Ngành bán lẻ trước thời điểm vượt ngưỡng 200 tỉ đô la
Thị trường bán lẻ trong nước trong năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng tích cực và dự kiến sẽ vượt mốc 200 tỉ đô la Mỹ vào năm mới. Tuy nhiên, trước những thách thức mới từ cuộc cách mạng công nghệ cùng sự thay đổi thói quen tiêu dùng, doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi và đầu tư để thích ứng với xu thế mới.
Đà tăng trưởng bán lẻ được kỳ vọng kéo dài
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.487,3 ngàn tỉ đồng (khoảng 177 tỉ đô la Mỹ), tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bức tranh sáng sủa của ngành bán lẻ được các thương hiệu lớn trong ngành ghi nhận có kết quả kinh doanh tích cực nhờ mức nền thấp của năm ngoái và xu hướng phục hồi về cầu tiêu dùng.
Báo cáo bán niên của niên độ tài chính 2024 (từ tháng 3 đến tháng 8) gần đây của Aeon Mall cho biết, thị trường Việt Nam mang về gần 8,2 tỉ yen (55 triệu đô la) doanh thu cho tập đoàn mẹ, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận hoạt động của Aeon tại Việt Nam đạt hơn 2,4 tỉ yen (16 triệu đô la), tăng 21%. Như vậy trung bình mỗi ngày, nhà bán lẻ Nhật Bản đã thu về hơn 2,2 tỉ đồng lợi nhuận từ thị trường Việt Nam. Việt Nam cũng là thị trường có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong tất cả thị trường Aeon Mall đang hoạt động.
Trong khi đó, Central Retail (Thái Lan) cũng báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm tại Việt Nam đạt 27.628 tỉ đồng doanh thu, tương đương vượt 1 tỉ đô la. Trong đó, riêng quí 3 vừa qua, doanh nghiệp có mức doanh thu tăng 14% và lợi nhuận ròng cũng tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng lý giải vì sao tập đoàn này liên tục mở điểm kinh doanh mới, trong đó có siêu thị mini go! thứ 13, mới được khai trương ở tỉnh Đồng Tháp cách đây vài ngày.
Với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp niêm yết được đánh giá có mức tăng trưởng vượt trội, thâm chí một số doanh nghiệp báo cáo đã vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Đơn cử như chuỗi Bách hóa Xanh của Thế Giới Di Động có doanh thu 10 tháng đạt 25.300 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Riêng tháng 10, doanh thu Bách hóa Xanh là hơn 3.000 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Thế giới Di động ghi nhận gần 99.700 tỉ đồng doanh thu thuần và hơn 2.880 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 15% và gấp 37 lần cùng kỳ năm ngoái (77,5 tỉ đồng). Kết quả lợi nhuận này đã vượt 20% mục tiêu cả năm của công ty đề ra.
Tại Công ty CP Tập đoàn Masan (mã MSN), hệ sinh thái bán lẻ lớn đạt lợi nhận 1.308 tỉ đồng trong 9 tháng đầu 2024, vượt 30,8% kế hoạch năm. Với những phát kiến chiến lược xuyên suốt mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi, lợi nhuận công ty có thể đạt 2.000 tỉ đồng khi khép lại 2024.
Thống kê của nền tảng phân tích dữ liệu chứng khoán FiinTrade cũng cho thấy, khối doanh nghiệp bán lẻ có kết quả kinh doanh, lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm nay tăng 490% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự bứt phá của ngành bán lẻ thời gian qua là kết quả của từng doanh nghiệp trong việc tái cấu trúc, tạo sức bật và nắm bắt cơ hội khi kinh tế phục hồi. Đà tăng trưởng của nhóm bán lẻ được kỳ vọng sẽ tiếp diễn khi càng về cuối năm nhu cầu mua sắm tăng cao.
Cạnh tranh khốc liệt
Bất chấp việc vẫn đối mặt với một số thách thức mang tính hệ thống nhưng nhiều dự báo vẫn đánh giá, ngành bán lẻ có tiềm năng bứt phá trong những năm tới trên cơ sở ổn định và triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia, thị trường hơn 100 triệu dân đang bước qua ngưỡng giá trị 200 tỉ đô la Mỹ. Điều này mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nhưng đi kèm với đó là những thách lớn trong cuộc đua chinh phục tăng trải nghiệm mua sắm và thay đổi của khách hàng. Việc áp dụng công nghệ, sự phân hóa trong hành vi tiêu dùng sẽ định hình lại thị trường và sàng lọc "người chơi" trong thị trường đó.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, cho biết việc kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu, cạnh tranh bán lẻ ngày càng quyết liệt và hành vi tiêu dùng đang thay đổi nhiều.
"Việc tăng khoảng 15% doanh thu của Aeon một phần do giá cả hàng hóa tăng", ông nói.
Báo cáo của NielsenIQ cũng cho thấy áp lực kinh tế như lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao đã khiến 50% người tiêu dùng Việt Nam hiện chỉ đủ khả năng chi tiêu cho thực phẩm và các nhu yếu phẩm cơ bản, trong khi những khoản chi tiêu xa xỉ bị cắt giảm đáng kể.
Tỷ lệ chi tiêu cho thực phẩm trong tổng thu nhập đã tăng từ 50% lên 54% trong quí 3-2024, phản ánh xu hướng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, điều này thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các kênh bán lẻ truyền thống như chợ và tạp hóa sang các mô hình hiện đại hơn như siêu thị mini và sàn thương mại điện tử (TMĐT), nơi người mua có thể tận dụng các ưu đãi, giảm giá và sự tiện lợi trong thanh toán.
Để cạnh tranh, Aeon sẽ tiếp tục mở điểm kinh doanh, đa dạng loại hình bán hàng với nhiều dịch vụ theo mô hình một điểm đến đa tiện ích cho khách hàng.
“Aeon sẽ tăng tốc mở thêm điểm kinh doanh, từ đó gia tăng các “điểm chạm” với khách hàng”, ông Furusawa nói và cho biết, doanh nghiệp này cũng liên tục làm mới không gian bán hàng, tăng trưởng nhãn hàng riêng và triển khai mạnh mảng TMĐT, tối đa hóa việc sử dụng công nghệ kỹ thuật...
Tương tự, trong cuộc đua thu hút người mua diễn ra ngày càng khốc liệt, Saigon Co.op cho biết đang có nhiều dự án đổi mới và sáng tạo nhằm tạo ra một hệ sinh thái bán lẻ thông minh, gần gũi và bền vững cho người tiêu dùng.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hóa vào mọi mặt của chuỗi cung ứng, bao gồm triển khai POS Omni, châm hàng tự động, hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, hệ thống quản lý kho WNS… để mang đến cho khách hàng một trải nghiệm đa kênh liền mạch”, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op chia sẻ.
Ngoài ra, Saigon Co.op cũng đang hướng tới xây dựng một không gian mua sắm xanh với các tiêu chí thân thiện môi trường' đồng thời khuyến khích các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại hệ thống siêu thị để bảo vệ môi trường.
Báo cáo Xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam 2025 của AppotaPay cũng nhấn mạnh, dù mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam hiện rất lớn, với 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ nhưng tốc độ tăng trưởng của TMĐT từ 35 - 45% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.
Với khả năng cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và tích hợp mua sắm với giải trí, nền tảng này đã thu hút mạnh mẽ giới trẻ, nhóm khách hàng có nhu cầu tìm kiếm những trải nghiệm đa dạng, tiện lợi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao và cạnh tranh bán lẻ gay gắt, đòi hỏi nhà kinh doanh liên tục cải tiến để đáp ứng những thay đổi về giá trị, cạnh tranh kênh TMĐT. Trong đó, tập trung vào cách doanh nghiệp chăm sóc khách hàng, cung cách phục vụ và tạo ra cảm xúc.
Khách hàng thường đến chuỗi nào đó mua sắm là họ yên tâm sản phẩm chất lượng và môi trường mua sắm mang đến những trải nghiệm vui vẻ, thoải mái cùng nhiều giá trị. Do đó, việc nhà kinh doanh luôn sáng tạo cho khách hàng cảm thấy vui vẻ như lần đầu tiên đến, từ đó tạo được niềm tin, sự tín nhiệm để họ quay trở lại.
Theo các chuyên gia, thị trường với quy mô hơn 200 tỉ đô la sẽ là một cuộc cạnh tranh quyết liệt của các nhà bán lẻ không chỉ về giá bán mà là tăng tiện ích, giá trị, cảm xúc và trải nghiệm mua sắm. Để không tụt lại phía sau, doanh nghiệp cần chủ động đón đầu các xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.