Tương lai ngành nhôm, thép trước thách thức mới về thuế
Ngày 4.3 tới đây, Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ nhôm, thép vào thị trường này. Tuy ảnh hưởng trước mắt với ngành nhôm, thép Việt Nam không quá lớn, song về trung và dài hạn, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Ảnh hưởng trước mắt không lớn
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký các tuyên bố để tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm lên mức cố định 25% và loại bỏ tất cả các miễn trừ cho tất cả các quốc gia, bắt đầu từ 4.3.2025.

Ngày 4.3 tới đây, Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ nhôm, thép vào thị trường này. Nguồn: ITN
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là một trong năm nhà xuất khẩu thép lớn nhất vào Mỹ, sau Brazil, Mexico, Canada và Hàn Quốc. Theo Bộ Công Thương, năm 2024 xuất khẩu các mặt hàng thép của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 983 triệu USD, chiếm khoảng 4,4% thị phần, tăng gần 159% so với năm 2023; với nhôm là gần 300 triệu USD, chiếm khoảng 1,46% thị phần.
Đánh giá tác động của việc Mỹ áp thuế 25% với nhôm và thép nhập khẩu với Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, cho rằng ở thời điểm hiện tại, chính sách thuế mới không ảnh hưởng quá lớn tới xuất khẩu vào thị trường này. Bởi, từ năm 2018, thép Việt Nam đã chịu mức thuế 25% và nhôm là 10% khi vào thị trường Mỹ. Mức thuế cao này khiến Việt Nam dù là nước xuất khẩu thép lớn thứ 5 sang Mỹ nhưng chỉ chiếm khoảng 3 - 5% tổng giá trị nhập khẩu của nước này.
Cùng quan điểm, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, do tỷ trọng xuất khẩu thép của nước ta vào Mỹ khá nhỏ nên ảnh hưởng không quá lớn.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, dù Mỹ áp thuế 25% với toàn bộ hàng nhập khẩu, cơ hội vẫn có cho thép Việt Nam do năng lực sản xuất trong nước Mỹ vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, biên độ lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp, và nguy cơ cạnh tranh gia tăng cao khi các quốc gia khác cũng chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác, bao gồm Việt Nam. Nhiều nhà sản xuất, xuất khẩu thép quay lại thị trường nội địa khiến các nước tăng cường bảo hộ, cũng gây ảnh hưởng tới các quốc gia xuất khẩu thép như Việt Nam.
Bị cạnh tranh ngay trên “sân nhà” cũng là lo lắng của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Theo VSA, trong trung và dài hạn, việc mở rộng áp thuế 25% sẽ tác động lớn đến dòng chảy thương mại thép toàn cầu như sản phẩm thép của các nước bị mở rộng trên khi không xuất khẩu được sang Hoa Kỳ sẽ cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm thép của Việt Nam ngay trên thị trường nội địa. Khó khăn trong xuất khẩu vào Hoa Kỳ cũng sẽ khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, thép, nhôm các nước khó xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ tìm đường xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Thêm vào đó, VSA cho rằng, việc Hoa Kỳ áp thuế cao đối với các mặt hàng xuất khẩu sẽ khiến các công ty thép quay trở lại thị trường nội địa khiến các nước tăng cường bảo hộ với mặt hàng thép, nhôm nội địa. Điều này sẽ khiến quốc gia xuất khẩu thép như Việt Nam gặp khó khăn tại các thị trường khác, ngoài Hoa Kỳ.
Đa dạng thị trường để tránh rủi ro
Trong bối cảnh này, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài theo dõi sát tình hình để có phản ứng phù hợp.
Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, doanh nghiệp ngành nhôm, thép cần chủ động xây dựng kịch bản thích ứng, tránh bị động trước những biến động từ chính sách thương mại toàn cầu. Một trong những giải pháp quan trọng là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp cần tìm kiếm cơ hội tại các khu vực khác như châu Âu, Đông Nam Á hay Trung Đông, nơi nhu cầu về thép và nhôm vẫn ở mức cao. Mở rộng thị trường không chỉ giúp ổn định đầu ra mà còn tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về xuất xứ hàng hóa. Trong bối cảnh Mỹ siết chặt kiểm soát gian lận thương mại, đặc biệt là việc xác định nguồn gốc sản phẩm, các doanh nghiệp cần đảm bảo minh bạch trong quy trình sản xuất, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về xuất xứ, tránh nguy cơ bị áp thêm các biện pháp trừng phạt khác. Ngoài ra, sự chủ động trong theo dõi chính sách và tham gia các cuộc điều tra phòng vệ thương mại cũng là yếu tố then chốt. Việc nắm bắt nhanh những thay đổi từ phía Mỹ sẽ giúp doanh nghiệp có phương án điều chỉnh kịp thời, từ đó tránh những tổn thất không đáng có.
Trong trường hợp xấu nhất, ngoài mức thuế 25%, thép Việt Nam có thể đối mặt với các cuộc điều tra về xuất xứ, chống bán phá giá, dẫn đến nguy cơ bị áp thêm thuế bổ sung. Khi đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương để theo dõi các vụ kiện phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp Việt, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam nói.