Từ chối 'làm sếp': Gen Z tái định nghĩa sự thành công trong công việc
Trong nhiều thập kỷ, việc thăng tiến lên vị trí quản lý được xem là thước đo thành công trong sự nghiệp, là minh chứng cho năng lực và sự nỗ lực của một cá nhân. Tuy nhiên, một xu hướng mới đang dần hình thành khi ngày càng nhiều người trẻ thuộc thế hệ Gen Z từ chối 'làm sếp'.
Một hệ quy chiếu mới về thành công và sự nghiệp
Với các thế hệ trước, việc vươn lên vị trí cấp quản lý thường được coi là dấu mốc vàng trong sự nghiệp. Nhưng trong suy nghĩ của nhiều bạn trẻ Gen Z, đây chỉ là phần rất nhỏ của một bức tranh tổng thể. Nam Thắng (22 tuổi) chia sẻ: “Thay vì theo đuổi chức danh và quyền hạn, mình lại ưu tiên sức khỏe cá nhân hơn. Nếu như được đề bạt lên cấp quản lý với mức lương cao nhưng phải đánh đổi lớn về mặt thể chất, tinh thần thì mình cũng không làm”.
Chia sẻ từ Thắng cũng là xu hướng chung của Gen Z ngày nay. Cụ thể, một khảo sát gần đây của The Robert Walters cho thấy: 72% người trẻ thuộc thế hệ Gen Z ưu thích nâng cao kỹ năng chuyên môn, mở rộng cơ hội nghề nghiệp theo cách riêng thay vì gánh vác trách nhiệm điều hành một đội nhóm.

Chức danh "quản lý" đã không còn là điều Gen Z khao khát nhất khi nhắc đến sự nghiệp. Ảnh: Ripplematch
Trên các diễn đàn thảo luận trực tuyến và mạng xã hội, nhiều người trẻ chia sẻ rằng họ không ngại thử thách hay cống hiến cho công việc nhưng không muốn đánh đổi sự cân bằng trong cuộc sống để nhận lấy những trách nhiệm nặng nề đi kèm với chức danh quản lý. Với họ, thành công không chỉ gói gọn trong việc có một vị trí cao trong các công ty, doanh nghiệp mà là có một cuộc sống ý nghĩa, giàu trải nghiệm và ít căng thẳng.
"Làm sếp" có thực sự đáng giá?
Nhiều Gen Z nhìn nhận mức lương cao hơn cũng không đủ để bù đắp cho những gánh nặng đè lên vai người quản lý. Áp lực từ việc đảm bảo hiệu suất của đội nhóm, chịu trách nhiệm với những quyết định quan trọng và đối mặt với căng thẳng nội bộ khiến nhiều người trẻ cảm thấy vị trí này không thực sự hấp dẫn.
Phương Linh (25 tuổi) bày tỏ: “Mình thấy làm quản lý thì phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm hơn: từ việc điều phối nhân sự, xử lý khủng hoảng, đến việc luôn phải sẵn sàng giải quyết công việc ngoài giờ. Nhưng công sức bỏ ra thì ít khi nhận được phần thưởng tương xứng. Vậy nên mình khá e dè với chức danh quản lý”.
Bên cạnh đó, nhiều Gen Z cũng cho biết họ hiểu rõ sự khác biệt giữa giỏi chuyên môn và giỏi quản lý nhân sự. Đây cũng chính là lý do khiến không ít Gen Z từ chối công việc “làm sếp”. Đối với họ, không làm quản lý không có nghĩa là thiếu tham vọng mà là đang chọn một con đường phù hợp hơn với giá trị và mong muốn của mình.

Nhiều bạn trẻ Gen Z không đảm nhiệm vai trò quản lý vì nhận thức rõ ràng sự khác biệt giữa người giỏi chuyên môn và người giỏi quản lý. Ảnh minh họa
Khi chức quản lý cũng không thể đảm bảo cho một sự nghiệp ổn định
Trước đây, trở thành quản lý thường được xem là một bước tiến an toàn trong sự nghiệp. Tuy nhiên, thực tế ngày nay đã thay đổi. Năm 2024, Meta và Citigroup đã thực hiện các đợt cắt giảm nhân sự lớn, trong đó 30% số nhân sự bị sa thải là các vị trí quản lý cấp trung. Điều này cho thấy ngay cả những vị trí từng được xem là "bảo chứng" cho sự ổn định cũng không còn an toàn trước những biến động của thị trường lao động.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ và AI đang khiến nhiều công ty tinh gọn bộ máy nhân sự, giảm bớt số lượng quản lý cấp trung để tăng hiệu suất làm việc. Gen Z, thế hệ vốn đã chứng kiến những đợt sa thải hàng loạt trong và sau đại dịch COVID-19, đã không còn đặt niềm tin tuyệt đối vào các doanh nghiệp, công ty hay tổ chức lớn.

Làn sóng sa thải nhiều quản lý cấp trung trên thế giới đã khiến Gen Z không còn tin tưởng vào sự ổn định của vị trí này. Ảnh minh họa
Đồng thời, thế hệ này cũng nhận thức rõ rằng việc leo lên cấp bậc quản lý không đồng nghĩa với sự đảm bảo dài hạn cho công việc. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, nhiều người đã bắt đầu tìm đến những con đường khác như làm freelancer, khởi nghiệp hoặc phát triển thương hiệu cá nhân và trở thành KOL/KIC trên nền tảng Tiktok, Youtube hay Thread.
Thực tế này cho thấy Gen Z không phải là thế hệ lười biếng. Họ vẫn muốn phát triển, nhưng theo một cách khác với những thế hệ trước.