Doanh nghiệp logistics chuyển mạnh sang số hóa

Doanh nghiệp ngành logistics đang đầu tư mạnh cho chuyển đổi số để giảm chi phí dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cảng Quốc tế Cái Mép. Ảnh: Huỳnh Sơn - TTXVN

Cảng Quốc tế Cái Mép. Ảnh: Huỳnh Sơn - TTXVN

Việt Nam hiện nay đang là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á (khoảng 43,9 triệu người), do vậy dịch vụ logistics đáp ứng cho nhu cầu ngành thương mại điện tử rất cần thiết. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp ngành logistics đã và đang đầu tư mạnh chuyển đổi số qua đó giảm chi phí dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng tốt hơn cơ hội phát triển thị trường, giúp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Bà Võ Thị Phương Lan, Tổng Giám đốc ASL Logistics cho biết, với nền tảng số, doanh nghiệp có thể quản lý chi phí và tối ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, từ lên kế hoạch vận chuyển đến theo dõi, quản lý và cải thiện hiệu quả vận hành. Đây là giải pháp đột phá được kỳ vọng giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu tối ưu hóa chi phí vận chuyển và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo ông Đỗ Hoàng Phương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PPL, nhờ chuyển đổi số, công ty có thể giảm thời gian vận chuyển, hạn chế lãng phí và đảm bảo thiết bị đến đúng tiến độ từ đó tạo sự tin tưởng cho khách hàng và đối tác, giúp công ty nổi bật trên thị trường logistics bền vững.

“Tối ưu hóa quy trình và tiết kiệm nhiên liệu thông qua xanh hóa và chuyển đổi số có thể giảm đáng kể chi phí vận hành dài hạn, mang lại lợi thế tài chính và khả năng đầu tư vào các giải pháp công nghệ mới”, ông Đỗ Hoàng Phương bày tỏ.

Mới đây, tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), thương hiệu chuyển phát nhanh J&T Express Việt Nam đã khai trương trung tâm trung chuyển lớn nhất miền Bắc với diện tích 38.000 m2 với 23 cổng hàng vào và 150 cổng hàng ra, trung tâm có hàng chục băng chuyền và khu vực xử lý hàng hóa hiện đại.

Cảng Quốc tế Cái Mép. Ảnh: Huỳnh Sơn - TTXVN

Cảng Quốc tế Cái Mép. Ảnh: Huỳnh Sơn - TTXVN

Đáng lưu ý, tại đây trang bị các lớp kiểm soát bằng hệ thống máy DWS tích hợp tự động quét mã hàng, cân nặng và kiểm tra kích thước; hệ thống ma trận phân loại hàng tự động giúp quá trình hàng vào và ra chỉ trong 3-5 phút với độ chuẩn xác tới 99%. Các hệ thống này phục vụ tối ưu cho lượng hàng hóa lớn, kể cả trong dịp cao điểm với công suất 2,4 triệu bưu kiện/ngày.

Trước đó, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel đã khai trương Công viên logistics Viettel tại Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn với diện tích 143,7 ha, xử lý 1.500 xe thông quan mỗi ngày. Đây là trung tâm logistics đầu tiên tại Việt Nam cung cấp chuỗi dịch vụ logistics xuất, nhập khẩu toàn trình. Đặc biệt, trung tâm điều hành của công viên này sử dụng công nghệ digital twin, số hóa dữ liệu từ thiết bị IoT kết nối Internet, giúp giám sát hiệu suất, lưu lượng hàng hóa, phương tiện, đồng thời dự đoán lưu lượng và cảnh báo sự cố tiềm ẩn…

Theo các chuyên gia, ngành logistics Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, với 68% công ty đầu tư vào công nghệ mới. Các đổi mới chính bao gồm hệ thống quản lý, vận hành kho bãi, điểm trung chuyển và vận tải, dự báo dựa trên trí tuệ nhân tạo AI; các giải pháp theo dõi lộ trình dựa trên Internet vạn vật…

Khảo sát của Dự án Thương mại số tại Việt Nam với sự hợp tác giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Công Thương Việt Nam công bố mới đây cho hay, doanh nghiệp đã từng bước đầu tư công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, giải pháp và hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi số ngày càng đa dạng, điển hình như nhóm doanh nghiệp cảng có 67% đơn vị được khảo sát áp dụng chuyển đổi số tổng thể; 50% có kết nối khách hàng và nhà cung cấp, áp dụng phần mềm cảng thông minh và các phần mềm chức năng; 67% doanh nghiệp dành ngân sách từ 1 đến 5 tỷ đồng/năm cho chuyển đổi số…

Tuy nhiên, trong số hơn 35.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam có trên 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo phân tích của bà Phạm Thị Lan Hương, Chuyên gia trong nước, Dự án Thương mại số tại Việt Nam của USAID, đa phần doanh nghiệp logistics tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số. Nguồn vốn và sự đầu tư nguồn lực, ngân sách cho hoạt động chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu nhân sự có năng lực chuyên môn là những rào cản chính của doanh nghiệp logistics hiện nay, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược/kế hoạch chuyển đổi số, thể hiện vai trò của tất cả các bộ phận trong kế hoạch đó đồng thời, truyền thông đầy đủ và xây dựng cơ chế KPI cho các đầu mục công việc về chuyển đổi số; chia nhỏ mục tiêu chuyển đổi số, làm từ những ứng dụng đơn giản trước.

Theo ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch VLA, đây là thời điểm doanh nghiệp logistics Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi số và tái cấu trúc mô hình kinh doanh để bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu. Đầu tư vào công nghệ mới, cải tiến quy trình vận hành và tăng cường liên kết trong hệ sinh thái logistics là yếu tố quyết định để doanh nghiệp có thể bứt phá.

Mặt khác, Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thông qua việc đẩy nhanh quá trình số hóa trong quản lý logistics, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng hạ tầng. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp logistics trong nước có thêm động lực và điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn.

Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200 ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ là “Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn”. Bên cạnh đó, theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là một trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.

"Là một trong những ngành then chốt, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh chuyển đổi số để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác. Việc ứng dụng công nghệ trong logistics sẽ mang lại nhiều lợi ích, tối ưu hiệu quả, từ đó góp phần giảm chi phí logistics nói chung cho toàn bộ nền kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu trọng yếu của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với Việt Nam khi mà chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao", ông Trần Thanh Hải thông tin.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-logistics-chuyen-manh-sang-so-hoa/363251.html
Zalo