Doanh nghiệp thủy sản 'sốc' với thuế đối ứng của Mỹ
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản sạch Việt Nam bày tỏ rất hoang mang và sốc với thuế đối ứng của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 tuyên bố áp thuế quan có đi có lại - hay còn gọi là thuế đối ứng - ở mức ít nhất 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có hàng chục quốc gia phải chịu thuế suất cao hơn.
Danh sách các nền kinh tế phải chịu thuế đối ứng cao hơn bao gồm những đối tác thương mại thuộc hàng lớn nhất của Mỹ, trong đó có Việt Nam. Theo đó, Việt Nam chịu mức thuế lên tới 46%. Điều này sẽ tác động rất lớn tới các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, giày da, may mặc, điện tử...

Các doanh nghiệp thủy sản sẽ chịu tác động tiêu cực từ thuế đối ứng của Mỹ.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) bày tỏ rất hoang mang và sốc với thuế đối ứng của Mỹ. Ông Phục cho rằng đây là một mức thuế phi lý và ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như Vina Cleanfood.
Doanh nghiệp này hiện đang có hàng nghìn công nhân và các nông hộ liên kết sản xuất. Ông Phục cho biết, hiện doanh nghiệp đã áp dụng tình thế khẩn cấp, cho quay đầu các đơn hàng đang trên đường đến Mỹ, tạm ngưng xuất khẩu các lô hàng mới, tạm dừng, thu hẹp vùng nuôi trồng.

Ông Võ Văn Phục, CEO Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) bày tỏ lo ngại về thuế đối ứng của Mỹ. Ảnh: Báo Nông nghiệp.
Trong trường hợp xấu nhất nếu mức thuế 46% này vẫn được duy trì, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất, giảm bớt nhân công và tạm ngưng hoạt động.
Nếu tính thiệt hại, theo ông Phục, doanh nghiệp sẽ mất hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn hơn là trong tương lai không rõ các chính sách sẽ được điều chỉnh ra sao để doanh nghiệp có thể an tâm đầu tư, sản xuất.
Liên quan tới vấn đề này, sáng nay, ngay trong phiên khớp lệnh xác định giá mở cửa, thị trường chứng khoán đã bị bao trùm bởi sắc đỏ. VN-Index lao dốc thẳng đứng, mất 67 điểm, xuống 1.250 điểm. Hơn 10 cổ phiếu cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG, MSN, MWG, TCB, BCM... hiển thị giá sàn. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất gần 4%.
Các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index có thời điểm mất hơn 71 điểm, tương đương 5,3% so với tham chiếu. Trong những lần bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất lợi từ thế giới và trong nước như Covid-19 bùng phát, bắt lãnh đạo ngân hàng, căng thẳng trên biển Đông... VN-Index thường mất khoảng 4,9-5%.