Doanh số cho vay vốn chính sách năm 2024 hơn 1.000 tỷ đồng
Chiều 14/1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, chủ trì cuộc họp Ban Đại diện để đánh giá, tổng kết tình hình hoạt động năm 2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
Cuối năm 2024, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh đạt hơn 4.420 tỷ đồng, tăng 288 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 6,95%) so với đầu năm. Doanh số cho vay trong năm đạt 1.026 tỷ đồng, với 29.955 lượt khách hàng được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 739 tỷ đồng.
Tổng dư nợ đạt hơn 4.400 tỷ đồng, đạt 99,9% kế hoạch, tăng 282 tỷ đồng (tăng 6,84%) so với đầu năm. Có 135.172 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân 1 khách hàng là 33 triệu đồng.
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp các hộ vay đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh, mua bán nhỏ, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động… tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đề ra một số chỉ tiêu năm 2025, trong đó có củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2024-2025; 100% Phòng giao dịch huyện đạt chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tốt; 95% hoạt động tín dụng cấp xã xếp loại tốt trở lên và không có xã xếp loại trung bình. Bên cạnh đó, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều được giải ngân,…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, đánh giá, việc triển khai, thực hiện các chính sách ưu đãi ủy thác tại Cà Mau đi vào quy củ; các mục tiêu đặt ra năm 2024 cơ bản đạt; công tác phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức đoàn thể, sở ngành, địa phương, các chi nhánh, tổ cơ sở được đảm bảo.
Phó chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, Ban Đại diện HĐQT cần quan tâm, có giải pháp quyết liệt để giảm nợ quá hạn, nợ xấu, lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục đến cơ sở. Sát sao hơn trong việc đánh giá chất lượng tín dụng nhận ủy thác của từng đoàn thể, khắc phục điểm yếu, xử lý các vấn đề phát sinh; tăng cường rà soát, kiểm tra, đánh giá.
Trong năm 2025, tiếp tục củng cổ tổ chức tín dụng, tổ chức đoàn thể theo dõi vận hành nguồn ủy thác; phát động phong trào thi đua khen thưởng, nhân rộng mô hình hay, người tốt việc tốt, tổ chức tuyên dương hàng năm và đột xuất. Đồng thời, có kiểm điểm trách nhiệm những trường hợp lợi dụng chính sách./.
Hồng Phượng