Doanh nghiệp phi nhân thọ tái định vị chiến lược kinh doanh
Khi tăng trưởng không còn dễ dàng buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải tái định vị chiến lược kinh doanh để duy trì và phát triển.

Nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ tiếp tục tập trung khai thác nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trong năm nay
Bảo hiểm xe và sức khỏe trước thách thức mới
Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang trong giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ. Việc hoạt động kinh doanh bị kiểm soát chặt chẽ hơn, sự chững lại của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) và sự gia tăng cạnh tranh từ chính các ngân hàng đang đặt các doanh nghiệp bảo hiểm vào một thế khó khăn hơn.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến cuối tháng 3/2025, tổng doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt 21.775 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bồi thường bảo hiểm gốc ước đạt 5.477 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ bồi thường 25,2% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Bảo hiểm sức khỏe, bao gồm bảo hiểm tai nạn con người và chăm sóc sức khỏe, tiếp tục là nghiệp vụ dẫn đầu với doanh thu 8.113 tỷ đồng, chiếm 37,3% thị phần và tăng 16,9% cùng tỷ lệ bồi thường 20,3%.
Bảo hiểm xe cơ giới, một trong những trụ cột doanh thu, đạt 5.125 tỷ đồng, chiếm 23,5% thị phần và tăng 14,6%, nhưng tỷ lệ bồi thường khá cao, ở mức 39%. Trong đó, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tăng mạnh 43,8% lên 1.569 tỷ đồng, trong khi bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện tăng nhẹ 5,2% lên 3.556 tỷ đồng, nhưng lại có tỷ lệ bồi thường lên tới 50,4%.
Bảo hiểm tài sản và kỹ thuật ghi nhận sự sụt giảm với doanh thu 5.679 tỷ đồng, giảm 3,4% và tỷ lệ bồi thường 25%. Riêng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tăng vọt 61,7% lên 2.764 tỷ đồng, trong khi bảo hiểm cháy nổ tự nguyện giảm mạnh 39,7% xuống còn 1.774 tỷ đồng.
Các nghiệp vụ khác như bảo hiểm tàu (1.006 tỷ đồng, tăng 12,3%), bảo hiểm hàng hóa vận chuyển (844 tỷ đồng, tăng 3,9%) và bảo hiểm bảo lãnh (tăng mạnh 75,9%) cũng ghi nhận những biến động đáng kể.
Đáng chú ý, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới - vốn là mảng đóng góp lớn vào doanh thu, đang đối diện nhiều thách thức sau các đợt thanh tra của cơ quan quản lý và phát hiện sai phạm tại một số doanh nghiệp, bên cạnh thông tin mới đây về việc cơ quan chức năng điều tra các hành vi gian lận bảo hiểm. Trước bối cảnh đó, nhiều công ty bảo hiểm có thể sẽ xem xét lại mục tiêu tăng trưởng nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, cũng như rà soát lại các hoạt động khai thác và kiểm soát rủi ro nội bộ.
Ở mảng khách hàng cá nhân, bảo hiểm sức khỏe cũng gặp khó. Đây là phân khúc đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt qua kênh bancassurance. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng khi nhiều ngân hàng lớn tiếp tục mở rộng hoạt động bảo hiểm nhằm hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ tài chính. Cuộc đua ở phân khúc dẫn đầu doanh thu vì thế sẽ càng khốc liệt hơn trong thời gian tới.
Những mục tiêu tham vọng
Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đang đối diện nhiều thách thức sau các đợt thanh tra của cơ quan quản lý và phát hiện sai phạm tại một số doanh nghiệp, bên cạnh thông tin cơ quan chức năng điều tra các hành vi gian lận bảo hiểm.
Trả lời câu hỏi của cổ đông tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 vừa diễn ra về kế hoạch phát triển mảng nghiệp vụ tạo động lực tăng trưởng chính trong năm nay, ông Trần Hoài An - Tổng giám đốc Bảo hiểm BIDV - BIC (mã chứng khoán BIC) cho biết, trong các năm trước, kênh bancassurance chiếm đến 40-50% tổng doanh số. Năm 2025, ngoài bancassurance có sự chững lại, BIC đang tập trung đẩy mạnh hoạt động liên quan đến bán lẻ và tài sản kỹ thuật.
“Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, các chỉ số liên quan đến bán lẻ và tài sản kỹ thuật đều tăng trưởng tốt, nhưng BIC đặt kỳ vọng cao hơn. Những sản phẩm chính mà BIC tập trung trong thời gian tới là bảo hiểm tài sản kỹ thuật và bảo hiểm xe cơ giới”, ông An nhấn mạnh.
Liên quan tới mảng bảo hiểm sức khỏe cũng như hoạt động bancassurance đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của BIC, nhưng đây cũng là những mảng đang có sự cạnh tranh rất gay gắt vì một số ngân hàng lớn sẽ mở thêm công ty bảo hiểm, lãnh đạo BIC cho hay, thông tin trên thị trường cho thấy, một số ngân hàng như VPBank, Techcombank.. có kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm, đây là hệ sinh thái tất yếu trong lĩnh vực tài chính bảo hiểm ngân hàng. Tuy nhiên, BIC đi theo lộ trình riêng, các sản phẩm bảo hiểm khách hàng cá nhân, so với mọi năm có thể không cao bằng, nhưng vẫn ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
“Về vấn đề cạnh tranh bảo hiểm sức khỏe trong thời gian tới, chúng tôi đánh giá đây là cơ hội cho các công ty bảo hiểm có chính sách xuyên suốt, có quyền lợi khách hàng và mức phí phù hợp thì sản phẩm vẫn tồn tại được”, ông An nhìn nhận.
Một hãng bảo hiểm khác cũng quyết tâm thúc đẩy mảng bảo hiểm xe cơ giới là Bảo hiểm Hàng không - VNI (mã chứng khoán AIC), nay đã đổi tên thành Bảo hiểm DBV. Tại đại hội đồng cổ đông vừa qua, Bảo hiểm DBV đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: Lọt vào tốp 7 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam trong năm 2025, đồng thời quyết tâm giữ vững vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới vốn là thế mạnh cốt lõi của hãng.
Việc Bảo hiểm DBV lên kế hoạch tăng trưởng đột phá trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn và nghiệp vụ bảo hiểm xe cạnh tranh ngày càng khốc liệt gây nhiều ngạc nhiên, nhất là khi nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành có xu hướng thận trọng hơn trong chiến lược kinh doanh, thậm chí phải điều chỉnh giảm kế hoạch tăng trưởng do ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan như biến động kinh tế vĩ mô hay thay đổi trong hành vi người tiêu dùng.
Dù gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng về cơ bản, bảo hiểm cơ giới và sức khỏe vẫn là 2 nghiệp vụ hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm phải tập trung khai thác. Chia sẻ với cổ đông về chiến lược phát triển sản phẩm trong năm nay, bà Hoàng Thị Yến - Tổng giám đốc Bảo hiểm Bưu điện - PTI (mã chứng khoán PTI) nói rằng, Công ty sẽ tiếp tục duy trì năng lực ở các sản phẩm bảo hiểm hướng tới khách hàng cá nhân, bao gồm bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe cá nhân.
Được biết, mục tiêu của hãng bảo hiểm này trong thời gian tới là tiếp cận được 10 triệu khách hàng và theo bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI, đây là tầm nhìn dài hạn. Hiện tại, nhu cầu bảo vệ tài chính của người dân còn rất lớn. Yếu tố then chốt để đạt mục tiêu là khả năng tiếp cận của khách hàng, giá cả hợp lý và sự đa dạng trong lựa chọn sản phẩm.
“Để hoàn thành mục tiêu trên, chúng tôi phải chuẩn bị để khách hàng tham gia và có trải nghiệm tốt nhất, trong khi thị trường có rất nhiều sản phẩm để lựa chọn. PTI hướng tới việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm mang lại giá trị bảo vệ thực sự cho khách hàng. Mục tiêu này không chỉ là con số, mà còn là động lực để đội ngũ phát triển và thu hút nhân tài giải quyết những bài toán khó trong ngành”, bà Hương nhìn nhận.