Doanh nghiệp phân phối xăng dầu lo bị phân biệt đối xử
Các thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu đánh giá dự thảo Nghị định xăng dầu mới có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, có nguy cơ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm.
Mới đây, nhóm thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu đã có văn bản gửi Thủ tướng về các vấn đề liên quan đến việc sửa Nghị định kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 và Nghị định 80/2023.
Theo đó, các thương nhân cho rằng dự thảo mới có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; tạo lợi thế cho các doanh nghiệp lớn có vị thế độc quyền; tạo cơ hội phát sinh tiêu cực, hình thành “lợi ích nhóm”, hạn chế quyền kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Giảm thế độc quyền của các "siêu" doanh nghiệp
Về cơ chế quản lý giá xăng dầu, các thương nhân cho rằng việc tiếp tục duy trì phương pháp ấn định giá bán lẻ bằng mệnh lệnh hành chính, trong khi giá đầu vào nhập khẩu phụ thuộc thế giới là trái với nguyên tắc hạch toán kinh doanh và quy luật thị trường, phương pháp tính giá xăng dầu không bảo đảm minh bạch và cạnh tranh.
Các thương nhân cũng đặt vấn đề trong bối cảnh hiện nay, khi một phần nguồn cung xăng dầu đã được sản xuất trong nước, tại sao vẫn quy định chỉ có thương nhân đầu mối mới được mua từ các nhà sản xuất trong nước mà thương nhân phân phối lại không được.
Dự thảo còn quy định thương nhân đầu mối được mua bán lẫn nhau, bao gồm cả mua từ thương nhân đầu mối khác. Trong khi đó, thương nhân phân phối lại chỉ được mua hay buộc phải mua từ một nguồn duy nhất là thương nhân đầu mối, không được mua bán với nhau.
Với cách thức quy định về quyền kinh doanh tại dự thảo, các doanh nghiệp đầu mối nghiễm nhiên trở thành người lãnh đạo thị trường, khiến các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ rơi vào vị thế phụ thuộc hay làm thuê, trừ các doanh nghiệp là công ty con của thương nhân đầu mối.
Tại Luật Cạnh tranh 2024, một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần và/hoặc 5 doanh nghiệp cùng nhau chiếm 85% thị phần trở lên sẽ trở thành doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
Trong khi đó, thị trường đang có 1 doanh nghiệp "siêu lớn" chiếm tới 51% thị phần từ nhiều năm qua, sở hữu đủ quyền kinh doanh của thương nhân đầu mối, đặc biệt có hệ thống phân phối từ nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ tới tận người tiêu dùng. Ngoài ra, có 6 doanh nghiệp lớn cùng là thương nhân đầu mối đang chiếm 88% thị phần từ nhập khẩu đến bán buôn và bán lẻ.
Từ thực tiễn này, nhóm thương nhân xăng dầu cho rằng thị trường chưa có cơ chế cạnh tranh công bằng.
“Với việc trao quyền quyết định giá, phân phát chiết khấu cho các khâu thì khó có thể cạnh tranh khi thương nhân đầu mối nắm thế điều hành”, các doanh nghiệp thương nhân phân phối nhận định.
Nhóm thương nhân phân phối xăng dầu kiến nghị Chính phủ và các bộ liên quan xem xét có giải pháp làm giảm vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp lớn và "siêu lớn", giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phân phối và bán lẻ không bị thôn tính.
Các doanh nghiệp xăng dầu cũng kiến nghị nghiên cứu việc lập sàn mua bán xăng dầu; cho phép các thương nhân phân phối được mua xăng dầu của nhau như Nghị định 95/2021.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đề xuất bỏ các quy định phân loại thương nhân. Thay vào đó, quy định đối tượng điều chỉnh của Nghị định là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói chung với các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật gắn với các hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, đề xuất xem xét lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì quỹ này không hiệu quả, ít phát huy tác dụng thực chất và tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
Thiết kế Nghị định theo hướng thị trường nhất
Tại Hội nghị trao đổi và thống nhất để hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu diễn ra vào chiều 2/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của xăng dầu trong nền kinh tế.
“Xăng dầu cùng với điện, khí đốt được coi là bánh mì của nền kinh tế. Trong các văn bản quy phạm pháp luật từ trước đến nay đều quy định xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện”, người đứng đầu ngành công thương chia sẻ.
Dù đã tuân thủ những quan điểm cơ bản trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Bộ trưởng Diên cho biết quá trình soạn thảo vẫn tồn tại một số vướng mắc.
Bộ đã tôn trọng 5 nguyên tắc cơ bản trong quá trình soạn thảo và đã được Chính phủ thông qua. Những nguyên tắc này bao gồm xây dựng môi trường cạnh tranh, kế thừa và bổ sung mới những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế.
Nghị định mới sẽ giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp; bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và công tác quản lý Nhà nước; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân; cắt giảm thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp phân quyền.
"Quan điểm của ban soạn thảo là cố gắng thiết kế văn bản theo hướng thị trường nhiều nhất và quản lý Nhà nước tốt nhất", Bộ trưởng nhấn mạnh.