Độc đáo bánh gio, rượu hoán của người Mông ở Ya Hội

Từ loại nếp nương mẩy tròn, không lẫn gạo tẻ, cộng đồng người Mông ở xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) chế biến thành món bánh gio dẻo ngon, thanh mát và rượu hoán thơm ngọt đậm vị truyền thống.

Thanh mát bánh gio

Mỗi dịp Tết đến, bà Phùng Thị Dĩ cùng con cháu quây quần gói bánh gio. Theo bà Dĩ, bánh gio là loại bánh không thể thiếu trong dịp lễ, Tết của người Mông nói riêng và một số dân tộc ở các tỉnh phía Bắc nói chung.

 Bánh gio luộc khoảng 2-3 tiếng là chín, ăn dẻo thơm, thanh mát. Ảnh: N.M

Bánh gio luộc khoảng 2-3 tiếng là chín, ăn dẻo thơm, thanh mát. Ảnh: N.M

Tên bánh gio xuất phát từ việc sử dụng tro củi, tro rơm rạ hoặc cây thảo dược để làm bánh. Quá trình chế biến trải qua nhiều công đoạn, tốn thời gian. Đầu tiên lấy tro mịn bỏ vào gùi nén chặt, rồi đổ nước nóng vào lọc. Nước tro từ từ chảy xuống thùng đựng. Sau đó, nước tro được lắng lọc nhiều lần để loại bỏ bụi bẩn, đất cát rồi đem đun sôi, một phần làm nước luộc bánh, phần còn lại để ngâm gạo.

Nguyên liệu làm bánh là nếp nương mẩy tròn, không lẫn gạo tẻ, vo sạch. Tiếp đó, ngâm gạo trong nước tro 6-8 tiếng đồng hồ cho tới khi hạt gạo mềm. Gạo ngâm xong, vớt ra rá xả lại với nước thật sạch, để ráo nước rồi xóc thêm chút muối, bánh sẽ đậm vị hơn.

Bánh gói bằng lá dong hoặc lá chuối. Lá được luộc qua để tạo độ mềm dai, khi gói không bị rách. Qua đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, từng chiếc bánh nhỏ xinh đều đặn nhanh chóng hoàn thành. Bánh gói xong, bỏ vào nồi đổ nước tro pha loãng để luộc. Bánh luộc khoảng 2 tiếng đồng hồ sẽ chín mềm, thơm ngon.

 Bánh ngon là khi bóc lớp lá ra cả chiếc bánh ánh lên màu hổ phách trong suốt, tựa như khối ngọc. Ảnh: Thanh Thư

Bánh ngon là khi bóc lớp lá ra cả chiếc bánh ánh lên màu hổ phách trong suốt, tựa như khối ngọc. Ảnh: Thanh Thư

Bà Dĩ đúc kết: Bánh gio chấm với mật mía ăn có vị ngọt thanh, mát dịu. Bánh có thể bảo quản 10-15 ngày trong điều kiện thời tiết se lạnh và 25-30 ngày trong tủ lạnh. Trước khi ăn đem hấp lại bánh vẫn giữ hương vị dẻo thơm.

Ngồi cạnh bà và mẹ quan sát kỹ thuật gói bánh gio, em Triệu Thị Thanh Thư chia sẻ: Khó nhất là công đoạn gói sao cho gạo không bị rơi ra ngoài và buộc lạt. Nếu chặt quá, không có khoảng trống để gạo bung nở, bánh sẽ không rền đều; còn lỏng quá khi bánh chín sẽ bị nhão nát, giảm độ dẻo ngon. “Ngồi bên bếp lửa ấm trông nồi luộc bánh và chờ đợi được thưởng thức hương vị bánh mới là cảm giác em vui nhất mỗi khi Tết đến xuân về”-Thư háo hức bày tỏ.

Thơm nồng rượu hoán

Cùng với các loại bánh truyền thống, người dân làng Mông còn giữ được công thức nấu rượu hoán thơm nồng đặc trưng của bà con dân tộc phía Bắc.

 Chị Hoàng Thị Sào (ở làng Mông, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) chiết rượu hoán bán cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Minh

Chị Hoàng Thị Sào (ở làng Mông, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) chiết rượu hoán bán cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Minh

Chị Hoàng Thị Sào là người nấu rượu hoán thơm ngon, chuẩn vị. Nói về quy trình nấu rượu hoán, chị Sào cho hay: Gạo nếp đãi sạch, ngâm qua đêm, để ráo nước và đồ thành xôi. Xôi nóng rải trên nong cho thật nguội, rồi đem ra rửa qua nước lạnh nhằm loại bỏ bột cám, chất nhờn bám quanh hạt xôi, để cho ra loại rượu trong và bảo quản lâu hơn. Sau khi xôi ráo nước thì trộn đều với men và bỏ hỗn hợp xôi men vào thùng hoặc chum ủ.

“Tôi thường đặt chiếc giỏ tre dài ở giữa chum, sau đó dàn đều xôi đã được trộn với men xung quanh. Xôi ủ 10-15 ngày sẽ chín, tinh chất rượu tự động chảy vào trong giỏ. Đợi tinh chất rượu đầy giỏ, tôi múc đóng chai cất trữ. Rượu hoán có thể để được 4-6 tháng và để càng lâu thì hương vị càng đậm đà”-chị Sào nói.

Cũng theo chị Sào, để rượu thơm ngon, chị sử dụng lượng men ủ rượu hoán chỉ bằng 1/3 lượng men nấu rượu thông thường. Nồng độ rượu thấp nên nam, nữ đều uống được và uống với mức độ vừa phải sẽ tốt cho sức khỏe.

“Rượu hoán là thức uống không thể thiếu của bà con dân tộc phía Bắc vào dịp Tết. Hầu hết các bà, các mẹ đều biết nấu rượu hoán và có công thức chế biến riêng. Tôi được mẹ hướng dẫn nấu rượu hoán từ năm 2012. Mỗi năm, tôi nấu 150 lít rượu hoán; 50 lít để biếu bố mẹ, người thân và để uống, còn lại bán cho người dân trên địa bàn. Giá bán dao động trong khoảng 35-50 ngàn đồng/lít, giúp gia đình tăng thêm thu nhập”-chị Sào tâm sự.

Làng Mông có 158 hộ với 6 dân tộc gồm: Tày, Mông, Dao, Bahnar, Kinh và Jrai. Vào lập nghiệp tại Ya Hội từ năm 1982 đến nay, người Mông cũng như anh em dân tộc khác luôn đoàn kết, sinh sống thuận hòa, gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp, nét văn hóa đặc trưng.

Ông Lý Kim Tuyên-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mông-cho biết: “Ngày Tết cổ truyền của dân tộc, bà con phát huy năng khiếu, tay nghề, chuẩn bị nguyên liệu chế biến những món ăn, thức uống ưa thích; chia sẻ với nhau miếng bánh ngọt, chén rượu thơm thể hiện lòng mến khách và gắn kết tình làng, nghĩa xóm; bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống”.

NGỌC MINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/doc-dao-banh-gio-ruou-hoan-cua-nguoi-mong-o-ya-hoi-post308492.html
Zalo