Doanh nghiệp Việt 'chạy đua' với 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng
Với doanh nghiệp Việt, 90 ngày tạm hoãn thuế không chỉ là khoảng thời gian để tăng tốc, chủ động tâm thế mà còn là 'phép thử' để chứng minh khả năng thích ứng, nội lực cũng như tầm nhìn.
Chỉ trong hơn một tuần, kinh tế thương mại toàn cầu đã chứng kiến những biến động bất ngờ và khó lường. Việc Mỹ quyết định tạm hoãn áp mức thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam trong vòng 90 ngày đã khiến cục diện một lần nữa xoay chuyển, mở ra giai đoạn khẩn trương đàm phán và định vị lại lợi ích trong quan hệ với nhiều quốc gia.
Mỹ – đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là thị trường chủ lực của nhiều doanh nghiệp trong nước – đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vòng xoáy địa chính trị.
Với các doanh nghiệp Việt, 90 ngày này không chỉ là khoảng thời gian vàng để tăng tốc đơn hàng, mà còn là cơ hội để chủ động chuẩn bị tâm thế. Đồng thời là “phép thử” để chứng minh khả năng thích ứng, nội lực cũng như tầm nhìn của doanh nghiệp.
Tăng tốc tận dụng thời gian "vàng"
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group - doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi hàng đầu Việt Nam cho biết, khi phía Mỹ bất ngờ công bố mức thuế đối ứng lên tới 46%, khoảng 40% đơn hàng của công ty lập tức bị ảnh hưởng.
Các đối tác lo ngại giá bán tăng sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ không còn chấp nhận sản phẩm như trước. Thậm chí, kế hoạch kinh doanh của đối tác cũng bị xáo trộn, phải tính toán lại theo từng tuần thay vì theo tháng như trước.
Tuy nhiên, đến rạng sáng 10/4 (giờ Việt Nam), ông Tùng nhận được cuộc gọi từ phía đối tác Mỹ thông báo chính thức về việc tạm hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày.
“Vui lắm, phấn khởi lắm. Hàng hóa lại được xuất khẩu bình thường. Chúng ta có 90 ngày để xuất khẩu trở lại, rồi hy vọng sẽ có thỏa thuận hợp lý hơn sau đó”, ông nói.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group.
Ngay lập tức, các đơn hàng đã được khôi phục, thị trường Mỹ - vốn chiếm khoảng 58% tổng kim ngạch xuất khẩu của Vina T&T với doanh thu năm 2024 đạt khoảng 96 triệu USD – lại sôi động trở lại. Hiện công ty đang xuất khẩu nhiều loại trái cây tươi sang Mỹ như bưởi, sầu riêng, nhãn, dừa, thanh long, xoài…
Tận dụng khoảng thời gian “vàng” này, Vina T&T đang tăng tốc giao hàng theo các hợp đồng đã ký. Do đặc thù trái cây tươi không thể bảo quản lâu, cả nhà cung cấp tại Việt Nam và khách hàng phía Mỹ đều phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tương tự, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết, trước khi có thông tin Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày, nhiều đối tác còn tỏ ra e ngại, thậm chí tuyên bố “không thể buôn bán gì được nữa”. Thế nhưng, chỉ ngay sáng hôm sau, khi tin hoãn thuế được công bố, các đơn hàng đã ồ ạt trở lại.
“Lần đầu tiên, ngay từ sáng sớm, khách hàng đã chốt đơn với tốc độ chóng mặt. Nhu cầu tăng đột biến khiến Phúc Sinh phải vận hành hết công suất, thậm chí làm việc liên tục tới 3 ca để kịp tiến độ giao hàng”, ông Thông chia sẻ.
“Phép thử” cho cả Mỹ và Việt Nam
Trên cương vị của doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu số 1 vào thị trường Mỹ, ông Phan Minh Thông cho biết mỗi năm, Mỹ nhập khẩu khoảng 50.000 tấn tiêu từ Việt Nam. Riêng năm 2024, con số này lên tới hơn 70.000 tấn, trong đó Phúc Sinh đóng góp khoảng 8.200 tấn, tương đương hơn 10% tổng lượng nhập khẩu.
“Phúc Sinh hiện đang là đơn vị cung ứng tiêu lớn nhất cho thị trường Mỹ. Nếu không mua tiêu của Việt Nam, họ sẽ mua của ai?” – ông Thông đặt vấn đề, khẳng định vai trò không thể thay thế của chuỗi cung ứng Việt Nam trong ngành hàng này.
Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro trước những thay đổi khó lường của chính sách thương mại quốc tế, Chủ tịch Phúc Sinh cho rằng các doanh nghiệp Việt cần chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm những điểm đến mới.

Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group.
Trong đó, các thị trường như châu Âu, Nhật Bản, Đức hay Trung Đông đang ghi nhận tín hiệu tích cực nhờ ưu đãi thuế quan và nhu cầu ngày càng cao với các sản phẩm chế biến sâu, phát triển bền vững.
“Biến động quốc tế buộc doanh nghiệp phải linh hoạt hơn trong quản trị. Nếu trước đây chúng ta quen làm kế hoạch kinh doanh theo tháng, theo quý, thì nay phải điều chỉnh theo tuần, thậm chí từng ngày. Giá hàng hóa như cà phê, hạt tiêu tăng mạnh, cộng thêm chiến tranh, chi phí logistics biến động liên tục, tất cả đều đòi hỏi phản ứng nhanh và chuẩn bị sẵn nhiều phương án ứng phó”, ông Thông nhấn mạnh.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng cũng cho biết dù mức thuế 46% đang tạm hoãn, hàng rau quả Việt Nam vẫn đang chịu thuế 10% khi vào thị trường Mỹ - một mức thuế đã khiến đối tác lẫn người tiêu dùng phải “thử sức” trong khả năng chịu đựng.
“Tôi cho rằng đây cũng là một “phép thử” của Chính phủ Mỹ. Nếu giá tăng quá cao ảnh hưởng đến đời sống người dân, họ buộc phải tính lại chính sách hoặc tìm nguồn cung thay thế", Chủ tịch Vina T&T đánh giá.

Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế ở các nhóm hàng khó thay thế như gạo, tiêu, thủy sản, và đặc biệt là trái cây.
Tuy nhiên, ông cũng tin rằng Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế ở các nhóm hàng khó thay thế như gạo, tiêu, thủy sản, và đặc biệt là trái cây – vốn đã có chỗ đứng rõ rệt trên bản đồ xuất khẩu nông sản thế giới.
Song song với việc đẩy nhanh đơn hàng, Vina T&T cũng đang tích cực đàm phán lại với đối tác để chia sẻ các chi phí phát sinh nếu thuế cao được áp dụng trở lại.
Đồng thời, công ty đã xây dựng phương án ứng phó cho kịch bản xấu nhất khi Mỹ giữ nguyên mức thuế 46% bằng cách liên kết với các nhà cung cấp bao bì, logistics để cùng giảm giá thành.
“Chúng tôi sẽ phải hy sinh một phần lợi nhuận để giữ chân thị trường. Nếu cần thiết, Vina T&T có thể giảm giá bán khoảng 16-17% so với hiện tại để duy trì sức cạnh tranh”, vị Chủ tịch nhấn mạnh.
“Vượt bão” bên ngoài - lớn mạnh bên trong
Về chiến lược dài hạn, ông Phan Minh Thông nhìn nhận việc Mỹ áp mức thuế đối ứng cao là một thách thức thực sự đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
“Chúng ta chưa sẵn sàng để ứng phó với một cú sốc thuế quan như vậy. Chính vì thế, kỳ vọng vào những quyết sách hỗ trợ tương xứng từ Chính phủ là điều hoàn toàn chính đáng và cần thiết lúc này”, ông Thông nhấn mạnh.
Theo ông, năm 2025 ghi dấu mốc đặc biệt khi Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế.
“Lần đầu tiên, khu vực doanh nghiệp tư nhân được định vị với một tầm nhìn lớn như vậy. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp khó, xu hướng bảo hộ gia tăng, thì định hướng ấy càng cần được hiện thực hóa bằng các chính sách cụ thể, thiết thực, mạnh mẽ và kịp thời, không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu mà cả với doanh nghiệp sản xuất nội địa”, Chủ tịch Phúc Sinh nói.
Ông dẫn chứng, hiện Việt Nam có hơn 2,1 triệu doanh nghiệp và khoảng 5 triệu hộ kinh doanh - một lực lượng rất lớn, có thể còn lớn hơn cả con số thống kê chính thức.
Khi Đảng và Nhà nước đã thay đổi tư duy, định vị rõ vai trò của doanh nghiệp, thì chính sách đồng hành cũng phải có tầm vóc tương xứng, để giúp doanh nghiệp không chỉ “vượt bão” ở thị trường bên ngoài mà còn lớn mạnh, khẳng định vị thế tại chính “sân nhà”.
Đặc biệt, theo ông Phan Minh Thông, nếu muốn khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường nội địa, hoặc phát triển song song cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, thì cần có cơ chế công bằng hơn giữa hai khu vực.
“Thẳng thắn mà nói, khi doanh nghiệp xuất khẩu có thể vay USD với lãi suất chỉ khoảng 1%, trong khi doanh nghiệp sản xuất nội địa phải vay VND với lãi suất 9-10%, thì không thể nói là công bằng được. Nếu thị trường trong nước có các gói vay lãi suất ưu đãi, tôi tin sẽ hình thành được một hệ sinh thái sản phẩm phong phú và cạnh tranh hơn”, ông Thông chia sẻ.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) – chiếm đa số trong khu vực tư nhân, ông đề xuất Chính phủ cần mở rộng phạm vi thụ hưởng của chính sách hỗ trợ, như gói tín dụng ưu đãi, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế đất để xây dựng nhà máy.
Đồng thời, cần bổ sung các chính sách chuyên biệt hơn dành cho khối doanh nghiệp xanh, phát triển bền vững, thực hành ESG hay chuyển đổi số.
Một đề xuất đáng chú ý khác từ Chủ tịch Phúc Sinh là việc xây dựng sàn giao dịch hàng hóa. Theo ông Thông, đây có thể trở thành một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong điều tiết dòng chảy thương mại, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào một số thị trường lớn.
“Không có “liều thuốc tiên” nào giúp doanh nghiệp vượt khó ngay lập tức, nhưng nếu có sàn giao dịch, đó có thể là chiếc "túi thần kỳ" giúp chúng ta ứng phó linh hoạt với thuế quan từ thị trường Mỹ, đồng thời mở ra hướng đi mới cho hàng hóa Việt Nam ra thế giới”, vị Chủ tịch kỳ vọng.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ với tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngày 10/4 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã có các cuộc làm việc tích cực với Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick. Hai bên thống nhất sẽ tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương, trong đó có nội dung trọng yếu về thuế quan.
Kết quả này đánh dấu bước đột phá quan trọng trong quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, tiếp nối cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump ngày 4/4. "Cánh cửa thép" trong quan hệ thương mại song phương đã được mở, thể hiện nỗ lực quyết liệt và chủ động của Đoàn công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu.