Vì sao trang phục Táo quân chỉ có áo, không có quần?
Bộ trang phục mà các gia đình dâng cúng cho Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp chỉ gồm mũ, áo, hia chứ không có quần, vì sao lại như vậy?
Lễ vật cúng ông Công ông Táo ngoài mâm cỗ, hương hoa, gạo - muối, cá chép thì không thể thiếu 3 bộ trang phục đặc trưng, 2 bộ dành cho Táo ông, 1 bộ cho Táo bà. Mỗi bộ gồm có mũ, áo, hia, điều này khiến nhiều người thắc mắc tại sao Táo quân không mặc quần.
Vì sao Táo quân không mặc quần?
Các bức tranh thể hiện hình tượng Táo quân cho thấy các Táo che thân bằng tà áo dài chứ không có quần. Bức tranh ông Táo của làng tranh dân gian Đông Hồ (ảnh dưới) cho thấy ba vị Táo quân ngồi xếp bằng trên điện, Táo bà ngồi giữa, 2 Táo ông ở 2 bên, tất cả đều mặc áo thụng dài. Họ phô ra cặp đùi béo múp, hồng hào vì không có quần nên.
Sở dĩ Táo quân được vẽ mập mạp vì họ là vua bếp, chẳng bao giờ thiếu ăn. Ca dao có câu nói về cuộc sống no đủ của các Táo trong bếp:
"Ông Cả ngồi trên sập vàng
Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo.
Ông Bếp ngồi trong đống tro
Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm".
Chuyện ông Táo không mặc quần cũng được nhắc đến trong một bài thơ ra đời vào nửa đầu thế kỷ 20:
Ba ông vua Bếp dạo chơi xuân
Đội mũ mang hia chẳng mặc quần.
Thượng đế hỏi rằng : Sao thế nhỉ?
Thưa rằng: hạ giới nó duy tân.
Khúc giữa hãy còn nguyên thủ cựu,
Văn minh mới được đầu với chưn.
Lý giải chuyện Táo quân mặc áo đi hia, đội mũ trang trọng nhưng lại không mặc quần, một số chuyên gia cho rằng, ông Táo ở trong bếp vừa nóng vừa nhiều tro than bồ hóng nên vốn ăn mặc rất mát mẻ, đến ngày lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng thì cần phải mặc triều phục, nhưng cũng chỉ đội mũ đi hia và mặc áo thụng. Cậy có tà áo dài che kín vạt trước, vạt sau nên ông Táo không cần mặc quần vì... không quen.
Mâm lễ cúng ông Công ông Táo
Thông thường, để tiễn Táo quân về trời, trên bàn thờ sẽ có các lễ vật cơ bản như:
- Bộ mũ áo ông Công ông Táo gồm bộ mũ của hai ông, một bà, thường được làm bằng giấy trang kim màu sắc rực rỡ.
- Cá chép: Được xem là phương tiện để ông Công ông Táo lên trời. Tùy vào vùng miền mà có thể là cá chép sống để phóng sinh hoặc cá chép giấy.
- Trầu cau, trái cây, hoa tươi.
- Rượu trắng, trà, gạo-muối.
Mâm cúng ông Công ông Táo có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn. Mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo thường bao gồm các món ăn truyền thống như:
- Bánh chưng hoặc bánh tét: Tùy theo vùng miền, bánh chưng hoặc bánh tét sẽ có mặt trong mâm cúng. Đây là món bánh truyền thống không chỉ mang đậm hương vị Tết mà còn tượng trưng cho đất trời, lòng biết ơn tổ tiên.
- Gà luộc: Gà trống luộc nguyên con tượng trưng cho sự khởi đầu mới, đem lại may mắn và thịnh vượng cho gia đình trong năm mới.
- Xôi gấc: Màu đỏ của xôi gấc tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc.
- Chả giò hoặc nem rán: Món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, thể hiện sự trọn vẹn và đầy đủ.
- Giò lụa: Món giò lụa mịn màng, tròn trịa thể hiện cho sự đủ đầy, no ấm.
- Thịt đông, thịt kho tàu: Đặc trưng với cái lạnh của mùa đông miền Bắc, món thịt đông có ý nghĩa đoàn tụ, quây quần. Mâm cỗ Tết của người miền Nam khi dọn lên không bao giờ thiếu đĩa thịt kho tàu vàng nâu sóng sánh.
- Canh: Thường là canh mọc, canh bóng hoặc canh miến, biểu tượng cho sự trong sạch và mới mẻ.
- Các món xào: Như bò xào, gà xào, tùy thuộc vào từng vùng miền và khẩu vị gia đình.
Một mâm cỗ chay gồm những món ăn đặc trưng sau:
- Nem chay: Làm từ các loại rau củ như cà rốt, khoai môn, nấm mèo và bún tàu, gói trong bánh tráng và chiên giòn. Nem chay mang hương vị nhẹ nhàng, dễ ăn và hấp dẫn.
- Đậu hũ chiên sả: Đậu hũ được cắt miếng, ướp với sả băm nhỏ, sau đó chiên vàng. Món ăn này đơn giản, dễ thực hiện nhưng rất thơm ngon.
- Canh chay: Thường nấu từ các loại rau củ như cà rốt, su su, bông cải, và đậu que. Nước dùng từ rau củ giúp món canh có vị ngọt tự nhiên và thanh mát.
- Xôi gấc: Món xôi gấc có màu đỏ cam đặc trưng, thể hiện sự may mắn, thịnh vượng. Xôi ngọt nhẹ, dẻo thơm nhờ hạt nếp chất lượng và gấc chín.
- Rau củ xào: Các loại rau củ như bông cải, nấm, cà rốt được xào vừa chín tới, giữ được độ tươi ngon và vị ngọt tự nhiên.
- Chè: Có thể là chè đậu xanh, chè hoa cau hoặc chè trôi nước. Chè mang ý nghĩa ngọt ngào, mong muốn cho những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.