Doanh nghiệp FDI lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam

Năm 2024, thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng và giữ được niềm tin của các nhà đầu tư, là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong bối cảnh lĩnh vực này vẫn diễn ra đầy thách thức và cạnh tranh gay gắt.

Kết quả đạt được trong năm 2024 là tiền đề cho năm 2025 với kỳ vọng rộng mở cơ hội thu hút FDI thế hệ mới, thông qua những dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, tạo động lực cho tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Tiếp tục là điểm đến hấp dẫn

Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 4/2024 cho thấy, các doanh nghiệp châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam. Sự gia tăng rõ rệt về niềm tin này phản ánh sự công nhận rộng rãi về quá trình chuyển đổi chính trị và kinh tế của đất nước trong suốt những năm qua. GDP của đất nước vẫn tiếp tục trên đà tăng trưởng càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong thương mại và đầu tư khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, điểm nổi bật nhất là 75% lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết họ sẽ giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư lý tưởng.

Doanh nghiệp FDI đánh giá tích cực về môi trường và sức hấp dẫn của Việt Nam.

Doanh nghiệp FDI đánh giá tích cực về môi trường và sức hấp dẫn của Việt Nam.

Dữ liệu này nhấn mạnh sự công nhận ngày càng gia tăng về tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam như một trung tâm đầu tư trong khu vực Đông Nam Á. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng đang mở rộng, Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp châu Âu muốn mở rộng hoạt động tại khu vực này.

“Niềm tin ngày càng tăng cao của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn chính là minh chứng cho nền tảng vững chắc của đất nước trong cả thương mại và chính sách kinh tế”, Chủ tịch EuroCham nhận xét. "Mặc dù đối mặt với những thách thức toàn cầu, môi trường đầu tư tích cực của Việt Nam vẫn đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ, sản xuất, du lịch và năng lượng tái tạo”.

Cùng với đó, ông Thue Quist Thomasen, CEO của Decision Lab nhận định, các doanh nghiệp châu Âu ngày càng đánh giá tích cực về Việt Nam như một điểm hút các dự án đầu tư nước ngoài. Theo đó, phần lớn các doanh nghiệp đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Khoảng 1 trong 4 doanh nghiệp cho biết họ đang cân nhắc hợp tác với các nhà máy sản xuất hoặc nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam, trong khi hơn một phần năm số doanh nghiệp tham gia khảo sát mong muốn mở rộng sự hiện diện của mình tại quốc gia này. Thêm vào đó, 30% các doanh nghiệp khác dự định tăng cường các hoạt động nhập khẩu/xuất khẩu và/hoặc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng những lợi thế thương mại mà quốc gia này mang lại. Động thái này phù hợp với xu hướng chuyển dịch thương mại toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các gián đoạn gần đây đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga cho rằng, hoạt động đầu tư nước ngoài diễn ra tích cực, là điểm sáng trong năm 2024 vừa qua. Trong đó, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2024 giải ngân đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước. Lượng vốn FDI giải ngân tăng khá mạnh và là số vốn thực tế mà nhà đầu tư bỏ ra triển khai dự án tại Việt Nam, điều đó cho thấy niềm tin vào tương lai, tâm lý muốn gắn bó lâu dài của giới đầu tư quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp châu Âu cũng cho rằng, sự gia tăng niềm tin kinh doanh có thể được lý giải nhờ vào nhiều yếu tố, đặc biệt là những cải cách kinh tế đang diễn ra tại Việt Nam và vai trò trung tâm của đất nước trong xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhận định “chuyển đổi kép” - quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - đóng vai trò quan trọng cho những đánh giá tích cực.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn cho biết, thời gian qua, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đánh giá tích cực về môi trường và sức hấp dẫn của Việt Nam, đã quyết định triển khai những dự án quy mô lớn làm trung tâm sản xuất chiến lược để kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã và đang muốn đầu tư vào ngành điện tử, sản xuất chíp ở Việt Nam với một số tên tuổi lớn trong ngành sản xuất bán dẫn như Intel, Samsung, Synopsys… Đáng chú ý, Tập đoàn Nvidia cũng đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm hiện diện ở Việt Nam thông qua việc hợp tác với đối tác trong nước cũng như khả năng triển khai dự án riêng. Đây là tín hiệu tốt trong thu hút đầu tư bán dẫn và các ngành công nghiệp điện tử, mở ra cơ hội cho Việt Nam tham gia vào thị trường bán dẫn. Trên thực tế, chưa bao giờ Việt Nam nổi lên mạnh mẽ, trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn hàng đầu đối với giới đầu tư quốc tế, nhất là công nghệ cao. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang đi đúng hướng, chủ động sàng lọc cơ hội, thu hút đầu tư mới trên cơ sở thực hiện hài hòa, đồng đều 2 mục tiêu là nâng lượng và tăng chất đầu tư nước ngoài; hướng tới sự lan tỏa, hiệu quả tổng hợp.

“Dù phải đối mặt với các thách thức trong vận hành và những bất ổn toàn cầu, các doanh nghiệp vẫn lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, với nhiều kế hoạch mở rộng và đầu tư vào các chiến lược dài hạn. Với chính sách phù hợp, cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, và môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, Việt Nam có thể tiếp tục thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong những năm tới”, Chủ tịch Jaspaert nhận định.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam luôn nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục để duy trì vị thế điểm đến an toàn, hiệu quả và cạnh tranh so với các nước. Mục tiêu của Việt Nam là tập trung thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen... Đây được coi là một trong những động lực quan trọng để nền kinh tế tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Để thu hút được dòng vốn theo mục tiêu này, các chuyên gia lưu ý, cần tập trung vào những chính sách mang tính đột phá trong năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, bộ máy hành chính, thể chế cho tới chiến lược và các giải pháp thu hút, nhằm thu hút được FDI vào những lĩnh vực mà chúng ta mong muốn.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-fdi-lac-quan-ve-tiem-nang-tang-truong-cua-viet-nam-i758192/
Zalo