Doanh nhân Bùi Thành Được, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Miền Tây Xanh: Đưa cỏ bàng nơi 'rốn phèn' xuất ngoại
Hơn 100 mẫu túi xách thời trang, thân thiện với môi trường, được làm từ cỏ bàng - loài cây mọc trên những vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long - do anh Bùi Thành Được thiết kế đang chinh phục nhiều thị trường trên thế giới.
Cỏ hoang thành ống hút
Những ngày cuối năm, Công ty TNHH Sản xuất Miền Tây Xanh liên tục đón các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu mô hình sản xuất sản phẩm từ cỏ bàng. Anh Bùi Thành Được thì luôn tất bật, vừa tiếp khách, vừa lo chỉ đạo sản xuất tại nhà xưởng để đẩy nhanh tiến độ, kịp trả đơn hàng cuối năm.
“Tôi rất phấn khởi khi sản phẩm từ quê nhà nhận được sự ủng hộ trên trường quốc tế”, anh Được vui vẻ nói.
Cỏ bàng là loài cỏ mọc tự nhiên trên vùng đất phèn ngập nước ở Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang… Trước đây, người dân thường tận dụng cỏ bàng đan thành đồ thủ công mỹ nghệ đơn sơ, hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Vốn là người nhạy bén với thị trường, anh Được nhận thấy, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới, phổ biến tại các nước phát triển và lan tỏa mạnh mẽ sang các nước đang phát triển.
Kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu
Việc nâng chất lượng sản phẩm từ cỏ bàng được Công ty Miền Tây Xanh thực hiện như thế nào?
Trước đây, sau mỗi mùa thu hoạch, cây cỏ bàng không được gieo mới hay chăm bón kỹ càng. Quá trình này kéo dài khiến cỏ bàng giảm dần về cả số lượng và chất lượng.
Để chủ động về nguyên liệu, chúng tôi kết hợp với các hộ gia đình, đầu tư phát triển 25 ha vùng trồng tại Long An và tiếp tục mở rộng ra các địa phương khác, như Kiên Giang, Đồng Tháp. Để kiểm soát chất lượng nguyên liệu, cứ 2 năm, doanh nghiệp lại gieo giống mới một lần. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất… để bà con cung cấp nguyên liệu đầu vào chất lượng. Công ty cũng sẽ thu mua với giá cao hơn.
Anh có kế hoạch gì cho Công ty Miền Tây Xanh trong năm 2025?
Bản thân tôi rất vui khi góp phần nâng tầm sản phẩm truyền thống của quê hương, đồng thời tạo khác biệt với thương hiệu Miền Tây Xanh.
Mỗi năm, chúng tôi đều tích cực đầu tư mới cho vùng trồng, nhà xưởng, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho bà nông dân…, đồng thời liên tục tối ưu chi phí, để tăng khả năng cạnh tranh.
Trong năm 2025, Công ty sẽ tiếp tục nâng cấp nhà máy, mở rộng vùng trồng và nỗ lực khai phá thêm nhiều dòng sản phẩm mới, lạ, tăng thêm tính năng sử dụng và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Năm 2019, anh quyết định thành lập Công ty TNHH Sản xuất Miền Tây Xanh (Công ty Miền Tây Xanh) và phát triển mô hình kinh doanh xanh với nguyên liệu chính là cỏ bàng - loài cây gắn liền với tuổi thơ của anh Được ở nơi “rốn phèn”, tỉnh Long An.
Sản phẩm đầu tiên của Công ty Miền Tây Xanh là ống hút làm từ cỏ bàng. Anh Được chia sẻ, phải cần 250 - 300 cây cỏ mới làm ra được khoảng 300 ống hút đạt chất lượng. Cỏ bàng sau khi thu hoạch phải được rửa sạch nhiều lần, cắt đoạn, phân loại, sấy khô, rồi mài nhẵn, hoàn thiện, đóng gói thành phẩm.
Thời gian đầu, các công đoạn chủ yếu được thực hiện thủ công, nên năng suất không cao. Sau đó, sản phẩm được khách hàng đón nhận, nên anh Được mạnh dạn đầu tư công nghệ, tối ưu quy trình sản xuất. Nhờ đó, Công ty Miền Tây Xanh có thể sản xuất khoảng 3 triệu ống hút/tháng, cung cấp cho hơn 20 khách sạn hạng sang trong nước và một số thị trường như Đức, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc…
“Những năm đầu khởi nghiệp rất chật vật, vì ngân sách eo hẹp, chúng tôi chỉ dám bước đi từng bước. May mắn, nhờ thị trường thế giới còn rất rộng lớn, nên hơn 5 năm qua, Công ty Miền Tây Xanh đạt lợi nhuận khá, có nguồn lực để tái đầu tư và tiếp tục nâng cấp sản phẩm ống hút”, anh Được cho hay.
Năm 2021, ống hút cỏ bàng của Công ty Miền Tây Xanh được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Long An và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018, HACCP…
Việc sản xuất ống hút cỏ bàng của CEO Bùi Thành Được được đánh giá là hợp thời, bắt kịp xu hướng tiêu dùng xanh. Các địa phương trên cả nước đang phát động “cuộc chiến” chống rác thải nhựa, đây là cơ hội thuận lợi để anh Được và đội ngũ của mình đưa các sản phẩm tự nhiên đến gần hơn với người tiêu dùng.
Mở rộng danh mục sản phẩm
Có nhiều ý tưởng mới và không ngần ngại dấn thân, anh Được tiếp tục nghiên cứu và đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm từ cỏ bàng, trong đó có hơn 100 mẫu túi xách, đa dạng về phân khúc giá. Những sản phẩm này đều do chính tay anh Được thiết kế và được sản xuất bởi những người thợ thủ công lành nghề của địa phương, với những đường may vô cùng khéo léo.
Anh Được chia sẻ, để làm ra những chiếc túi xách này, cỏ bàng phải được sấy khô, phủ bóng để chống ẩm mốc, thấm nước. Hình ảnh trang trí được khắc laser, giúp những chiếc túi trở nên sang trọng hơn, thời trang hơn. Ngăn túi sử dụng chất liệu vải canvas (vải bố) để tăng tính ứng dụng.
Túi xách từ cỏ bàng của Công ty Miền Tây Xanh có giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/sản phẩm, tùy mẫu mã, kích thước. Thời gian qua, Công ty liên tục nhận được đơn đặt hàng thiết kế sản phẩm theo yêu cầu của các đối tác là công ty du lịch, điểm dừng chân và khách hàng để sử dụng, làm quà tặng.
Chiến thuật của Công ty Miền Tây Xanh là chọn các khu du lịch, điểm bán hàng lưu niệm và trung tâm thương mại để quảng bá hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đến bạn bè quốc tế… Tháng 6/2024, Công ty xuất khẩu hơn 2.000 túi xách cỏ bàng sang Mỹ và đang trong quá trình chuẩn bị để xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Những cọng cỏ bàng, qua bàn tay khéo léo của người thợ, cộng với sự sáng tạo của doanh nghiệp, đã trở thành các sản phẩm đẹp mắt, sử dụng tiện lợi, thân thiện với môi trường… Tôi tin rằng, những sản phẩm mang đậm giá trị truyền thống này tiếp tục vươn xa trên thị trường. Không chỉ Miền Tây Xanh, mà có cả các đơn vị khác cùng tham gia”, anh Được bày tỏ.
Thời gian qua, Nhà nước đã dành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiêu biểu là Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện với môi trường…
“Đây là điều kiện thuận lợi cho chúng tôi, những doanh nghiệp nỗ lực đưa sản phẩm xanh ra thị trường. Các dòng sản phẩm của Công ty Miền Tây Xanh đang được đối tác đón nhận và đánh giá rất cao, bởi chúng tôi là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc nâng cấp chất lượng sản phẩm, giá cạnh tranh”, anh Được chia sẻ.
Làm “sống lại” nghề đan cỏ bàng
Đan cỏ bàng là nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu của người dân nơi “rốn phèn” (những vùng nhiễm phèn, nhiễm mặn ở các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long). Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nghề đan cỏ bàng còn tạo nên nét đẹp văn hóa đặc trưng cho cả vùng.
Nguyễn Thành Được lớn lên bên những chiếc chiếu manh bằng cỏ bàng, nên hơn ai hết, anh thấu hiểu những thăng trầm của nghề đan cỏ bàng truyền thống. Nhờ những năm tháng học hỏi, tìm hiểu và có kinh nghiệm trong thiết kế sản phẩm, anh Được có cái nhìn mới hơn. Từ đó, anh khát khao đổi mới nghề truyền thống, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
“Chúng tôi kết hợp với hơn 30 hộ nông dân, cùng nhau gia tăng giá trị cho cỏ bàng bằng các sản phẩm mang tính thẩm mỹ, có sự đầu tư chất xám, có yếu tố truyền thống, kỹ năng của người thợ, cộng với công nghệ. Doanh nghiệp thu mua nguyên liệu của người dân với mức giá cao hơn, giúp bà con tăng thu nhập 50 - 70% so với giai đoạn trước”, anh Được tự hào.
Mới đây, ông chủ Miền Tây Xanh tiến hành khảo sát thêm ở một số địa phương và ra mắt Dự án Bảo tồn nguồn nguyên liệu, xây dựng làng nghề cho bà con tại địa phương. Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân còn yếu tay nghề sẽ được đào tạo thông qua lớp dạy nghề, để tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn.
Song song đó, anh Được liên tục nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường và cung cấp thông tin để bà con phát triển sản phẩm đúng xu hướng mới. Nhờ đó, những chiếc túi xách làm từ cỏ bàng có khả năng bắt “trend” trước xu hướng của thị trường.
Những năm gần đây, cuộc sống của nhiều người dân nơi “rốn phèn” bước sang một trang mới nhờ nghề đan cỏ bàng. Với sản phẩm đa dạng, mở rộng được tệp khách hàng quốc tế, doanh nhân Nguyễn Thành Được đã góp phần giúp người dân thay đổi tư duy phát triển làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương. Trong thời gian tới, mỗi năm, Công ty Miền Tây Xanh dự kiến tăng thêm 10 - 20% nguồn cung nguyên liệu đầu vào, thông qua việc mở rộng liên kết với các hộ nông dân.
“Tôi rất tự hào khi mang sản phẩm của quê hương đến với bạn bè quốc tế, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, góp phần nâng giá trị cây cỏ bàng cho vùng đất phèn tại Đồng bằng sông Cửu Long”, anh Được bộc bạch.
Mong muốn lớn nhất của vị doanh nhân này và đội ngũ nhân sự của Công ty Miền Tây Xanh trong thời gian tới là có thể kết hợp với nhiều hộ nông dân và vùng trồng để xây dựng, phát triển và cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương, đưa sản phẩm mang đậm bản sắc Việt ra thế giới.