Giới phân tích: Thuế quan của ông Trump sẽ gây hại cho kinh tế Mỹ
Lần này, thuế quan - vũ khí kinh tế ưa thích của ông Trump - đã ông được sử dụng một cách mạnh mẽ hơn so với trong nhiệm kỳ trước...
Ngày đầu tiên của tháng 2/2025, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế quan lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc, Canada và Mexico. Lần này, thuế quan - vũ khí kinh tế ưa thích của ông Trump - đã ông được sử dụng một cách mạnh mẽ hơn so với trong nhiệm kỳ trước.
Theo giới phân tích, thuế quan là một “canh bạc” lớn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, có thể gây ra những xáo trộn lớn về tăng trưởng kinh tế và lạm phát - hai vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm nhiều nhất. Nhiều chuyên gia không loại trừ khả năng thuế quan có thể phản tác dụng trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến thương mại tổng lực - đẩy lạm phát ở Mỹ leo thang trở lại, khiến thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm, và gây mất mát một số lượng lớn công ăn việc làm.
“Đây là một canh bạc lớn, là công thức làm cho nền kinh tế giảm tốc và lạm phát tăng”, chuyên gia cấp cao Mary Lovely của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định với trang CNN Money.
Tờ báo Wall Street Journal vào cuối tuần trước thậm chí còn đăng một bài viết có tựa đề “The Dumbest Trade War in History” (tạm dịch: “Cuộc chiến thương mại ngớ ngẩn nhất trong lịch sử”). Bài viết lập luận rằng những lý lẽ mà ông Trump đưa ra cho một cuộc “tấn công kinh tế”nhằm vào Canada và Mexico là “hoàn toàn vô lý”, đồng thời cảnh báo chiến lược này có thể dẫn tới thảm họa.
BỐI CẢNH KHÁC CỦA CUỘC CHIẾN THUẾ QUAN MỚI
Về phần mình, ông Trump xem thuế quan gần như là một công cụ đàm phán thần kỳ, một phương thức mạnh mẽ để giành ưu thế cho nước Mỹ trước các quốc gia khác, gồm cả bạn bè, đồng minh hay đối thủ. Ông nói rằng thuế quan - mà ông gọi là “thứ tuyệt vời nhất từng được phát minh ra” - là cần thiết để giải quyết các mối bận tâm lớn của Mỹ gồm thâm hụt thương mại, nạn nhập cư trái phép và dòng chất cấm gây nghiện được buôn lậu vào nước này.
Ông Trump và những người ủng hộ ông cũng thường chỉ ra rằng trong nhiệm kỳ trước của ông, thuế quan không khiến lạm phát trở thành một vấn đề, và họ đúng. Nhưng đó là những thuế quan khác, áp dụng trong một thế giới rất khác, vào một thời điểm khác.
Lần này, thuế quan mà ông Trump áp lên hàng hóa từ Trung Quốc, Canada và Mexico đánh vào số tổng lượng hàng hóa trị giá 1,4 nghìn tỷ USD mỗi năm. Con số này nhiều gấp hơn 3 lần số 380 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị ông Trump áp thuế quan trong nhiệm kỳ trước - theo ước tính của tổ chức Tax Foundation.
Khi ông Trump lên nắm quyền trong nhiệm kỳ trước, lạm phát không phải là một vấn đề lớn của Mỹ. Nhưng hiện tại, chi phí sinh hoạt của người dân nước này đã trở nên đắt đỏ hơn nhiều do ảnh hưởng tích tụ của mấy năm lạm phát cao. Người tiêu dùng Mỹ, nhà đầu tư và giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nhạy cảm hơn nhiều so với trước đây ngay cả với bất kỳ một sự tăng tốc nhỏ nào của lạm phát.
Ở nhiệm kỳ trước, ông Trump mới chỉ đe dọa chứ chưa thực sự áp thuế quan lên Canada và Mexico - hai nước láng giềng gần nhất của Mỹ. Lần này, thuế quan 25% đã được đưa ra đối với tất cả hàng hóa từ Canada và Mexico vào Mỹ. Dù việc áp thuế được hoãn 1 tháng để nhường chỗ cho đàm phán, nhưng nếu kế hoạch cuối cùng vẫn được thực thi, chuỗi cung ứng ở khu vực Bắc Mỹ có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn.
“Áp thuế quan 25% lên các đối tác thương mại gần gũi nhất có thể gây tổn hại lớn cho kinh tế Mỹ. Việc này chẳng khác gì tự đốt nhà mình”, nhà nghiên cứu cấp cao Christine McDaniel của Trung tâm Mercatus, Đại học George Mason, nhận xét.
Điều này đặc biệt đúng với ngành công nghiệp ô tô, nơi linh kiện xe thường đi qua biên giới nhiều lần trước khi một chiếc xe hoàn chỉnh được bán ở đại lý. Wolfe Research ước tính rằng giá của một chiếc ô tô điển hình được bán ở Mỹ có thể tăng thêm 3.000 USD vì thuế quan.
Đối với mặt hàng năng lượng, giới phân tích cảnh báo thuế quan có thể khiến giá xăng ở nhiều khu vực của Mỹ tăng lên, bởi Canada là nguồn nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Mỹ. Đó là lý do vì sao Nhà Trắng đưa ra mức thuế quan 10% đối với năng lượng nhập khẩu từ Canada thay vì 25%.
SẼ CÓ CÚ SỐC ĐÌNH LẠM?
Bà Lovely tin chắc thuế quan sẽ khiến giá thực phẩm ở Mỹ tăng, vì Mexico là nguồn nhập khẩu rau củ quả lớn nhất của Mỹ còn Canada là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mỹ về gia súc, thịt, đường và các sản phẩm nhiệt đới. Vị chuyên gia lưu ý rằng biến động tỷ giá có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng của thuế quan đối với giá cả, nhưng chỉ là một phần.
Một vấn đề nữa là thuế quan sẽ khiến giá cả đầu vào tăng lên và những nước bị Mỹ áp thuế quan có thể sẽ áp thuế lên hàng Mỹ để trả đũa. Điều đó sẽ khiến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng ngại đầu tư và chi tiêu, dẫn tới tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế.
Theo ước tính của nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của công ty tư vấn và kiểm toán EY, thuế quan của ông Trump đối với Mexico, Canada và Trung Quốc, cùng với việc các nước này áp thuế quan đáp trả Mỹ, sẽ khiến tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ giảm đi 1,5 điểm phần trăm trong năm 2025 và 2,1 điểm phần trăm nữa trong năm 2026.
“Việc tăng mạnh thuế quan nhằm vào các đối tác thương mại lớn của Mỹ có thể gây ra một cú sốc đình lạm, với nền kinh tế trì trệ và lạm phát tăng cao, đồng thời dẫn tới biến động lớn trên thị trường tài chính”, ông Daco viết trong một báo cáo.
Một “ẩn sổ” lớn là Fed sẽ phản ứng như thế nào. Nếu thuế quan chỉ khiến giá cả tăng một lần rồi thôi, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông có thể bỏ qua, nhưng dù sao, thuế quan vẫn có thể khiến Fed trì hoãn việc cắt giảm lãi suất về mức thấp hơn.
Ngoài ra, “bài kiểm tra” quan trọng thực sự đối với Fed là thuế quan sẽ ảnh hưởng ra sao đến tâm lý người tiêu dùng.
“Nếu thuế quan đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao hơn, Fed có thể cảm thấy cần thiết phải giữ lãi suất trong trạng thái thắt chặt lâu hơn, khiến điều kiện tài chính thắt lại và gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế”, ông Daco nhận định.
Còn quá sớm để đoán trước điều gì sẽ xảy ra. Có rất nhiều biến số khác nhau, gồm phản ứng của chuỗi cung ứng và người tiêu dùng với thuế quan. Chưa kể, các bên có thể đạt được thỏa thuận trước khi thuế quan thực sự gây ra thiệt hại.
Nhưng dù sao, việc áp thuế quan mạnh tay như vậy vẫn là một chiến lược rủi ro mà ngay cả chính ông Trump cũng không sử dụng đến trong nhiệm kỳ trước. “Chính quyền đang đùa với lửa”, nhà kinh tế trưởng Joe Brusuelas của công ty RSM nhận định.