Doanh nghiệp, người dân ủng hộ và đánh giá cao các giải pháp hỗ trợ thuế, phí

Trong thời gian qua, nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang được Bộ Tài chính tiếp tục triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Thực tế thực hiện tổng số tiền thuế, phí, lệ phí đã giảm đến cuối tháng 6/2024 là khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng.

Thực tế thực hiện tổng số tiền thuế, phí, lệ phí đã giảm đến cuối tháng 6/2024 là khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng.

Khoảng 163 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được giảm, gia hạn

Trong những tháng đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gắn với công tác xây dựng, giao dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm để bảo đảm khả năng cân đối của NSNN cũng như để các địa phương chủ động trong việc thực hiện dự toán cân đối ngân sách địa phương.

Theo đó, tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024 theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng nêu trên. Dự kiến thực hiện giải pháp này số tiền thuế được giảm đối với doanh nghiệp khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu NSNN năm 2024 khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 quy định giảm mức thu phí, lệ phí từ 10% đến 50% nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (có hiệu lực từ 01/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025). Dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024. Theo đó, dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là khoảng 84 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2024 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến thực hiện giải pháp này sẽ gia hạn khoảng 10,7 nghìn tỷ đồng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc thực hiện các giải pháp đã được ban hành của năm 2024 nêu trên, dự kiến số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được giảm, gia hạn cho doanh nghiệp, người dân là khoảng 163 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 95 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 68 nghìn tỷ đồng).

Thực tế thực hiện tổng số tiền thuế, phí, lệ phí đã giảm đến cuối tháng 6/2024 là khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, trong thời gian qua, nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Trong đó, các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn nêu trên đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong quá trình xây dựng các giải pháp nêu trên, Bộ Tài chính đã tham khảo từ kinh nghiệm thực tế và ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong xã hội nhằm đưa các giải pháp nhanh chóng tới được các đối tượng cần hỗ trợ. Đồng thời, trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.

Việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục triển khai các giải pháp bổ sung

Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng cuối năm 2024, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, căng thẳng địa chính trị leo thang, tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc. Nước ta đang tiếp tục đối diện những khó khăn, thách thức do những tác động, ảnh hưởng của các yếu tố bất lợi bên ngoài.

Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính đã và đang chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024; tiếp tục rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước; nghiên cứu việc giảm mức thu lệ phí trước bạ, tiền thuê đất và một số khoản thu phí, lệ phí khác.

Trong trường hợp thực hiện các giải pháp bổ sung nêu trên thì số tiền thuế, phí và lệ phí giảm thêm hơn 30 nghìn tỷ đồng. Về lâu dài, quán triệt các chủ trương, định hướng đã được đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu, tham mưu với các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác như: hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn; tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực của ngành Tài chính. Đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/doanh-nghiep-nguoi-dan-ung-ho-va-danh-gia-cao-cac-giai-phap-ho-tro-thue-phi.html
Zalo