Doanh nghiệp xuất khẩu chủ động ứng phó linh hoạt

Việc Mỹ áp chính sách thuế mới cao trong thời gian tới đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của cả nước nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng. Sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, buộc DN phải tìm kiếm những giải pháp để thích ứng với tình hình mới.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 73 DN có hoạt động xuất nhập khẩu sang thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 547,1 triệu USD, chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu và quý I/2025 đạt 125,6 triệu USD, chiếm 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Ngoài ra còn có hơn 100 DN nằm trong chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là linh kiện xe máy, hàng may mặc, mũ bảo hiểm, giày dép các loại, thiết bị gia dụng, linh kiện điện tử…

Các sản phẩm của Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ (Lập Thạch) được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng lựa chọn. Ảnh: Đức Chung

Các sản phẩm của Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ (Lập Thạch) được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng lựa chọn. Ảnh: Đức Chung

Với mức thuế tăng cao, giá thành sản phẩm sẽ kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ từ những quốc gia không bị áp mức thuế cao. Điều này đặt ra bài toán hóc búa cho DN, khiến họ phải tìm cách giảm chi phí sản xuất để duy trì giá bán cạnh tranh hoặc tìm kiếm thị trường mới để bù đắp doanh thu từ thị trường Mỹ.

Trước bối cảnh đó, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt triển khai các chiến lược thích ứng để đảm bảo hoạt động sản xuất và xuất khẩu không bị gián đoạn. Trước tiên, các DN tập trung vào mở rộng thị trường xuất khẩu mới tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khối ASEAN. Đây là những thị trường tiềm năng có nhu cầu cao đối với các sản phẩm từ Việt Nam, đồng thời có chính sách thương mại thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, việc tối ưu hóa chi phí sản xuất trở thành ưu tiên hàng đầu. Một số DN chuẩn bị đầu tư vào công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao năng suất lao động. Thay vì phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, một số công ty đã bắt đầu tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa hoặc hợp tác với các nhà cung cấp trong khu vực ASEAN để giảm chi phí đầu vào.

Những biện pháp này sẽ giúp DN duy trì mức giá cạnh tranh khi chịu ảnh hưởng từ thuế suất cao của Mỹ áp dụng. Thương mại điện tử cũng đang trở thành một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận khách hàng quốc tế mà không bị phụ thuộc vào hệ thống phân phối truyền thống.

Nhờ sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử, nhiều công ty đã triển khai chiến lược bán hàng trực tuyến, kết nối với khách hàng toàn cầu mà không cần thông qua các nhà phân phối trung gian. Điều này không chỉ giúp họ tiết kiệm chi phí mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận đến nhiều thị trường mới.

Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, UBND tỉnh đã họp khẩn đề ra các giải pháp hỗ trợ tích cực giúp DN xuất khẩu vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhiều chính sách tài chính ưu đãi sẽ được triển khai, bao gồm các gói tín dụng với lãi suất thấp nhằm giúp DN có đủ nguồn lực để mở rộng sản xuất và đổi mới công nghệ. Các chương trình xúc tiến thương mại sẽ được đẩy mạnh, giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác mới, kết nối với các thị trường tiềm năng ngoài Mỹ.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, các DN xuất khẩu trên địa bàn vẫn có cơ hội phát triển nếu có chiến lược thích ứng phù hợp. Xu hướng ứng dụng công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh và mở rộng thị trường sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của DN.

Những công ty nào biết nắm bắt cơ hội, cải tiến sản phẩm và tìm kiếm những phương thức kinh doanh hiện đại sẽ có khả năng bắt nhịp duy trì tăng trưởng với những thay đổi trong thương mại toàn cầu.

Điển hình trong những DN xuất khẩu chịu tác động lớn từ chính sách áp thuế của Mỹ là Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ, KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Lập Thạch) chuyên sản xuất và kinh doanh gạch ốp lát, đặc biệt là gốm sứ và các loại vật liệu công nghiệp.

Trước tình hình này, công ty đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt nhằm thích ứng với việc Mỹ áp thuế cao. Một trong những giải pháp quan trọng mà Á Mỹ thực hiện là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ, công ty đã tìm kiếm khách hàng tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực ASEAN nhằm giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Điều này giúp hạn chế rủi ro từ việc biến động chính sách thuế của Mỹ và tạo cơ hội mở rộng sản phẩm tới nhiều quốc gia hơn.

Bên cạnh việc mở rộng thị trường, Á Mỹ cũng tối ưu hóa chi phí sản xuất thông qua đầu tư công nghệ mới. Việc áp dụng các giải pháp sản xuất tiên tiến, cải thiện quy trình làm việc giúp công ty giảm chi phí vận hành mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh sử dụng nguyên liệu nội địa để hạn chế phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ nước ngoài, giảm thiểu tác động của biến động giá cả trên thị trường.

Trong kinh doanh, Á Mỹ tăng cường kênh thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng toàn cầu một cách trực tiếp thay vì phụ thuộc vào hệ thống phân phối truyền thống. Bằng cách này, công ty có thể mở rộng quy mô xuất khẩu mà không phải chịu ảnh hưởng quá lớn từ mức thuế cao của Mỹ. Nhờ những bước đi linh hoạt và chiến lược thông minh, Á Mỹ sẽ không chỉ vượt qua thách thức mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng mới.

Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/126631//doanh-nghiep-xuat-khau-chu-dong-ung-pho-linh-hoat
Zalo