Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh
Bộ Công Thương đã thực hiện xây dựng và đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 16/2025/TT-BCT ngày 1/2/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Để kịp thời để sửa đổi, bổ sung các quy định để vận hành, huy động các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước, đồng bộ với các quy định mới tại Nghị định số 100/2025/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã thực hiện xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 16/2025/TT-BCT ngày 1/2/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh
Ngày 8/5/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực nhằm quy định cụ thể hơn về cơ chế huy động các dự án nhiệt điện sử dụng nguồn khí thiên nhiên khai thác trong nước phù hợp với quy định tại Luật Điện lực.
Theo đó, để kịp thời để sửa đổi, bổ sung các quy định để vận hành, huy động các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước, đồng bộ với các quy định mới tại Nghị định số 100/2025/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã thực hiện xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 16/2025/TT-BCT ngày 1/2/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Dự thảo Thông tư sửa đổi khoản 2 Điều 3 Thông tư 16/2025/TT-BCT như sau:
“2. Bao tiêu là nghĩa vụ thực hiện của Đơn vị mua điện với Đơn vị phát điện về yêu cầu cam kết mua tối thiểu sản lượng điện trong các Hợp đồng mua bán điện thuộc bộ hợp đồng dự án nhà máy điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) hoặc các thỏa thuận bổ sung của đơn vị mua điện với đơn vị phát điện BOT hoặc khối lượng nhiên liệu trong Hợp đồng mua bán nhiên liệu cho phát điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển ngang sang Hợp đồng mua bán điện hoặc ràng buộc huy động tối đa theo khả năng cấp khí đối với các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước.”.
Bổ sung khoản 20a Điều 3 như sau:
“20a. Dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước là các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước được vận hành, huy động ở mức tối đa theo khả năng cấp khí, đáp ứng các yêu cầu ràng buộc về nhiên liệu, công suất và sản lượng phát điện khả dụng của dự án nhiệt điện khí, nhu cầu và ràng buộc kỹ thuật của hệ thống điện quốc gia phù hợp với quy định tại Nghị định số 100/2025/NĐ-CP ngày 08 tháng 05 năm 2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2025/NĐ-CP ngày 03 tháng 03 năm 2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực.”.
Sửa đổi điểm a, điểm b khoản 1 Điều 4 như sau:
“a) Nhà máy điện có công suất đặt lớn hơn 30 MW đấu nối vào hệ thống điện quốc gia (bao gồm các nhà máy điện BOT hết hạn hợp đồng và được chuyển giao cho Việt Nam, nhà máy thủy điện phối hợp vận hành với nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 51 Luật Điện lực);
b) Nhà máy điện có công suất đặt từ 10 MW trở lên hết hạn hợp đồng mua bán điện theo chi phí tránh được, bao gồm cả bậc thang (đối với thủy điện) và nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo khác hết hạn hợp đồng mua bán điện theo các cơ chế giá khuyến khích, ưu đãi của Nhà nước;”.
Sửa đổi điểm c khoản 3 Điều 4 như sau:
“c) Dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước;”.
Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 18 như sau:
“a) Giảm công suất phát của các tổ máy nhiệt điện có chi phí biến đổi theo thứ tự từ cao đến thấp, trừ các tổ máy nhiệt điện của các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước;”.
Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 32 như sau:
“b) Các thông số đầu vào phục vụ tính toán lập kế hoạch vận hành thị trường năm, bao gồm:
- Phụ tải dự báo từng miền Bắc, Trung, Nam và cho toàn hệ thống điện quốc gia trong từng chu kỳ giao dịch;
- Các số liệu thủy văn và các ràng buộc vận hành của các hồ chứa thủy điện được dùng để tính toán mô phỏng thị trường điện;
- Tiến độ đưa nhà máy điện mới vào vận hành;
- Các thông số kỹ thuật và các ràng buộc vận hành về lưới điện truyền tải;
- Biểu đồ xuất, nhập khẩu điện dự kiến;
- Lịch bảo dưỡng, sửa chữa năm của nhà máy điện, lưới điện truyền tải và nguồn cấp khí lớn;
- Phụ tải dự báo của các đơn vị mua buôn điện trong từng chu kỳ giao dịch;
- Các ràng buộc huy động của các nhà máy điện BOT, các nhà máy điện có ràng buộc huy động sản lượng tối thiểu hoặc các ràng buộc về bao tiêu nhiên liệu của các nhà máy điện có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển ngang các quy định bao tiêu nhiên liệu của nhà máy điện trong hợp đồng cung cấp nhiên liệu sang hợp đồng mua bán điện và ràng buộc huy động tối đa theo khả năng cấp khí đối với dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước;
- Các ràng buộc huy động nguồn nhằm bảo đảm cung cấp điện, cấu hình nguồn tối thiểu đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải.”.
Sửa đổi khoản 2 Điều 47 như sau:
“2. Công suất huy động dự kiến (hoặc dự báo) trong từng chu kỳ giao dịch trong ngày tới của các nhà máy điện tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này, nguồn điện mặt trời mái nhà và các nhà máy điện không trực tiếp chào giá trên thị trường điện, trong đó có xét đến các ràng buộc về bao tiêu nhiên liệu, sản lượng điện của các nhà máy điện BOT do Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, các ràng buộc về bao tiêu nhiên liệu của các nhà máy điện có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển ngang các quy định bao tiêu nhiên liệu của nhà máy điện trong hợp đồng cung cấp nhiên liệu sang hợp đồng mua bán điện và ràng buộc huy động tối đa theo khả năng cấp khí đối với các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước.”.
Sửa đổi điểm đ khoản 2 Điều 9 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 16/2025/TT-BCT như sau:
“đ) Các ràng buộc trong vận hành, bao gồm: bao tiêu của các nhà máy điện BOT, ràng buộc tiêu thụ nhiên liệu được chuyển ngang cơ quan quản lý nhà nước cho phép từ hợp đồng mua bán nhiên liệu sang hợp đồng mua bán điện, ràng buộc huy động tối đa theo khả năng cấp khí đối với các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước, giới hạn truyền tải liên kết vùng, cấu hình nguồn tối thiểu, ràng buộc hệ thống cung cấp nhiên liệu, ràng buộc thủy văn và các ràng buộc khác (nếu có);”.
Sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 20 Phụ lục V ban hành kèm Thông tư số 16/2025/TT-BCT như sau:
“g) Lịch bảo dưỡng, sửa chữa năm của các nhà máy điện, lưới điện truyền tải và nguồn cấp khí lớn; Các ràng buộc trong vận hành nguồn, lưới điện dẫn đến phải huy động một hoặc một vài nhà máy điện trong hệ thống. Sản lượng bao tiêu của các nhà máy điện BOT hoặc ràng buộc tiêu thụ nhiên liệu được chuyển ngang cơ quan quản lý nhà nước cho phép từ hợp đồng mua bán nhiên liệu sang hợp đồng mua bán điện và ràng buộc huy động tối đa theo khả năng cấp khí đối với các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước;”.
Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 16/2025/TT-BCT ngày 1/2/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh hiện đang được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương.
Ý kiến góp ý cho Dự thảo đề nghị gửi qua đường văn thư theo địa chỉ: Cục Điện lực, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; và qua thư điện tử theo địa chỉ: HaiCT@moit.gov.vn; SĐT: 0706689999.