Doanh nghiệp Việt Nam cần tăng tốc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại

Trong tương lai, Thái Lan và EFTA ký kết FTA sẽ tác động trực tiếp đến vị thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường EU. Do cấu trúc sản phẩm xuất khẩu của hai nước có nhiều điểm tương đồng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn hơn từ phía Thái Lan.

Việt Nam cần tăng tốc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại trong bối cảnh mới.

Việt Nam cần tăng tốc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại trong bối cảnh mới.

Tham gia FTA thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, mang lại những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung, của từng địa phương nói riêng.

Trong bối cảnh EU tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đạt được các hiệp định thương mại với các nước lớn còn lại trong khu vực ASEAN cũng như bản thân các quốc gia này cũng đẩy mạnh tìm kiếm FTA với các quốc gia và khu vực trên thế giới, những lợi thế của Việt Nam với 17 FTA ký kết với các nền kinh tế trên thế giới đang được dự báo cho thấy có dấu hiệu suy giảm.

Minh chứng điển hình, Thái Lan và EFTA ký kết FTA sẽ tác động trực tiếp đến vị thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường EU. Do cấu trúc sản phẩm xuất khẩu của hai nước có nhiều điểm tương đồng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn hơn từ phía Thái Lan. Mặc dù Việt Nam từng có lợi thế về giá cả, nhưng ưu đãi thuế quan mà Thái Lan sắp được hưởng sẽ làm giảm thiểu khoảng cách này.

Hiện nay, các nước trên thế giới cũng cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt, việc chỉ dựa vào thuế ưu đãi, đất đai và chính sách thông thoáng là chưa đủ. Việt Nam cần chứng minh cho các nhà đầu tư thấy được một tương lai phát triển bền vững tại đây. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tạo ra một ấn tượng sâu sắc và khác biệt so với các quốc gia khác trong cuộc đua thu hút FDI.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), việc thực thi FTA tại các địa phương còn chưa đồng đều, điều này cho thấy cần phải có một hệ thống đánh giá toàn diện để đo lường hiệu quả của các chính sách và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Để thu hút FDI, Việt Nam cần tìm ra những điểm khác biệt và lợi thế cạnh tranh riêng. Chúng ta không thể chỉ dựa duy nhất vào nguồn lao động, bởi Việt Nam và các nước ASEAN khác đều sở hữu nguồn lao động dồi dào. Nếu Việt Nam không chủ động và nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta có thể bị các đối thủ cạnh tranh trong khu vực vượt mặt.

Trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Đề án Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index). Các chỉ số đo lường của FTA Index không chỉ là cơ sở để doanh nghiệp, địa phương tự “soi mình”, đánh giá về kết quả của quá trình thực hiện, tận dụng FTA mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tối đa từ khâu sản xuất đến khi bán hàng, xuất khẩu, góp phần duy trì được chuỗi giá trị đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận được sự phối hợp tích cực từ các bộ, ngành và địa phương trong công tác xây dựng FTA Index. Sự phối hợp đồng bộ này đã giúp cho quá trình xây dựng bộ chỉ số diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, đảm bảo tính toàn diện và khách quan của kết quả.

Tuy nhiên, khi xây dựng FTA Index lần đầu tiên nên Bộ Công Thương gặp nhiều khó khăn. Với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ triển khai và xây dựng bộ chỉ số FTA Index, Bộ Công Thương mong muốn xây dựng được một hệ thống phần mềm đồng bộ có thể tính toán FTA Index một cách nhanh chóng, rút ngắn được thời gian và kết nối với Cổng thông tin điện tử về các FTA. Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện Bộ chỉ số FTA Index để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và có kết quả đánh giá về tình hình thực thi của các địa phương.

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đạt được các hiệp định thương mại với các nước lớn còn lại trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như bản thân các quốc gia này cũng đẩy mạnh tìm kiếm FTA với các quốc gia và khu vực trên thế giới, lợi thế này đang mất dần. Điều này cho thấy chúng ta phải tăng tốc thực hiện những giải pháp cần thiết để hưởng lợi từ FTA.

Trần Sơn

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/doanh-nghiep-viet-nam-can-tang-toc-tan-dung-co-hoi-tu-cac-hiep-dinh-thuong-mai-post534825.html
Zalo