Giá xăng có thể quay đầu tăng vào kỳ điều hành chiều 6/2

Dự báo tại kỳ điều hành ngày mai (6/2), nếu cơ quan quản lý không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng khoảng 200-230 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục đi xuống.

Ảnh minh họa: Quách Sơn/Mekong ASEAN.

Ảnh minh họa: Quách Sơn/Mekong ASEAN.

Giá dầu thế giới tuần qua ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp, khi giá dầu Brent giảm 2,1%, còn giá dầu WTI giảm 2,9%. Sang tuần này, giá dầu thế giới quay đầu tăng nhẹ ở phiên giao dịch đầu tiên (ngày 3/2), nhưng đóng cửa vẫn ở mức thấp nhất một tháng, trong bối cảnh thị trường đang tiếp nhận kế hoạch áp thuế đối với Canada, Mexico và Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/2, giá dầu thế giới ở thế trái chiều với giá dầu WTI giảm nhẹ, còn giá dầu Brent tăng nhẹ. Giá dầu thế giới diễn biến trái ngược do căng thẳng về thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump khôi phục chiến dịch “gây sức ép tối đa” lên Iran nhằm mục đích đưa xuất khẩu dầu của Iran về mức 0.

Đầu phiên giao dịch hôm nay (5/2), giá dầu thế giới duy trì thế trái chiều, trong bối cảnh tồn kho xăng, dầu của Mỹ tăng mạnh.

Theo dữ liệu từ Oilprice ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 5/2 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 76,2 USD/thùng, tăng 0,32%. Còn giá dầu WTI ở mức 72,7 USD/thùng, giảm 0,03% so với phiên liền trước.

Còn tại thị trường Singapore, giá xăng thành phẩm bình quân trong kỳ vừa qua giảm nhẹ so với kỳ trước. Theo cập nhật mới nhất đến ngày 4/2, giá xăng RON 92 đứng ở mức 83,30 USD/thùng, giảm 1,61 USD; giá xăng RON 95 giảm 2,15 USD, đứng ở mức 84,87 USD/thùng; giá dầu diesel giảm 1,52 USD so với thời điểm kỳ điều hành trước (ngày 1/2), ở mức 90,89 USD/thùng.

Do đó, dự báo trong kỳ điều hành chiều mai 6/2, nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính không tác động đến Quỹ Bình ổn, giá xăng trong nước có thể tăng khoảng 200-230 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel có khả năng giảm tiếp khoảng 30 đồng/lít.

Trong trường hợp cơ quan điều hành chi Quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng ít hơn hoặc giữ nguyên.

Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng RON 95 trong nước sẽ đảo chiều tăng sau phiên giảm đầu tiên sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 5 phiên điều chỉnh, trong đó có 2 phiên giảm, 3 phiên tăng.

Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 1/2), cơ quan quản lý quyết định điều chỉnh giảm giá đồng loạt các mặt hàng xăng dầu trong nước.

Cụ thể, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm 201 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, giá bán mới của mặt hàng này là 20.391 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 140 đồng, giá bán mới là 21.002 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu lại được đồng loạt điều chỉnh giảm mạnh, với dầu hỏa giảm 671 đồng, giá bán mới là 19.439 đồng/lít; dầu mazut giảm 250 đồng, giá bán không cao hơn 17.502 đồng/kg.

Đặc biệt, giá dầu diesel giảm sâu gần 1.000 đồng, xuống còn 19.246 đồng/lít.

Cũng tại kỳ điều hành chiều 1/2, cơ quan điều hành quyết định không trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, không chi sử dụng quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gia-xang-co-the-quay-dau-tang-vao-ky-dieu-hanh-chieu-62-37987.html
Zalo