Nghị quyết 68: Dấu mốc phát triển kinh tế tư nhân

Nghị quyết 68-NQ/TW được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một dấu mốc quan trọng để khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam bứt phá trong giai đoạn tới.

Văn kiện quan trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68-NQ/TW” do Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức vào sáng 13/5, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng: Nghị quyết 68-NQ/TW là một văn kiện quan trọng, thể hiện chủ trương thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, là một dấu mốc quan trọng cho kinh tế tư nhân Việt Nam bứt phá.

Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68-NQ/TW” do Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức vào sáng 13/5. Ảnh: NH

Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68-NQ/TW” do Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức vào sáng 13/5. Ảnh: NH

Cũng đánh giá cao tinh thần tại Nghị quyết 68, PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định: Nghị quyết 68 là một văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện nhận thức và khẳng định rõ ràng quan điểm của Đảng về vai trò thiết yếu của kinh tế tư nhân trong thời đại mới.

“Đặc biệt, Nghị quyết đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, điều mà trước đây còn nhiều tranh luận. Đây là sự chuyển biến căn bản trong tư duy phát triển, góp phần mở rộng động lực đưa đất nước đi lên” - PGS.TS Trần Quốc Toản khẳng định.

Phát biểu tại Tọa đàm, Tổng Biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, ông Hoàng Anh Minh nhận định, kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển và những thành tựu rất quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước.

Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân có một số điểm mới quan trọng, xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Về chính sách, Nghị quyết đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, như: Tài chính, đất đai, pháp lý… Đồng thời, đề xuất các biện pháp để phát triển doanh nghiệp tư nhân như đào tạo giám đốc điều hành, hỗ trợ thực chất và hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đặc biệt, ông Hoàng Anh Minh cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm trong một bài viết đã nhấn mạnh Nghị quyết 68-NQ/TW là “một bước ngoặt lịch sử thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và kỳ vọng rằng kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.

Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP. Ảnh NH

Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP. Ảnh NH

Hiện thực hóa mục tiêu lớn

Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Quốc Toản, nhìn vào thực tiễn phát triển thời gian qua, kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế, những hạn chế này chủ yếu do 3 nguyên nhân lớn, bao gồm: Nhận thức chưa đầy đủ và chưa thống nhất về vai trò của kinh tế tư nhân; thể chế, chính sách và bộ máy thực thi còn nhiều điểm nghẽn, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; bản thân khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn yếu, tiềm lực hạn chế, chưa thực sự trở thành lực lượng đủ mạnh.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045, có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Theo các chuyên gia kinh tế, các mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết 68 là vô cùng thách thức với khu vực kinh tế tư nhân. Trên cơ sở đó, PGS.TS Trần Quốc Toản cho rằng: Kinh tế tư nhân không phát triển mạnh nếu không giải được các "bài toán" lớn như: Khó khăn trong tiếp cận đất đai; tiếp cận tín dụng còn hạn chế; chính sách công nghệ thiếu lực đẩy và sự liên kết chuỗi còn rời rạc.

Theo đó, PGS.TS Trần Quốc Toản cho rằng, cần có cơ chế tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi cung ứng, phát triển mô hình liên kết sản xuất theo kiểu hình chóp như tại Đức, nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ hỗ trợ nhau trong chuỗi giá trị.

"Đồng thời, cần cải cách hành chính triệt để, giảm thiểu các thủ tục rườm rà gây cản trở và xây dựng văn hóa kinh doanh minh bạch, có đạo đức. Bởi nếu không xây dựng được môi trường kinh doanh lành mạnh, chúng ta sẽ không thể cạnh tranh với thế giới" - PGS. TS Trần Quốc Toản khẳng định và cho rằng: Cần đào tạo đội ngũ doanh nhân có trình độ, có tầm nhìn và đạo đức nghề nghiệp. Nhà nước cần đóng vai trò chủ động trong việc hình thành lớp doanh nhân mới, đủ sức gánh vác trọng trách phát triển kinh tế tư nhân từ đó thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Cùng quan điểm trên, TS Lê Xuân Nghĩa chỉ ra, để phát triển kinh tế tư nhân, bên cạnh vấn đề nâng cao chất lượng thể chế, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính, nhất là nguồn tài chính để đầu tư cho khoa học - công nghệ.

Trong đó, để giải quyết vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia như Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… Chính phủ cần đóng vai trò chủ lực trong hỗ trợ kinh phí nghiên cứu và phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân.

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước…

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghi-quyet-68-dau-moc-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-387328.html
Zalo