Doanh nghiệp xăng dầu đề xuất cơ chế mới để điều hành giá

Cộng đồng doanh nghiệp phân phối và thương nhân bán lẻ xăng dầu vừa gửi kiến nghị lên Công Thương về dự thảo lần 4 của Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Trong văn bản này, cộng đồng thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu tiếp tục bày tỏ lo ngại về quy định thương nhân phân phối "chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau" và họ cho rằng điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.

Cụ thể, họ cho rằng việc đề xuất các thương nhân phân phối không được mua hàng lẫn nhau của Bộ Công Thương vô hình trung biến doanh nghiệp rơi vào vị thế phụ thuộc, làm thuê cho các thương nhân đầu mối. Bởi từ nhiều năm qua trên thị trường có một doanh nghiệp siêu lớn chiếm tới 51% thị phần, có đủ các quyền kinh doanh của thương nhân đầu mối, đặc biệt có hệ thống phân phối từ nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ tới tận người tiêu dùng.

Cùng với đó, có thêm 6 doanh nghiệp lớn cũng là thương nhân đầu mối và nhóm doanh nghiệp này đang chiếm khoảng 88% thị phần từ nhập khẩu đến bán buôn và bán lẻ.

Doanh nghiệp phân phối nêu quan ngại về quy định mới trong Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu

Doanh nghiệp phân phối nêu quan ngại về quy định mới trong Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu

Do đó, theo cơ chế quản lý nhà nước hiện nay và nếu tiếp tục duy trì các quy định như dự thảo Nghị định thì chưa phù hợp với Luật Cạnh tranh.

Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị cần có giải pháp để làm giảm vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp lớn, siêu lớn, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phân phối và bán lẻ không bị thâu tóm, phù hợp với tinh thần, mục tiêu của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cần cho thương nhân phân phối được mua xăng dầu của thương nhân phân phối khác như Nghị định 95. Đồng thời, cần xem xét lại sự tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì quỹ này hoạt động không hiệu quả, ít phát huy tác dụng trong khi tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, và bị một số doanh nghiệp lớn lạm dụng, trục lợi như vừa qua.

Ngoài ra, văn bản của cộng đồng này cũng đề cập đến vấn đề cơ chế điều hành giá xăng dầu. Theo đó, tại dự thảo Nghị định đề xuất trao quyền cho doanh nghiệp tự định giá xăng dầu. Cụ thể, Nhà nước chỉ công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới, chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức.

Các doanh nghiệp cho rằng quy định này vẫn chưa thay đổi nhiều so với trước đây khi vẫn quy định chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức... vẫn do Nhà nước định giá (đưa ra con số cụ thể). Điều này chỉ khác với quy định cũ là doanh nghiệp thay Nhà nước thực hiện phép tính cộng.

Trước vấn đề trên, các doanh nghiệp đề nghị cần đổi mới căn bản và thực chất việc giao quyền định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá theo quy định của Luật Giá theo hướng giá xăng dầu là mặt hàng không phải do Nhà nước định giá mà là mặt hàng bình ổn giá, còn việc quy định giá là do doanh nghiệp tự quyết định giá.

Nguyễn An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/doanh-nghiep-xang-dau-de-xuat-co-che-moi-de-dieu-hanh-gia-314916.html
Zalo