Trung Quốc sẽ hành động như thế nào với chính sách thuế quan mới của Mỹ?

Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép lớn trong đáp trả quyết định áp thuế mới của Tổng thống Donald Trump hôm 2/4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng ngày 2/4/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng ngày 2/4/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Theo kênh CNA, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, sẽ bị áp mức thuế quan 34%, ngoài mức thuế 20% trước đó, nâng tổng mức thuế quan đối với quốc gia này lên 54%.

Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả, với mức độ đủ mạnh nhưng cũng cần thận trọng, nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi kinh tế vốn đang khá mong manh sau đại dịch COVID-19.

Bà Guo Shan, nhà kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Hutong, cho rằng chính sách thuế quan mới của Tổng thống Trump đã cứng rắn hơn dự đoán. Theo bà, cách thức phản ứng tốt nhất của Trung Quốc trong tình huống này là triển khai một số biện pháp trả đũa đồng thời thúc đẩy nền kinh tế.

Ông Stephen Olson, nghiên cứu viên tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, cũng dự đoán Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ nhưng vẫn giữ sự thận trọng để tránh tình trạng leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện. Ông nhấn mạnh rằng mục tiêu của Bắc Kinh là truyền tải thông điệp chính trị và kinh tế mà không làm gia tăng căng thẳng.

Nhà kinh tế chính tại The Economist Intelligence Unit, ông Su Yue, cũng bày tỏ sự bất ngờ trước tốc độ leo thang của cuộc chiến thương mại toàn cầu, điều mà ông cho là diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự đoán ban đầu.

“Các mức thuế áp dụng với Trung Quốc có thể tiếp tục gia tăng, nhất là trong bối cảnh chính sách thương mại khó lường của Tổng thống Trump”, ông lập luận.

Các ngành dễ tổn thương

Trung Quốc trước đây đã đáp trả các biện pháp thuế của Mỹ, áp thuế từ 10-15% đối với nhiên liệu và nông sản của Mỹ như đậu nành, lúa mì và thịt gà. Tuy nhiên, lần này, các biện pháp mới không chỉ ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu mà còn có thể lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.

Các ngành có lợi nhuận thấp và phụ thuộc vào xuất khẩu - như đồ nội thất, dệt may và điện tử - sẽ là những ngành dễ bị tổn thương nhất. Bà Guo cho rằng các nhà xuất khẩu thương mại điện tử của Trung Quốc, đặc biệt là những nền tảng như Shein và Temu, sẽ phải đối mặt với những khó khăn lớn sau khi Chính phủ Mỹ siết chặt các quy định thuế và hải quan.

Nhân viên Bưu điện Mỹ làm việc tại Los Angeles, California. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Nhân viên Bưu điện Mỹ làm việc tại Los Angeles, California. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc hội Mỹ về Trung Quốc, Shein và Temu đã chiếm một phần lớn trong số hơn 1 tỷ bưu kiện nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ trong năm 2023. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử này sẽ gặp phải gián đoạn lớn, khi không chỉ phải chịu thuế mà còn đối mặt với các thủ tục hải quan phức tạp và chi phí cao hơn.

Bà Guo cảnh báo việc kiểm tra bưu kiện có thể kéo dài, khiến các nhà xuất khẩu phải đối mặt với tình trạng hàng hóa bị trì hoãn hoặc nghẽn lại lâu hơn tại các biên giới. Các công ty Trung Quốc vốn đã có lợi nhuận thấp sẽ gặp khó khăn trong việc thu thêm chi phí và một phần chi phí có thể sẽ được chuyển cho người tiêu dùng Mỹ.

Trong những năm qua, một số nhà sản xuất Trung Quốc đã chuyển hướng các lô hàng qua các quốc gia Đông Nam Á để né thuế quan của Mỹ - tận dụng các hiệp định thương mại tự do và chuỗi sản xuất tích hợp trên khắp các quốc gia như Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực này cũng đang phải đối mặt với các mức thuế cao, làm giảm tính khả thi của chiến lược này.

Áp thuế đáp trả?

Quang cảnh cảng hàng hóa tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh cảng hàng hóa tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Các chuyên gia cho rằng, một trong những biện pháp phản ứng có thể của Trung Quốc là nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, đặc biệt là nông sản và năng lượng. Ông Su cho rằng những biện pháp này chủ yếu sẽ gây tổn thất cho các nhà xuất khẩu của Mỹ.

Tuy nhiên, khả năng hành động của Trung Quốc không phải là vô hạn. “Chúng tôi nghĩ rằng nhìn chung, đối với các quốc gia khác, vẫn còn một số cơ hội để họ giảm thuế. Tuy nhiên, điều này không áp dụng đối với Trung Quốc”, bà cho hay.

Trong khi đó, Giáo sư Josef Gregory Mahoney dự báo rằng Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách kết hợp các biện pháp thuế quan trả đũa, các thách thức pháp lý và tăng cường ngoại giao. Ông cũng cho rằng Trung Quốc có thể hợp tác với các quốc gia khác để có những phản ứng hiệu quả hơn trong bối cảnh này.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể tận dụng thời điểm này để gia tăng ảnh hưởng và mở rộng quan hệ đối tác trong khu vực châu Á, nơi nhiều quốc gia đang phản ứng mạnh mẽ với chính sách thuế của Mỹ.

“Với các mức thuế cao nhắm vào Trung Quốc và các nền kinh tế Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á, Bắc Kinh có thể coi đây là cơ hội để cải thiện quan hệ và hội nhập sâu hơn nữa với các nền kinh tế trong khu vực”, ông Mahoney nói.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/trung-quoc-se-hanh-dong-nhu-the-nao-voi-chinh-sach-thue-quan-moi-cua-my-20250403181617759.htm
Zalo