Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22-5), Việt Nam lan tỏa thông điệp bảo tồn và phục hồi Đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội trong công tác ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học.
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu đa dạng sinh học cao nhất thế giới với 3 nhóm hệ sinh thái cơ bản: hệ sinh thái trên cạn; hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái biển.
Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy hơn một phần ba số loài động vật có vú của Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đây không chỉ là mối quan tâm của quốc gia mà nó phản ánh một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị cho hay, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đang chịu sức ép lớn từ phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái rừng và sự xâm lấn của các loài ngoại lai. Những tổn thất này là không thể đảo ngược nếu chúng ta không hành động kịp thời và kiên quyết, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnamplus.vn)
Tại Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2025, diễn ra sáng 22/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị đề cập tới một số nhiệm vụ, giải pháp cần được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện như: Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học với việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển sinh kế xanh, du lịch sinh thái và giáo dục môi trường. Cùng với đó, các địa phương cần thúc đẩy khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong giám sát và phục hồi hệ sinh thái, như: Xây dựng cơ sở dữ liệu số về đa dạng sinh học quốc gia; nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái như rừng ngập mặn, rạn san hô, rừng đầu nguồn; hỗ trợ các vườn quốc gia, khu bảo tồn, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ứng dụng công nghệ trong quản lý, theo dõi động thực vật quý hiếm.
Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay được Liên hợp quốc phát động với Chủ đề: “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững”, nhấn mạnh rằng các mục tiêu phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi chúng ta sống hài hòa với thiên nhiên. Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong cách tiếp cận phát triển, từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững đến việc tích hợp các giải pháp dựa trên thiên nhiên trong các chiến lược phát triển quốc gia và toàn cầu.