Doanh nghiệp ngành gỗ: Củng cố nội lực, thích ứng thách thức
Triển vọng xuất khẩu trong năm 2025 của ngành gỗ rất khả quan, tuy vậy những thay đổi về chính sách thương mại ở các thị trường quan trọng như Mỹ, Liên minh châu Âu cũng tạo ra không ít thách thức cho mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp và cả ngành gỗ. Để thích ứng với những thay đổi, doanh nghiệp ngành gỗ đã và đang chủ động đổi mới sản xuất, tích cực tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hoạt động sản xuất sản phẩm gỗ tại Công ty TNHH Hiệp Long (TP.Thuận An)
Chủ động thích ứng
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết ngành gỗ của Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng trong thời gian tới vẫn có nhiều triển vọng trên thị trường xuất khẩu khi nhu cầu của thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam là Hoa Kỳ phục hồi, cùng với đó các doanh nghiệp (DN) cũng tích cực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới. Tuy vậy, phía trước vẫn còn không ít rủi ro, nhất là trong giai đoạn mà vấn đề phòng vệ thương mại, thuế quan giữa các quốc gia, khu vực đang đặt ra nhiều thách thức với DN gỗ trong nước.
“Theo chúng tôi, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 được dự báo tích cực, mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ đô la Mỹ mà Tổng cục Lâm nghiệp đề ra là có thể đạt được. Về phía BIFA, chúng tôi đang nỗ lực để có thể giữ vững mức tăng trưởng trong năm 2024 bằng cách hóa giải những thách thức đang đặt ra, trong đó chú trọng giải pháp phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao ” .
(Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch BIFA)
Ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần S Furniture (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng), nhận định mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ đô la Mỹ trong năm 2025 của ngành gỗ Việt Nam có thể đạt được. Bởi thời điểm này, đơn hàng của các DN ngành gỗ trong nước, trong đó có S Furniture đang tăng mạnh. Công ty kỳ vọng giá trị xuất khẩu sẽ tăng trưởng 25 - 30% trong năm nay.
“Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các sản phẩm nội, ngoại thất, yêu cầu phải bảo đảm tính thẩm mỹ và độ bền cao. Trong bối cảnh đó, công ty tích cực tìm hiểu phong cách, lối sống, kiến trúc nhà ở của khách hàng. Từ đó, không chỉ đổi mới các thiết kế, công ty còn đầu tư nghiên cứu để phát triển sản phẩm phù hợp với xu hướng của khách hàng”, ông Huỳnh Thanh Vạn cho biết.
Gia tăng nội lực
Theo ông Huỳnh Thanh Vạn, thị trường Hoa Kỳ dự báo năm nay nhu cầu nhập khẩu sản phẩm gỗ khoảng 300 tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó, hiện nay dù Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nói chung, của ngành gỗ nói riêng nhưng giá trị xuất khẩu gỗ vào thị trường này mới chiếm tỷ trọng nhỏ so với nhu cầu nói trên. Tuy vậy, để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này đòi hỏi DN ngành gỗ phải đầu tư vào chuỗi cung ứng bền vững và truy xuất nguồn gốc rõ ràng; đồng thời xây dựng đội ngũ thiết kế, marketing chuyên nghiệp để DN có thể bán hàng trực tiếp ra nước ngoài bằng thương hiệu của chính mình, không qua khâu trung gian nhằm tiết giảm chi phí, giảm sự phụ thuộc, tăng tính chủ động cho DN khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, các DN gỗ Việt Nam phải đạt được các chứng chỉ như BSCI, SMETA, FSC, COC… Đây là những chứng chỉ về quy định, tiêu chuẩn khi xuất khẩu hàng sang những thị trường khó tính; nếu không đạt được các tiêu chuẩn này thì sẽ mất cơ hội xuất hàng vào thị trường rất nhiều tiềm năng này.
Ông Bùi Như Việt, Phó Chủ tịch BIFA, cho hay hiện nay nội lực và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế của ngành gỗ Việt Nam còn không ít hạn chế. Cùng với đó, những chính sách thuế quan từ thị trường nhập khẩu cũng là thách thức mà DN phải vượt qua. Để giải quyết những khó khăn, thách thức, ngành gỗ cần nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết DN, liên kết các hiệp hội ngành nghề chế biến gỗ tại các địa phương lại với nhau. Các giải pháp này sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam đáp ứng thêm những quy chuẩn ngày càng cao của thị trường xuất khẩu, giúp nâng cao thương hiệu gỗ Việt trên thị trường.
“BIFA sẽ tiếp tục phối hợp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc cho người lao động ngành gỗ. Đây là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ DN giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực đối với các vị trí yêu cầu trình độ kỹ thuật cao như thiết kế, vận hành máy móc hiện đại trong ngành gỗ, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. BIFA và các DN thành viên cũng sẽ thực hiện dự án về gỗ kỹ thuật, xác định xu hướng phát triển bền vững trong ngành gỗ và tiềm năng thị trường cho sản phẩm gỗ kỹ thuật trong tương lai”, ông Bùi Như Việt cho hay.
Hiện nay, ngành công thương đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước; tích cực cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngành công thương cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; tăng cường thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, DN…