Doanh nghiệp lương thực, thực phẩm hướng đến xuất khẩu bền vững

Ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh phát triển bền vững, hướng đến sản phẩm chất lượng cao và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Thành phố đang giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt trong xu thế xuất khẩu toàn cầu.

Các ngành hàng lượng thực, thực phẩm mong muốn được tiếp cận vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Các ngành hàng lượng thực, thực phẩm mong muốn được tiếp cận vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tháo gỡ khó khăn

Ngành chế biến lương thực, thực phẩm hiện chiếm từ 14 - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh, đồng thời được xác định là một trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu cần ưu tiên phát triển. Đây cũng là lĩnh vực đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, bởi không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn góp phần nâng cao tăng trưởng GDP và vị thế hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, sản phẩm lương thực, thực phẩm Việt Nam ngày càng được đánh giá cao về chất lượng và giá thành hợp lý, không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa, mà còn hiện diện ngày càng nhiều tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Đặc biệt, tại TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, các doanh nghiệp ngành này đang nắm giữ nhiều lợi thế về công nghệ, logistics và khả năng thích ứng nhanh với thị trường. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các doanh nghiệp, họ vẫn đang khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm các ngân hàng có lãi suất thấp hơn để giảm áp lực chi phí vay vốn.

Trước thực tế này, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã và đang chủ động thực hiện hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc hỗ trợ vốn vay cho nhóm ngành lương thực, thực phẩm theo Quyết định số 4700/QĐ-UBND do UBND TP Hồ Chí Minh ban hành vào tháng 10/2024 về “Chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Chiến lược đặt mục tiêu thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa kênh phân phối và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng vươn xa của sản phẩm Thành phố.

Các doanh nghiệp mong muốn xuất khẩu với giá trị cao để mang lại nhiều lợi ích cho nông dân.

Các doanh nghiệp mong muốn xuất khẩu với giá trị cao để mang lại nhiều lợi ích cho nông dân.

Trong khi đó, để tháo gỡ khó khăn về vốn cho ngành lương thực, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 1595/NHNN-TD, đề nghị các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 13, 14, 15 cung ứng vốn tín dụng phục vụ sản xuất, chế biến, thu mua tạm trữ và xuất khẩu gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chủ động cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, tiêu thụ (trong nước, xuất khẩu) lúa, gạo trong năm 2025, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ Đông Xuân tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để tạo điều kiện hỗ trợ nông dân tái vụ, qua đó, không để xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không được tiếp cận hoặc chậm tiếp cận vốn vay do các điều kiện và thủ tục phiền hà.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp trong ngành hiện đang rất cần các kênh hỗ trợ về vốn, hỗ trợ về kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm và học hỏi, đổi mới công nghệ để gia tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa nhóm sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến với quy mô bài bản và hiệu quả hơn, chú trọng vào quảng bá thương hiệu, tạo ra nhiều cơ hội gặp gỡ đối tác chiến lược cho doanh nghiệp, từ đó giúp mở rộng thị trường và củng cố vị thế ngành lương thực - thực phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hướng tới xuất khẩu bền vững

Theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, với mục tiêu phát triển ngành lương thực, thực phẩm theo hướng xanh, an toàn và bền vững, ngành đang được định hướng tập trung vào sản phẩm chủ lực có khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt chuẩn an toàn thực phẩm và ứng dụng công nghệ cao vào chế biến tinh, thay vì phụ thuộc vào các sản phẩm sơ chế giá trị thấp như trước đây.

Theo đó, dự kiến đến năm 2050, ngành chế biến lương thực, thực phẩm Thành phố sẽ đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng từ 7,5 - 8,5% mỗi năm, với tỷ trọng đóng góp vào ngành công nghiệp thành phố duy trì ở mức 14 - 15%. Đồng thời, tỷ lệ giá trị công nghiệp công nghệ cao trong ngành dự kiến chiếm tối thiểu 50%, phản ánh xu thế chuyển dịch sang mô hình sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường và đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường xuất khẩu.

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm sạch tại hệ thống siêu thị để đảm bảo sức khỏe.

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm sạch tại hệ thống siêu thị để đảm bảo sức khỏe.

Một trong những bước đi cụ thể để thúc đẩy chiến lược này là tổ chức các sự kiện xúc tiến quy mô lớn. Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Hội Lương thực, Thực phẩm TP Hồ Chí Minh tổ chức Triển lãm Quốc tế ngành lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh 2025 (HCMC FOODEX 2025). Sự kiện quy tụ gần 400 đơn vị đến từ Việt Nam và các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia… với khoảng 500 gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm, công nghệ và giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực chế biến, bảo quản và phân phối thực phẩm.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sự kiện xúc tiến như trên không chỉ giúp giới thiệu tổng thể năng lực phát triển ngành mà còn tạo nền tảng cho việc tìm kiếm đối tác, thu hút đầu tư và khẳng định thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế. Vừa qua, TP Hồ Chí Minh cũng đang tăng cường các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đổi mới máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng thương hiệu. Môi trường kinh doanh minh bạch, hạ tầng logistics phát triển và khả năng kết nối vùng nguyên liệu với các tỉnh, thành lân cận là những lợi thế giúp ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm thành phố đứng trước nhiều cơ hội đột phá.

"Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng và yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao năng lực quản trị và đẩy mạnh chuyển đổi số. Đây chính là những yếu tố then chốt để không chỉ vượt qua thách thức ngắn hạn mà còn kiến tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn cho ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh trên bản đồ kinh tế quốc tế", bà Trần Thị Diệu Thúy cho biết thêm.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/doanh-nghiep-luong-thuc-thuc-pham-huong-den-xuat-khau-ben-vung-20250506163045414.htm
Zalo