Doanh nghiệp ngành điện, điện tử đẩy mạnh tuyển dụng lao động có tay nghề

Thị trường lao động Việt Nam những tháng đầu năm 2025 trở nên sôi động, đặc biệt trong lĩnh vực điện, điện tử. Các doanh nghiệp không chỉ đẩy mạnh sản xuất nhằm tận dụng đà phục hồi kinh tế, mà còn tăng tốc tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, bài toán thiếu hụt lao động có tay nghề vẫn là thách thức lớn.

Theo báo cáo thị trường lao động quý I/2025, nhu cầu tuyển dụng lao động ngành điện, điện tử tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2024. Các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Foxconn, Intel... liên tục đăng tin tuyển dụng kỹ thuật viên điện tử, công nhân lắp ráp, kiểm soát chất lượng và kỹ sư điện – tự động hóa. Điều này cho thấy nhu cầu tuyển lao động đang rất sôi động và các doanh nghiệp đang phải vào giai đoạn nước rút hoàn thành các đơn hàng cho đối tác. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho thị trường lao động cũng như thấy được sức khỏe của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, xuất khẩu

Các doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, xuất khẩu

Bà Nguyễn Thanh Hương, Trưởng phòng Nhân sự Công ty điện tử Wintech Việt Nam cho biết, chúng tôi đang cần bổ sung ít nhất 2.000 lao động trong quý II này. Nhu cầu chủ yếu là công nhân lắp ráp và kỹ thuật viên sản xuất. Các đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh, nên nếu không tuyển kịp, chúng tôi sẽ khó đáp ứng tiến độ giao hàng.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, nhiều công ty phụ trợ trong chuỗi cung ứng điện tử cũng mở rộng tuyển dụng để đón đầu các dự án đầu tư mới. Đây được xem là tín hiệu tích cực đối với thị trường lao động Việt Nam.

Tuy nhu cầu tuyển dụng lớn, song thực tế, nhiều doanh nghiệp lại đang khát lao động có tay nghề. Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP. Hồ Chí Minh, hiện tại, hơn 50% vị trí kỹ thuật viên yêu cầu người lao động phải có bằng trung cấp, cao đẳng ngành điện – điện tử hoặc có kinh nghiệm thực tiễn vận hành dây chuyền tự động hóa.

Nhiều doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động có tay nghề cao

Nhiều doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động có tay nghề cao

Ông Trần Minh Đức, Giám đốc sản xuất tại một doanh nghiệp FDI ở Bắc Ninh chia sẻ, nguồn lao động phổ thông thì dễ tuyển, nhưng lao động kỹ thuật, đặc biệt là những người biết vận hành thiết bị tự động hóa, hiểu về robot công nghiệp lại cực kỳ khan hiếm. Nhiều khi, chúng tôi phải chấp nhận tuyển người chưa đủ chuẩn và tự đào tạo lại từ đầu.

Hiện nay, mức lương phổ biến trong ngành này dao động từ 8 – 12 triệu đồng/tháng cho công nhân lắp ráp, từ 15 – 25 triệu đồng/tháng cho kỹ thuật viên và kỹ sư tùy vào kinh nghiệm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn áp dụng chính sách thưởng quý, thưởng Tết, hỗ trợ ăn ở, đóng bảo hiểm đầy đủ để thu hút và giữ chân người lao động.

Nhiều công ty phụ trợ trong chuỗi cung ứng điện tử cũng mở rộng tuyển dụng

Nhiều công ty phụ trợ trong chuỗi cung ứng điện tử cũng mở rộng tuyển dụng

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, giảng viên Trường Đại học Lao động – Xã hội, ngành điện, điện tử là một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế, nhu cầu tuyển dụng sẽ còn tăng mạnh trong 5–10 năm tới. Người lao động trẻ nếu được đào tạo bài bản, trang bị kỹ năng công nghệ, tự động hóa sẽ có cơ hội việc làm rất lớn với mức thu nhập hấp dẫn. Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, doanh nghiệp ngày càng ưu tiên tuyển dụng những ứng viên có khả năng sử dụng phần mềm kỹ thuật, ngoại ngữ cơ bản (tiếng Anh hoặc tiếng Hàn) để làm việc trong môi trường quốc tế.

Mặc dù thị trường tuyển dụng khởi sắc, nhưng tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề vẫn khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Nhiều nhà máy phải cạnh tranh gay gắt để giành nhân lực chất lượng cao, thậm chí chấp nhận "săn" lao động từ các công ty đối thủ. Ngoài ra, theo một số chuyên gia, chênh lệch cung – cầu lao động sẽ còn kéo dài nếu hệ thống giáo dục nghề nghiệp không kịp thời điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế.

Ông Nguyễn Văn Hải, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đào tạo nghề cho lĩnh vực điện tử, tự động hóa. Đồng thời, cần tăng cường kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp để sinh viên ra trường đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc.

Tín hiệu rất đáng mừng cho thị trường lao động

Tín hiệu rất đáng mừng cho thị trường lao động

Sự bùng nổ nhu cầu tuyển dụng trong ngành điện, điện tử không chỉ mở ra cơ hội việc làm cho hàng vạn lao động, mà còn đặt ra yêu cầu cấp bách về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nếu giải quyết tốt bài toán kỹ năng và đào tạo, ngành điện tử Việt Nam sẽ có cơ hội vươn lên mạnh mẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu trong những năm tới.

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-nganh-dien-dien-tu-day-manh-tuyen-dung-lao-dong-co-tay-nghe-163525.html
Zalo