Độc đáo chạy chữ 'Thiên - Hạ - Thái - Bình'

Làng Vệ Yên, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa được xem là mảnh đất vừa linh thiêng vừa đậm đà hồn cốt lịch sử, nơi những dấu ấn của thời gian vẫn còn hiện hữu rõ nét. Xưa kia, làng có tên là Vệ Đà, nhưng từ thời nhà Nguyễn, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, làng được đổi tên thành làng Vệ Yên, thuộc xã Bố Vệ, tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên.

Trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” được biểu diễn tại Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An.

Trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” được biểu diễn tại Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An.

Qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, từ tháng 4/1948 làng Vệ Yên thuộc xã Quảng Thắng lớn (nay là phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa). Vệ Yên từ lâu đã là một cái nôi nuôi dưỡng biết bao thế hệ người dân cần cù, yêu quê hương, giữ gìn và phát huy được nhiều nét đẹp lịch sử - văn hóa truyền thống tiêu biểu, trong đó có trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình”.

Có mặt tại làng Vệ Yên vào sáng sớm, khi làn sương mù dày đặc phủ kín trên từng góc phố mang theo hơi lạnh se sắt, lòng tôi tràn đầy những cảm xúc mong đợi. Bởi, đến Vệ Yên không chỉ là dịp để khám phá nét đẹp lịch sử - văn hóa truyền thống độc đáo, mà còn là cơ hội để tôi được nghe ông Đỗ Khắc Bình (sinh năm 1960) - người gắn bó cả đời với trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” kể chuyện. Hiện, ông Bình đang là Phó trưởng Ban Quản lý làng Vệ Yên và là một thành viên nhiệt huyết trong Câu lạc bộ văn hóa - nghệ thuật truyền thống phường Quảng Thắng.

Dưới tán cây xanh trong khuôn viên đền thờ Nguyễn Phục - nơi trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” được người dân biểu diễn vào dịp lễ hội của làng (ngày mùng 7, mùng 8 tháng Giêng hằng năm), ông cho biết: “Không ai trong chúng tôi biết trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” có từ khi nào, nhưng thế hệ nào cũng yêu thích nó. Mỗi lần đến hội, cả làng từ trẻ nhỏ đến người già đều muốn tham gia và cảm thấy như mình được sống lại với quá khứ hào hùng của ông cha”.

Ông Bình cho biết thêm, trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” có cách thức tổ chức vô cùng độc đáo. Số lượng người tham gia khoảng từ 20 đến 30 người hoặc có thể huy động lên 80 hoặc hơn 100 người tùy sự kiện, sân khấu. Người tham gia cơ bản đáp ứng các yếu tố sức khỏe, nhiệt tình, thuộc chữ, khả năng quan sát, ghi nhớ tốt. Khi vào đội hình, “quân” sẽ được chia thành hai đội là quân xanh (quân địch) và quân đỏ (quân khởi nghĩa) và chạy theo từng nét chữ đã được vạch sẵn để xếp thành chữ.

Lực lượng tham gia trò chạy chữ được chia thành hai đội, phân biệt với nhau bằng màu sắc trang phục, thường gọi là quân xanh và quân đỏ.

Lực lượng tham gia trò chạy chữ được chia thành hai đội, phân biệt với nhau bằng màu sắc trang phục, thường gọi là quân xanh và quân đỏ.

Cùng ông Bình lật giở từng trang tài liệu còn lưu giữ về trò chạy chữ, ông Bình cho biết, theo lệ cũ, trước khi vào màn chạy chữ, hai đội quân tập hợp thành hàng dọc vào bái tổ (Thành hoàng làng), làm các nghi thức “nhận lệnh”. Thế nhưng hiện nay, cách thức tổ chức trò chơi có nhiều điểm khác biệt so với trước đây.

Theo đó, đội hình xếp thành hai hàng với hai tướng cầm quân đứng đầu. Hai tướng dẫn quân chạy vòng tròn xoắn ốc để “chào sân”, chào khán giả trước khi bắt đầu ra quân để xếp chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” trên nền sân. Quân xanh chạy chữ “Thiên - Hạ”, quân đỏ chạy chữ “Thái - Bình”. Mỗi khi kết thúc một chữ, hai đội vào ốc nhỏ, ốc lớn để chuyển sang chữ tiếp theo. Sau đó, hai đội sẽ đổi vị trí xếp chữ và hô to tên chữ mình chạy.

Cuối cùng, hai đội dồn quân xếp đồng loạt 4 chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” rồi tỏa ra thành vòng tròn lớn, giữa vòng là người biểu diễn võ thuật phất cờ. Hai đội quân vào lại hai hàng theo tướng, chào sân để kết thúc trò chơi. “Trống giong, cờ mở” trong suốt quá trình chạy chữ giúp cho không khí trò diễn càng thêm sôi động, khiến người xem có cảm giác như đang được chứng kiến những trận đánh hào hùng, đầy khí phách của cha ông ta trong suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Ông Bình hồi tưởng, giọng đầy xúc động: “Lúc còn nhỏ, tôi rất thích xem các cụ tập luyện trò chạy chữ nên thường đứng từ xa quan sát. Giờ đây, được làm người dẫn dắt, lan tỏa nét đẹp của trò chơi đến với thế hệ trẻ, tôi thấy mình như đang tiếp nối giữ gìn truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương".

Không chỉ ông Bình, mà tất cả người dân làng Vệ Yên đều mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” - di sản tinh thần quý báu của quê hương Vệ Yên. Trong lòng họ, chạy chữ không chỉ là một hoạt động của lễ hội, mà còn là một phần tâm hồn của làng, cái nôi nuôi dưỡng những ước mơ về một đất nước thái bình, Nhân dân ấm no, hạnh phúc. Và dù guồng quay của nhịp sống hiện đại không ngừng xoay vần, thì trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” sẽ vẫn mãi nở hoa như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của truyền thống lịch sử - văn hóa, của tình yêu quê hương, của lòng tự hào dân tộc.

Bài và ảnh: Lan Chinh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doc-dao-chay-chu-thien-ha-thai-binh-34905.htm
Zalo