Độc đáo di sản văn hóa Mo Mường ở Đắk Lắk

Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của dân tộc Mường. Tại Đắk Lắk, nơi có cộng đồng Mường khoảng 16 nghìn người, di sản này đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được quan tâm bảo tồn và phát huy trong đời sống.

Chuẩn bị sẵn mâm cúng với đầy đủ các lễ vật theo phong tục truyền thống, bà Quách Thị Hoa Phượng, dân tộc Mường, ở thôn 3, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cung kính mời thầy mo đến thay mặt gia đình làm lễ giỗ tổ tiên. Bà Phượng cho biết, cộng đồng người Mường di cư từ Hòa Bình đến Đắk Lắk cách đây hơn nửa thế kỷ. Trên vùng quê mới, họ vẫn luôn gìn giữ và lưu truyền những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Trong đó, việc mời thầy mo đến cúng sức khỏe, cầu an cho gia đình vào những dịp lễ, giỗ là nghi thức tâm linh không thể thiếu.

“Những ngày lễ, ngày giỗ của ông bà tổ tiên mình là phải có thầy đến cúng chính thức, nhất là giỗ kị của ông bà mình hằng năm là phải có đầy đủ. Thầy cúng đến là phải cúng gọi các ông, các bà về ăn bữa cơm, ăn xong thì lại mời các ông các bà đi”. Bà Phượng chia sẻ.

Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của dân tộc Mường.

Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của dân tộc Mường.

Với người Mường, thầy mo là người trực tiếp thực hành diễn xướng Mo - hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian thực hiện trong các nghi lễ gắn với tín ngưỡng tâm linh. Mo Mường được cấu thành bởi lời mo, môi trường diễn xướng và chủ thể thực hành diễn xướng. Lời mo là các bài văn vần, thơ mo, có nội dung phong phú, chứa nhiều câu chuyện cổ, truyền thuyết dân gian, thần thoại, sử thi; phản ánh lịch sử, giải thích sự vật, hiện tượng trong cuộc sống thời xa xưa. Lời mo được sáng tác theo vần điệu và tuân thủ theo nguyên tắc diễn xướng nhất định.

Người Mường không có chữ viết riêng, nên các bài mo được truyền miệng qua các thế hệ thầy mo, lưu truyền thông qua các nghi lễ trong dân gian. Thầy mo là những người giữ tri thức mo, thuộc lòng hàng vạn câu mo và thông thạo các nghi lễ, tập quán, phong tục. Theo thầy mo Bùi Văn Minh, ở xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Mo được diễn xướng trong từng gia đình, nhằm thực hành một nghi lễ nào đó, như tang ma, cúng mụ, giải hạn, cưới hỏi, làm nhà mới…

Thầy mo thực hành diễn xướng Mo trong các nghi lễ tang ma, cúng mụ, giải hạn, cưới hỏi, làm nhà mới…

Thầy mo thực hành diễn xướng Mo trong các nghi lễ tang ma, cúng mụ, giải hạn, cưới hỏi, làm nhà mới…

Di cư đến Đắk Lắk sớm nhất từ năm 1954 và di cư từ nhiều tỉnh kể từ những năm 1980, hiện cộng đồng dân tộc Mường ở Đắk Lắk có khoảng 16 nghìn người, sinh sống chủ yếu tại các huyện Ea Kar, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Bông và thành phố Buôn Ma Thuột. Dân số tuy đông, nhưng số nghệ nhân thực hiện được đầy đủ Mo Mường chỉ còn 6 người. Các thầy mo giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mường, duy trì tiếp nối mạch hiện diện của Mo Mường trong đời sống. Điều này càng được khẳng định khi Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường tỉnh Đắk Lắk đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ tháng 2, năm 2024.

Theo Thống kê của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, di sản Mo Mường hiện nay còn tại 7 tỉnh, thành phố. Tại Đắk Lắk, trong quá trình điều tra, thống kê và đánh giá thực trạng di sản Mo Mường, từ năm 2022, tỉnh đã phối hợp với Viện Âm nhạc Quốc gia và các tỉnh có di sản Mo Mường xây dựng bộ hồ sơ quốc gia đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp.

Đứng trước nguy cơ mai một, việc Mo Mường được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của bà con người Mường, mà còn là cơ hội để Đắk Lắk tiếp tục gìn giữ, lan tỏa những giá trị đặc sắc của di sản này trong dòng chảy văn hóa đa sắc màu ở Tây Nguyên.

Tại Đắk Lắk hiện chỉ còn khoảng 6 người có thể thực hiện đầy đủ Mo Mường

Tại Đắk Lắk hiện chỉ còn khoảng 6 người có thể thực hiện đầy đủ Mo Mường

Từ năm 2022, tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Viện Âm nhạc Quốc gia thực hiện điều tra, thống kê và đánh giá thực trạng di sản Mo Mường tại địa phương

Từ năm 2022, tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Viện Âm nhạc Quốc gia thực hiện điều tra, thống kê và đánh giá thực trạng di sản Mo Mường tại địa phương

H Xíu/VOV- Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/doc-dao-di-san-van-hoa-mo-muong-o-dak-lak-post1198170.vov
Zalo