Thách thức từ mức thuế 46% của Hoa Kỳ: Cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững?
Trước động thái tăng mức thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam lên 46% của Hoa Kỳ, các chuyên gia kinh tế cho rằng thời điểm này cần sự bình tĩnh, thận trọng để đưa ra giải pháp đa dạng nhằm cân bằng thị trường xuất khẩu và nâng cao thị trường nội địa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới tại Nhà Trắng ngày 3/4/2025 (Ảnh: TTXVN)
Việt Nam bị áp Thuế 46% từ Mỹ
Rạng sáng 3/4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh hành pháp công bố mức thuế nhập khẩu dành cho những quốc gia bị áp thuế đối ứng. Trong đó, Việt Nam là một trong ba quốc gia bị áp thuế cao nhất lên tới 46%.
Các nền kinh tế khác trong khu vực cũng bị áp thuế như: Campuchia ở mức 49%, Thái Lan bị áp mức thuế 36%, Trung Quốc 34%, Đài Loan, Indonesia ở mức 32%. Trong khi đó, Ấn Độ bị áp thuế ở mức 26%, Hàn Quốc bị áp thuế mức 25%, Nhật Bản, Malaysia bị đánh thuế ở mức 24%, Liên minh châu Âu chịu mức thuế 20%.
Riêng với Việt Nam, mức thuế bổ sung sẽ áp dụng với một số nhóm hàng cụ thể, tập trung vào: Hàng điện tử (linh kiện, thiết bị bán dẫn); Thép và nhôm; Năng lượng tái tạo,...

Bảng mức áp thuế được Nhà Trắng công bố (Ảnh: Nhà Trắng)
Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu, bắt đầu từ ngày 3/4. Đồng thời, chính phủ Mỹ sẽ áp dụng hiệu lực cho mức thuế cơ bản 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào ngày 5/4 và tăng thuế bổ sung đối với khoảng 60 nền kinh tế có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ vào lúc 12h01 sáng ngày 9/4.
Trước tuyên bố này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Bessent kêu gọi các đối tác thương mại của Mỹ không nên thực hiện các bước trả đũa đối với thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump và cần phải tăng cường đàm phán bởi mức này có thể giảm xuống nếu các đối tác thương mại đáp ứng yêu cầu của chính quyền Trump.
Doanh nghiệp lo ngại trước tác động
Trước công bố thuế quan tăng 46%, một số doanh nghiệp xuất khẩu bày tỏ lo ngại về việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khi các đối tác Mỹ có thể tìm nguồn hàng thay thế từ các nước không bị áp thuế cao. Bởi thuế nhập khẩu của Mỹ có thể ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng nước này. Bên cạnh đó, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những biến động chính sách có thể ảnh hưởng đến dòng vốn vào Việt Nam trong thời gian tới.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, thông tin này khiến các thành viên của hiệp hội cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khá hoang mang và bối rối.
"Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 - 2,1 tỷ USD mỗi năm, trong đó, tôm và cá tra là chủ lực, vì vậy việc Mỹ áp mức thuế 46% sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam", đại diện VASEP nói.

Sau khi có thông tin Mỹ áp thuế 46% một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước rất quan ngại
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất ở Bắc Ninh cho biết, những ngày gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ theo dõi sát các thông tin liên quan đến chính sách thuế của Mỹ từ báo chí cũng như các đối tác bên Mỹ.
"Hầu hết chúng tôi đã đoán định được việc tăng thuế nhưng chỉ nghĩ ở mức 10%, và nếu tiêu cực lắm là 20%. Thế nhưng sáng nay khi nhận được thông tin áp thuế quan 46%, chúng tôi choáng váng và hoang mang... Với mức thuế này thì gần như chặn cửa đối với hàng hóa Việt Nam. Hiện, một số đối tác thường xuyên của chúng tôi đang chần chừ việc tiếp tục các đơn hàng. Họ cũng rất lo sợ việc áp thuế sẽ đẩy giá hàng hóa tăng vọt dẫn đến tồn kho", vị này chia sẻ.
Theo số liệu từ Cục Hải Quan, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 119,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 15,1 tỷ USD. Trong đó, có 15 mặt mặt hàng xuất khẩu tỷ USD, ba nhóm chủ lực gồm máy tính - linh kiện (23,2 tỷ USD), máy móc - thiết bị (22 tỷ USD) và dệt may (16,2 tỷ USD). Ngoài ra, điện thoại, gỗ, giày dép cũng đóng góp lớn với kim ngạch từ 8,3 - 9,8 tỷ USD.
Nông sản là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp, với kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 1,15 tỷ USD, thủy sản 1,83 tỷ USD và cà phê 323 triệu USD.
Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Do vậy, việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa Việt Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng về chi phí gia tăng, nguy cơ giảm đơn hàng và mất lợi thế cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Các ngành chịu tác động lớn bao gồm dệt may, da giày, điện tử và nông sản – những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ.

Các ngành chịu tác động lớn bao gồm dệt may, da giày, điện tử và nông sản – những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ
Trước tình hình hiện nay, các doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, họ mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng tiến hành đàm phán với phía Mỹ để hai bên có thể hiểu rõ nhau hơn và đạt được mức thuế hợp lý hơn.
Bình tĩnh đối ngoại tìm ra giải pháp có lợi cho Việt Nam
Ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế cao đối với hàng hóa Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ngay lập tức chỉ đạo cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ ban ngành để đánh giá tình hình và thảo luận tìm ra giải pháp trước mắt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam - (Ảnh: VGP)
Trước vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh cần chủ động ứng phó để giảm thiểu tác động, đồng thời xem đây là cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững, đổi mới sáng tạo. Việc này nhằm giúp Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, cú sốc từ bên ngoài như những gì đã làm trong những năm qua. Đồng thời lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh để lắng nghe các ý kiến từ các doanh nghiệp xuất khẩu.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài (Ảnh: VGP)
Thủ tướng khẳng định, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại phức tạp, Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên vào năm 2025, đồng thời đẩy mạnh nội địa hóa và mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để lấy lại năng lực cạnh tranh, Chuyên gia chính sách công Nguyễn Minh Đức cho rằng Việt Nam cần đa dạng hơn nữa thị trường xuất khẩu và nâng cao thị trường nội địa. Đồng thời có thể gia tăng nhập khẩu từ Mỹ nhiều hơn, đặc biệt là các sản phẩm khoa học công nghệ.

Chuyên gia chính sách công Nguyễn Minh Đức
Trong bối cảnh thị trường bên ngoài biến động, khó khăn và có tác động tiêu cực đến xuất khẩu và kinh tế Việt Nam. TS. Bùi Quý Thuấn, Phó Trưởng Ban nghiên cứu, Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) đánh giá chính sách này sẽ đem lại tác động tiêu cực rõ rệt trong ngắn hạn, đặc biệt với các ngành xuất khẩu chủ lực như hàng điện tử, dệt may – da giày, đồ gỗ và nội thất,… Tuy nhiên, đây có thể trở thành động lực để nền kinh tế chuyển đổi theo hướng bền vững hơn trong tương lai.

TS. Bùi Quý Thuấn, Phó Trưởng Ban nghiên cứu, Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam (VIPFA)
“Việc phải chịu thuế cao từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Châu Phi,…. Điều này giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong dài hạn. Khi xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể chuyển hướng sang thị trường nội địa với dung lượng hơn 100 triệu dân”, TS. Bùi Quý Thuấn nói.
Ông Quý cũng nhấn mạnh rằng, đứng trước chính sách thuế quan của Mỹ, Việt Nam cần tiếp tục đàm phán song phương với chính quyền Mỹ đối với mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam nhưng đồng thời cũng cần định hướng cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Đưa lời khuyên cho doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, chúng ta buộc phải làm quen với điều này, phải chuyển từ trạng thái "thuế nhập khẩu nguyên liệu cao" sang "thuế nhập khẩu thành phẩm cao". Mức thuế sẽ phải công bằng giữa 2 bên, thay vì chênh lệch lớn như trước đây.
Về kỳ vọng đàm phán có thể giúp mức thuế đối ứng giảm xuống, ông Nghĩa nhấn mạnh, chỉ còn cách chúng ta phải nhanh chóng giảm thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, tương ứng với mức thuế hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.