Bà Trưng và dâng bánh trôi lên Hai Bà tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Hát Môn.

Lễ hội truyền thống đền Hát Môn đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2016. Đây là lễ hội được tổ chức quy mô cấp vùng nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của Hai Bà Trưng.

Nhân dân xã Hát Môn làm lễ dâng bánh trôi lên Hai Bà Trưng.

Nhân dân xã Hát Môn làm lễ dâng bánh trôi lên Hai Bà Trưng.

Đã thành truyền thống, hằng năm, nhân dân Hát Môn đều tổ chức ba kỳ lễ hội tại khu đền (ngày 6/3 âm lịch - ngày hóa của Hai Bà, ngày 4/9 âm lịch - khao quân tế cờ khởi nghĩa và 24/12 âm lịch - kỷ niệm chiến thắng). Trong đó, lễ hội được tổ chức vào ngày 6/3 âm lịch được tổ chức tế lễ long trọng và dài ngày nhất trong năm.

Theo lịch sử ghi chép lại, Hai Bà Trưng đã kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi quân Đông Hán xâm lược. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, nước ta giành quyền tự chủ từ năm 40. Đến năm 42, vua Hán cử tướng Mã Viện đem hàng vạn binh lính sang tái xâm lược nước ta. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, đến năm 43 quân của Hai Bà Trưng không đủ sức kháng cự quân xâm lược. Tương truyền, trên đường rút quân, Hai Bà đã dừng chân gần dòng sông Hát và ăn bánh trôi, sau đó gieo mình xuống dòng Hát giang để tránh rơi vào tay giặc, hôm đó là ngày 6/3 âm lịch. Tục dâng cúng bánh trôi tại lễ hội đền Hát Môn xuất phát từ truyền thuyết trên. Gần 2.000 năm đã trôi qua nhưng phong tục làm bánh trôi và lễ hội truyền thống đền Hát Môn vẫn được người dân duy trì để thể hiện sự biết ơn với công lao to lớn của Hai Bà Trưng và đội quân anh dũng của Hai Bà.

Nghi thức dâng bánh trôi luôn có sự trang nghiêm.

Nghi thức dâng bánh trôi luôn có sự trang nghiêm.

Để dâng cúng bánh trôi người dân sẽ đã đề ra quy trình nghiêm ngặt từ việc chọn người làm bánh, chọn nguyên vật liệu làm bánh. Cụ thể, lễ vật cúng được tập trung tại một gia đình trong làng gọi là nhà chứa lễ. Gia đình chứa lễ phải là gia đình song toàn, còn đủ ông cả bà, con cái có đủ trai đủ gái, gia phong nền nếp, hòa thuận, không tang chế... Sau đó, người dân sẽ đem gạo để giã lấy bột làm bánh. Gạo được chọn phải là gạo nếp cái hoa vàng, chọn bỏ hạt đen, hạt vỡ; bột để làm bánh dâng cúng phải giã bằng tay với quy trình vô cùng cẩn thận từ trùng bánh, khám bánh, tắm bánh trước khi dâng cúng lên Hai Bà. Quy trình làm bánh trôi dâng cúng Hai Bà do ban tu lễ thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tế. Bánh trôi cúng thực chất là bánh chay vì không có nhân, được kín lên 17 bát, mỗi bát thường chứa 12 - 13 viên, giữa bát phải dành khoảng trống để rưới nước mật vào trong lòng bát. Nước mật cũng được chế biến rất công phu: dùng hoa hồi, quế, thảo quả... rang vàng, tán nhỏ, trộn với mật rồi đem đun chín, nước mật phải đảm bảo có màu trong như hổ phách, đậm, sánh, ngọt, thơm.

Tại lễ hội, lần lượt các thôn, làng trong xã sẽ rước bánh trôi dâng lên Hai Bà Trưng.

Tại lễ hội, lần lượt các thôn, làng trong xã sẽ rước bánh trôi dâng lên Hai Bà Trưng.

Sau khi hoàn tất các công đoạn làm bánh, dân làng tập trung tại nhà chứa lễ để cùng rước bánh về đền dâng lên Hai Bà theo nghi thức truyền thống. Đi đầu đoàn rước là hai lá cờ, tiếp sau là hai quạt che, một em phù giá bê quả đựng trầu cau; hai trống khẩu, dàn bát âm, và bốn phù giá khiêng ván quả (cả ván chay là bánh trôi cúng và ván mặn là xôi, thịt); hai lọng vàng che ván quả rồi đến chủ tế cùng các cụ trong ban tu lễ. Tất cả những người tham gia rước lễ đều phải mặc lễ phục.

Những đĩa bánh trôi được nhân dân xã Hát Môn dâng lên Hai Bà Trưng.

Những đĩa bánh trôi được nhân dân xã Hát Môn dâng lên Hai Bà Trưng.

Sau phần rước lễ làng, các thôn dân cư tập trung tại trụ sở UBND xã để rước bánh trôi mà các thôn đã chuẩn bị để rước về Đền Hát Môn. Đội hình rước bánh đều được chọn cử ở các thôn khoảng 20 - 40 người (tùy số lượng mâm bánh) và là những phụ nữ đảm đang, mặc trang phục áo dài truyền thống. Khi các đoàn rước bánh về Đền, mỗi đoàn sẽ chọn ra một đĩa ngon nhất, đẹp nhất vào làm lễ, thành kính dâng lên Hai Bà, số còn lại để mời du khách tập phương thụ lộc.

Chủ tế làm lễ dâng hương, tưởng nhớ Hai Bà Trưng.

Chủ tế làm lễ dâng hương, tưởng nhớ Hai Bà Trưng.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, đối với người dân xã Hát Môn nói riêng, huyện Phúc Thọ nói chung, bánh trôi dâng Hai Bà là một lễ vật độc đáo. Nó không đơn giản chỉ là thứ bánh thông thường mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, mang đậm yếu tố tâm linh. Lễ hội cũng là dịp để giới thiệu đến bạn bè và du khách về Đền Hát Môn - Di tích Quốc gia đặc biệt, công trình văn hóa, tín ngưỡng lâu đời, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân Phúc Thọ. UBND huyện Phúc Thọ sẽ cũng nhân dân duy trì, tổ chức tốt lễ hội để tưởng nhớ công ơn của Hai Bà.

Một trong những tục lệ đặc biệt mà người dân xã Hát Môn duy trì từ hàng ngàn năm là trước khi dâng bánh trôi lên Hai Bà vào ngày giỗ (6/3 âm lịch), thì nhân dân xã Hát Môn dù sống ở bất cứ nơi đâu cũng đều không ăn bánh trôi. Tục lệ đó được truyền từ đời này sang đời khác như một nét văn hóa đặc sắc của người dân địa phương, thể hiện sự tôn kính đối với Hai Bà.

Quang Phú

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/doc-dao-le-hoi-ruoc-banh-troi-dang-hai-ba-trung-tai-den-hat-mon-709389.html
Zalo