Bộ trưởng GD&ĐT: Chúng tôi cũng không muốn ngành mình có ưu ái bất thường
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giãi bày, ngành giáo dục không muốn có gì đặc quyền, đặc lợi hay ưu ái bất thường. Tuy nhiên thực tế, một phần rất lớn trong số 1,6 triệu nhà giáo vẫn còn ở mức chưa đủ sống.
Sáng 20/11, phát biểu giải trình tại cuối phiên thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, ngày 20/11 năm nay có sự đặc biệt, niềm hạnh phúc của nhà giáo được nhân lên rất nhiều, bởi đúng thời điểm này Quốc hội thảo luận Luật Nhà giáo.
“Chưa nói nội dung, chỉ riêng việc Chính phủ, Quốc hội đồng ý xây dựng luật đã là một sự ghi nhận, động viên to lớn với các nhà giáo,” ông Sơn nói.
Cảm ơn ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, các ý kiến bày tỏ đều thống nhất cao, nhất trí cao về sự ủng hộ dự án Luật này, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với ngành giáo dục.
Một số đại biểu đề nghị nên tăng thêm các nội dung chi tiết, đối tượng, từ ngữ lập pháp để đảm bảo cụ thể hơn, khả thi hơn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, một phần các nội dung này sẽ được chuyển sang các văn bản quy định tại nghị định, thông tư hướng dẫn, theo đúng tinh thần làm luật của Quốc hội lần này.
Theo ông Sơn, với hoạt động của ngành giáo dục, ngoài Luật Nhà giáo còn một luật rất quan trọng, bao trùm khác là Luật Giáo dục; và rất nhiều quy định liên quan đến các hoạt động chuyên môn như dạy học, kiểm tra, đánh giá… Vì vậy riêng Luật Nhà giáo không thể bao quát hết được. “Đồng thời chúng ta cần chấp nhận một vài điểm quy định có thể khác với các luật khác,” ông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn ví dụ, quy định về tuổi nghỉ hưu của nhà giáo sẽ khác với Bộ Luật Lao động; hay việc giáo viên dạy liên trường, thuyên chuyển - một giáo viên làm việc cho hơn một cơ sở sẽ khác với quy định của Luật Viên chức.
“Ở đây các đại biểu thấy một số điểm khác nhưng là để phục vụ cho mục tiêu để phát triển đội ngũ nhà giáo. Cũng mong như đã sửa một số luật, nội dung nào cản trở sự phát triển, dẫu là khác nhưng đem lại điều tốt lành thì sẵn sàng chấp nhận,” Bộ trưởng GD&ĐT nêu quan điểm.
Liên quan nội dung đảm bảo lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, Bộ trưởng Sơn nêu rõ, cơ quan soạn thảo khi xây dựng các văn bản luật, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, đều phải nhìn cùng các ngành khác.
“Chúng tôi cũng không muốn ngành của mình có gì đặc quyền, đặc lợi hay một gì đó ưu ái bất thường. Nhà giáo vốn dĩ là những con người cũng sống trách nhiệm, bao dung, vị tha, không thể nào mình sống sung sướng mà bên cạnh mình người khác nghèo hơn. Tuy nhiên, một phần rất lớn trong số 1,6 triệu nhà giáo vẫn còn ở mức chưa đủ sống. Chưa đủ sống thì không thể toàn tâm, toàn ý cho dạy học được,” ông Sơn nói.
Bộ trưởng GD&ĐT chia sẻ thêm, với một đất nước chưa phải giàu như Việt Nam, khi cần phải ưu tiên thì chắc chắn không thể "dàn hàng ngang cho tất cả được". Do đó, ông cho rằng khi xét là đột phá chiến lược, quốc sách hàng đầu thì dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên.
Việc xác định cụ thể lương thế nào để đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu của nhà giáo, Bộ trưởng cho hay trong dự luật nêu ra một số nguyên tắc, còn Chính phủ sẽ quy định cụ thể.
Có nên xây dựng bảng lương riêng có nhà giáo?
Trong phần thảo luận, rất nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề tiền lương của nhà giáo. GS.TS Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, trong khi đó chúng ta đang áp bảng lương đội ngũ viên chức cho đội ngũ nhà giáo. Vì vậy, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng lương thì vẫn không phù hợp.
Đại biểu cho rằng cần xây dựng bảng lương riêng cho 70% đội ngũ viên chức là nhà giáo để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo. Ông cũng đề xuất nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như đối với sĩ quan trong quân đội. "Chế độ tiền lương cần bù đắp thỏa đáng hao phí lao động, để nhà giáo yên tâm công tác và không phải nghĩ đến việc làm thêm," GS Hoàng Văn Cường nói.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cũng đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả.
Đại biểu Chamaleá Thị Thủy (Đoàn Ninh Thuận) thì cho rằng, để thực hiện được chế độ, chính sách như đề ra tại dự thảo Luật, cần phải căn cứ vào nguồn lực ngân sách và phải có đánh giá tác động chính sách thật kỹ. Chính sách nếu có ưu tiên hơn thì cũng nên đặt trong mối tương quan hài hòa với các đội ngũ trí thức, lực lượng lao động khác của xã hội, những người cùng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cũng có công việc đặc thù, như ngành y tế.
Đại biểu cho rằng cần rà soát lại, chỉ nên quy định ưu tiên với nhà giáo ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn; giáo viên mầm non, giáo viên cho đối tượng khuyết tật.